Gỡ vướng sau văn bản của Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến ký
Dự án Picity High Park tọa lạc tại khu đất số 9A, Khu phố 1, phường Thạnh Xuân, quận 12, TP.HCM, với quy mô diện tích dự án là 8,6ha, do Công ty TNHH MTV Đầu tư Phát triển Gia Cư, là Công ty thành viên thuộc Tập đoàn Pi Group, làm chủ đầu tư.
Ngày 27/8/2018, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến ký văn bản số 3788/UBND-ĐT, về việc chấp thuận chủ trương đầu tư và công nhận chủ đầu tư dự án Khu nhà ở Gò Sao, phường Thạnh Xuân, quận 12. Về hiệu lực thực hiện, văn bản này có ghi rõ: “Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày UBND TP chấp thuận chủ trương đầu tư và công nhận Công ty TNHH MTV Đầu tư Phát triển Gia Cư làm chủ đầu tư dự án nêu trên, nếu chủ đầu tư không thực hiện hoàn tất thủ tục chấp thuận đầu tư dự án, theo quy định tại Nghị định số 11/2013/NĐ-CP, ngày 14/1/2013, của Chính phủ, về quản lý đầu tư và phát triển đô thị, cùng các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, thì văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư và công nhận chủ đầu tư này sẽ hết hiệu lực thực hiện”.
Đến hết tháng 8/2019, nghĩa là đã quá thời hạn 12 tháng, theo văn bản mà Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến ký, nhiều thông tin cho rằng, dự án Picity High Park sẽ phải thực hiện lại thủ tục xin chấp thuận chủ trương đầu tư và công nhận chủ đầu tư, vì văn bản cũ đã hết hiệu lực. Tuy nhiên, ngày 25/11/2019, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã ký Quyết định Chấp thuận đầu tư Dự án Khu nhà ở Gò Sao, do Công ty TNHH MTV Đầu tư Phát triển Gia Cư làm chủ đầu tư. Quyết định này đã đập tan mọi nghi vấn về khả năng dự án Picity High Park phải tiếp tục loay hoay với các thủ tục pháp lý.
Được biết, Quyết định này được Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan ký chỉ sau hơn 1 tuần, kể từ lúc Sở Xây dựng có văn bản đề nghị. Đây được xem là tốc độ giải quyết thủ tục hành chính thuộc hàng “siêu tốc”, trong bối cảnh nhiều dự án, nhiều doanh nghiệp bị đình trệ thủ tục.
Theo trình bày của Sở Xây dựng TP.HCM, mẫu văn bản công nhận chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở, của Bộ Xây dựng, có quy định mục thời gian hiệu lực văn bản công nhận chủ đầu tư. Tuy nhiên, không quy định thời gian cụ thể về hiệu lực văn bản công nhận chủ đầu tư. Việc UBND TP yêu cầu chủ đầu tư thực hiện hoàn tất thủ tục chấp thuận đầu tư dự án trong vòng 12 tháng, kể từ ngày UBND TP chấp thuận chủ trương đầu tư và công nhận chủ đầu tư, nhằm để tránh tình trạng dự án chậm triển khai.
HoREA: Môi trường kinh doanh vẫn thiếu minh bạch, công bằng, bình đẳng
Ngày 6/11/2019, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã gửi Kiến nghị một số giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản lên Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, HoREA Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nâng cao tính thống nhất, hiệu quả, hiệu lực, nghiêm minh của công tác thực thi pháp luật, trong đó có pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản.
“Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn được hoạt động trong môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh. “Minh bạch” là yêu cầu hàng đầu. Có “minh bạch” thì mới có công bằng, bình đẳng trong một môi trường kinh doanh “trong suốt” cạnh tranh lành mạnh. Nhưng trên thực tế, vẫn chưa thực sự đảm bảo tính minh bạch, công bằng, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh.
Trong thời gian qua, có một số doanh nghiệp được chỉ định đầu tư các dự án khu đô thị, khu nhà ở có quy mô diện tích rất lớn; được giải quyết các thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng rất nhanh; được phê duyệt các chỉ tiêu quy hoạch, chỉ tiêu dân số rất thuận lợi; được xác định tiền sử dụng đất rất mau lẹ.
Cộng đồng doanh nghiệp bất động sản đánh giá cao việc các cơ quan có thẩm quyền đã giải quyết rất nhanh các thủ tục đầu tư xây dựng của một số dự án bất động sản lớn và cũng rất mong được quan tâm giải quyết nhanh các dự án của doanh nghiệp mình để đảm bảo sự công bằng”, văn bản HoREA nêu.
