Aa

Phố mưa

Thứ Sáu, 07/06/2019 - 06:00

Các chủ đầu tư, vì lợi nhuận và sự buông lỏng quản lý xây dựng, đã không đầu tư đúng mức hệ thống thoát thải. Và ngập, úng lụt của các đô thị này cũng là một sự tất nhiên "gậy ông lại đập lưng ông".

Phải nói ngay rằng, mưa bây giờ, nhất là những cơn mưa rào mùa hạ hay mưa to của kỳ bão lụt thực sự là ác mộng của cả thành Hà Nội lẫn người dân. Tại sao lại thế? Để trả lời câu hỏi này thực sự không khó mà chỉ cần bạn chứng kiến một trận mưa to Hà Nội là biết mặt nhau ngay.

Lúc đó, Hà Nội nước bốn bề mênh mang bể sở. Có những con phố chìm sâu trong nước cả mét. Xe cộ, từ ô tô đến các loại xe máy, chết la liệt nằm ngổn ngang. Thành phố gần như tê liệt hoạt động khi giao thông bị nước cản trở. Ác mộng đơn giản chỉ là vậy. Nhưng để lý giải ác mộng này thì lại là một câu chuyện dài và rất khó tìm ra được hồi kết.

Hà Nội cổ xưa do người Pháp thiết kế xây dựng với hệ thống cống thoát đơn giản nhưng cực kỳ hiệu quả. 36 phố phường nơi Kẻ Chợ được tính toán đâu đấy từ mặt cốt cao so với mặt nước biển và so với nơi chứa nước thoát là hệ thống sông ngòi. Đặc biệt là hệ thống cống thoát. Cống ngầm Hà Nội là những công trình bền vững bất chấp thời gian. Bằng chứng là trong các khu phố cổ và cũ, mưa có to thế nào, có thể bị úng lụt cục bộ, tạm thời đó đây một vài chỗ, nhưng hầu như là nước thoát rất nhanh.

Chả thế mà thời xưa khi các tù nhân cách mạng bị giam ở Hỏa Lò đã có những người trốn thoát bằng hệ thống cống ngầm. Chuyện vượt ngục được mô tả trong truyện tôi đọc từ ngày nhỏ thấy mê mẩn và hình dung hệ thống cống thoát là những đường hầm đầy mê đắm trong trí tưởng con trẻ. Có thể nói, ở Hà Nội hiện nay các khu đô thị trung tâm nằm ở khu phố cổ và cũ, tình trạng ngập nước là không có. Nếu có bị ngập chỗ nào đó thì đấy là do liên lụy bởi những khu đô thị mới được xây như thiên la địa võng ở khắp Hà Nội mở rộng.

Thói thường ở Hà Nội xưa, cứ nói đến mưa thì đó là những gì cực kỳ lãng mạn. Tuổi thơ đám chúng tôi gắn với những cơn mưa rào mùa hạ. Mưa nhìn mặt hồ Hoàn Kiếm mới tuyệt vời làm sao. Những bong bóng nước sa đầy mặt hồ màu xanh làm tóe những vụn nước lấp lánh. Mặt đường nhựa thẫm lại loáng nước với những chiếc lá rụng nằm xao xác, thấm no nước và bị dòng chảy cuốn trôi đi, hút xoáy xuống miệng cống thoát, gợi những hình ảnh liên tưởng thú vị. Cây lộc vừng chín gốc bên bờ hồ, cứ mưa là chúng tôi tập trung nhảy ùm ùm xuống tắm mưa thỏa thích.

Có một hình ảnh được tôi sử dụng trong sáng tác của mình, đấy là hình ảnh thằng bé con mười tuổi là tôi trong một cơn mưa rào với chiếc áo may ô căng tròn đựng đầy bụng sấu chín vừa chọc hái được. Mưa quất ràn rạt. Thằng bé cuống quýt chạy tránh mưa, bất ngờ nó vấp ngã. Cả bụng sấu ào ra. Những quả sấu chín vàng suộm trút xuống mặt đường lăn dài, lăn dài. Thằng bé ngẩn ra và òa khóc.