HoREA cũng cho rằng, chất lượng đội ngũ cán bộ công chức là nhân tố quyết định thành công của việc Nhà nước kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh. Nhưng với hệ thống pháp luật hiện nay có tiềm ẩn yếu tố rủi ro cho người thi hành công vụ, nên yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật; chuẩn hóa quy trình, thủ tục hành chính là rất cấp bách. Đồng thời, cần đảm bảo cán bộ, công chức, viên chức nhà nước sống tốt bằng lương, để có thể “nói không” với tiêu cực, tham nhũng.
Nhiều doanh nghiệp mong chờ Phó chủ tịch Võ Văn Hoan “giải cứu”Theo báo cáo của HoREA, từ ngày 8/4/2019, hàng chục doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM đã gặp những vấn đề vướng mắc, và đề xuất UBND TP.HCM tháo gỡ. Trong đó, điển hình là các trường hợp sau:
1/ Đối với 7 dự án của Novaland trên địa bàn quận Phú Nhuận: Kiến nghị các Sở, ngành khẩn trương thực hiện rà soát, sớm trình UBND TP để kết luận, xử lý theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp hoàn tất các thủ tục hành chính còn thiếu, hoặc yêu cầu thẩm định lại tiền sử dụng đất dự án, để doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ tài chính phát sinh nộp vào ngân sách nhà nước (nếu có).
2/ Khu đô thị mới Dragon City: Công ty Cổ phần Địa ốc Phú Long là chủ đầu tư Dự án có diện tích 44,49 ha tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, thông qua đấu giá công khai từ năm 2004. Tuy nhiên, cho đến nay, tại phân khu số 15 của dự án vẫn còn tồn tại 1 căn nhà và đất của một số hộ dân, không chịu di dời. Đề nghị UBND huyện Nhà Bè và Sở Tài nguyên Môi trường hỗ trợ để sớm giao đất đầy đủ cho Công ty Phú Long thực hiện hai dự án nói trên.
3/ Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Việt Gia Phú: Công ty Việt Gia Phú là chủ đầu tư dự án khu nhà ở thương mại - dịch vụ - căn hộ tại số 1472 Võ Văn Kiệt và số 445-449 Gia Phú, phường 3, quận 6. Công ty đã bàn giao căn hộ cho khách hàng. Sở Tài nguyên Môi trường đã tạm dừng xem xét, giải quyết hồ sơ thẩm định giá đất dự án để tham khảo ý kiến của các cơ quan ban ngành và chờ văn bản hướng dẫn của Thủ tướng Chính phủ. Công ty đề nghị UBND TP xem xét để doanh nghiệp tiếp tục triển khai thủ tục thẩm định giá đất dự án, sớm hoàn thành nghĩa vụ tài chính.
4/ Công ty Cổ phần Đầu tư Tấn Hưng: Công ty Tấn Hưng là chủ đầu tư dự án Khu trung tâm thương mại dân cư Hưng Điền tại phường 16, quận 8. Trong quá trình thực hiện dự án đã gặp một số khó khăn, vướng mắc, Công ty kiến nghị UBND TP chấp thuận cho chuyển đổi chức năng đầu tư dự án từ nhà ở xã hội sang nhà ở thương mại; Chấp thuận các chỉ tiêu về quy hoạch, dân số trong trường hợp dự án được chấp thuận chủ trương chuyển đổi chức năng từ nhà ở xã hội sang nhà ở thương mại. Hiệp hội đề nghị TP chỉ đạo các Sở, ngành hỗ trợ Công ty Tấn Hưng trong việc đẩy nhanh các thủ tục pháp lý để chuyển đổi thành dự án nhà ở thương mại.
5/ Công ty CP Xây dựng Địa ốc Xanh: Công ty CP Xây dựng Địa ốc Xanh (trước là Công ty TNHH Thành Thủy) là chủ đầu tư dự án Khu dân cư Sài Gòn Xanh, có diện tích 3.664 m2 tại phường 16, quận 8. Công ty đã có Văn bản số 1802/CV-2019 ngày 18/02/2019 kiến nghị được sớm đóng tiền sử dụng đất bổ sung đối với phần đất 1.611 m2 của dự án. UBND TP đã chỉ đạo Sở Tài nguyên Môi trường sớm xem xét giải quyết. Đây cũng là vướng mắc chung của nhiều dự án nhà ở tại thành phố.
Hiệp hội kiến nghị Sở Tài nguyên Môi trường thụ lý nhanh hồ sơ tính tiền sử dụng đất dự án, và phối hợp với Sở Tài chính để thẩm định giá đất và trình UBND TP quyết định tiền sử dụng đất của các dự án, trong đó có dự án Khu dân cư Sài Gòn Xanh của Công ty Địa ốc Xanh.