"Hà Nội bây giờ phố biến thành sông"...

Lớn lên chút, những phút giây dạo phố trong tiếng mưa rơi nhè nhẹ như những bản tình ca dịu dàng mới kỳ thú làm sao. Nhưng đấy là quá vãng. Bây giờ mưa đã là nỗi kinh hoàng. Có nhạc sĩ đường phố nào đó đã chế ra đoạn nhạc đầy chua chát nhưng rất khó bắt bẻ: "Hà Nội bây giờ phố biến thành sông"...

Sông là đúng đấy. Không ít cơn mưa khiến những hồ nuôi cá ven đô bị tràn bờ. Cá nuôi vượt bờ, băng qua đường nhựa, theo đường thoát lao vào phố phường. Thế mới có chuyện bi hài ngay giữa phố người ta mang vó ra cất, mang nơm ra úp, mang bất cứ dụng cụ gì ra cũng tóm được vô khối cá. Mưa tạnh, nước rút, những con sông thoát thải như Kim Ngưu, Tô Lịch... cá bị ngớp bùn nổi đặc mặt nước và lại là người tấp nập vó, tấp nập xiên bắt bằng hết những con cá xấu số.

Vì sao lại có tình trạng ấy? Là vì quy hoạch thiếu đồng bộ, là vì xây dựng không tuân thủ quy chuẩn từ cốt nền đến chính quy hoạch. Là sự quản lý lỏng lẻo với tầm nhìn ngắn hạn. Là hệ thống thoát nước quá tải. Là chậm trễ trong việc triển khai các dự án thoát nước. Vân vân và vân vân, với vô khối lý do.

Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân gốc rễ của việc ngập úng Hà Nội là lỗ hổng lớn của quy hoạch: đó là chưa chú ý đến quy hoạch cốt nền. Những khu đô thị mới được xây dựng bằng mọi giá và để lại sự bất cập là cốt nền không đồng nhất và lúng túng trong giải pháp thoát nước đồng bộ khu vực. Không ít trận mưa lớn đã biến nhiều khu đô thị mới thành ốc đảo trong thời gian dài.

Đó còn là hệ thống thoát thải của thành phố đã quá tải, quá kém kể cả về chiều dài lẫn tiết diện dòng chảy. Thành phố đã triển khai không ít những dự án như phân vùng tiêu thoát, tăng công suất bơm thoát úng, cải tạo dòng chảy các con sông thoát, xây dựng các trạm xử lỷ thải...

Còn nữa, tôi nghĩ đây cũng là một nguyên nhân chính gây úng lụt đô thị, đó là chính quyền trong những năm qua đã quá vội vã tắc trách trong việc chuyển đổi đất đai đô thị, đất nông nghiệp thành đất ở. Ao hồ bị lấp khiến mất cân bằng khả năng tích nước. Những khu đô thị thương mại phát triển từ quỹ đất đô thị trong nội thành đã khiến hệ thống cống thoát cũ bị quá tải nghiêm trọng. Các chủ đầu tư khu đô thị mới, vì lợi nhuận và sự buông lỏng quản lý xây dựng, đã không đầu tư đúng mức hệ thống thoát thải. Và sự ngập khi úng lụt của các đô thị này cũng là một sự tất nhiên "gậy ông đập lưng ông".

Lại nhớ dạo Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, có chuyên gia hiến kế thành phố phải lên kịch bản chống ngập trong đó có phương án hy sinh nước cho nông nghiệp bằng cách rút kiệt nước các hồ chứa trong nội, ngoại đô và các con sông Nhuệ, sông Tô Lịch, đặt các trạm bơm lưu động để đề phòng mưa ngập trong lễ hội.

Ám ảnh vô chừng. Phố mưa sẽ không còn là nỗi ám ảnh nữa khi Hà Nội có một quy hoạch nhất quán và kỷ cương xây dựng phải được chấp hành triệt để, chứ không phải là những đối phó manh mún như trên. Bao giờ thì phố mưa không còn là nỗi ám ảnh để trở lại thành sự lãng mạn của người Hà Nội?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top