Aa

Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Ngân hàng thương mại như đang đi trên dây

Thứ Bảy, 16/10/2021 - 06:35

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, rất nhiều áp lực đang dồn lên ngành ngân hàng, như phải bơm tín dụng, hạ lãi suất, song phải kiểm soát được lạm phát...

PV: Từ đầu năm đến nay, lãi suất cho vay chỉ giảm 0,55%, trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng đầu năm chỉ tăng 1,82%. Trong điều kiện lạm phát thấp, lãi suất có thể giảm thêm nữa, thưa ông?

Ông Đào Minh Tú: Lạm phát nước ta từ đầu năm đến nay là 1,82%, song nhiều tổ chức quốc tế dự báo, lạm phát sẽ tăng trở lại. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), lạm phát tại Việt Nam năm nay có thể tăng 2,8 - 3,5%. Nếu lấy tạm con số ước tính lạm phát 3%, thì với lãi suất huy động đầu vào bình quân 5 - 5,5%/năm hiện nay, người gửi tiền chỉ hưởng lãi suất thực dương 2%.

Mặt bằng lãi suất huy động hiện nay đã ở mức thấp, do năm 2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhiều lần giảm lãi suất huy động. Từ đầu năm đến nay, tín dụng tăng 7,42%, trong khi huy động vốn chỉ tăng 4,8%. Nếu tiếp tục giảm lãi suất huy động, tiền gửi vào ngân hàng sẽ giảm mạnh. Chính vì vậy, NHNN không đặt ra vấn đề giảm thêm lãi suất huy động nữa.

Khi lãi suất huy động thấp, không ít người gửi tiền sẽ lựa chọn rút tiền khỏi ngân hàng, đầu tư vào vàng, chứng khoán, bất động sản… Trong khi đó, ngân hàng muốn có tiền cho vay phải duy trì được tiền gửi đầu vào ổn định. Cho nên, mặt bằng lãi suất huy động phải duy trì ở mức hợp lý để đảm bảo nguồn tiền gửi.

Với lãi suất huy động bình quân ở mức 5 - 5,5%/năm như hiện nay, nếu cộng chênh lệch 2,5% thì lãi suất cho vay khoảng 7,5 - 8%/năm là khá hài hòa lợi ích các bên. Thực tế, đây cũng là mức lãi suất cho vay phổ biến trên thị trường.

Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước

PV: Lãi suất huy động khó giảm thêm, song nhiều doanh nghiệp cho rằng, bản thân các ngân hàng đang lãi lớn, nên vẫn có dư địa cắt giảm thêm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp. Theo ông, điều này có hợp lý?

Ông Đào Minh Tú: Trong điều kiện lãi suất huy động không thể giảm thêm, chỉ có 2 cách để ngân hàng thương mại có thể giảm thêm lãi suất cho vay: cắt giảm chi phí và cắt giảm lợi nhuận.

Nửa đầu năm nay, nhiều ngân hàng vẫn công bố lãi lớn. Tuy nhiên, nếu so với vốn tự có lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng của ngân hàng, thì tỷ suất lợi nhuận của các ngân hàng không hề cao, thậm chí thấp hơn nhiều ngành khác. Chưa kể, lợi nhuận mà các ngân hàng công bố là lợi nhuận chưa tính đầy đủ trích lập dự phòng, chưa tính đủ lãi dự thu, công bố lợi nhuận lớn để có thành tích cao, số liệu đẹp.

Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của NHNN, các ngân hàng, không chỉ ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, mà cả ngân hàng TMCP tư nhân, đã rất tích cực trong hỗ trợ doanh nghiệp và khách hàng.

Trên thực tế, sự hỗ trợ của ngân hàng với doanh nghiệp là rất lớn. Từ đầu năm 2020 đến nay, các ngân hàng đã chấp nhận mất 27.000 tỷ đồng tiền lãi để hỗ trợ doanh nghiệp.

PV: Hệ thống ngân hàng đã hỗ trợ rất lớn, song so với nhu cầu vốn của doanh nghiệp, thì sự hỗ trợ này là chưa đủ. Các doanh nghiệp cho rằng, cần có những gói tín dụng cấp bù lãi suất quy mô lớn với sự tham gia của chính sách tài khóa. Quan điểm của ông thế nào?

Ông Đào Minh Tú: Trong bối cảnh khó khăn, mọi chính sách hỗ trợ về tài khóa, tiền tệ, các khoản hỗ trợ tiền điện, nước, viễn thông… đối với doanh nghiệp, người dân là hết sức cần thiết. Về phía ngành ngân hàng, chúng tôi hết sức tự giác, dư địa của chính sách tiền tệ có thể hỗ trợ nền kinh tế còn bao nhiêu, chúng tôi đều cố gắng hết sức, còn lại thì chính sách tài khóa phải vào cuộc.

Thời gian gần đây, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải có gói tiền tươi thóc thật từ ngân sách để hỗ trợ doanh nghiệp. Theo tôi, chính sách này là cần thiết. Tuy nhiên, nguồn từ ngân sách có thể hỗ trợ bao nhiêu thì Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tính toán trên cơ sở nguồn lực của đất nước trong ngắn hạn, trung hạn một cách hợp lý. Thủ tướng và Chính phủ rất trăn trở các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, song nguồn lực của Nhà nước lại có hạn.

PV: Ngành ngân hàng cam kết đáp ứng đủ vốn cho nền kinh tế, song lại khẳng định không hạ chuẩn vay, trong khi đa phần doanh nghiệp hiện nay không đáp ứng được điều kiện vay vốn. Phải giải quyết mâu thuẫn này như thế nào, thưa ông?

Ông Đào Minh Tú: Chính vì vượt quá quyền hạn của NHNN, nên cần sự vào cuộc của Chính phủ, đưa ra giải pháp tổng thể. Theo đó, Chính phủ sẽ đưa ra gói hỗ trợ tín dụng với cơ chế, chính sách cụ thể, xác định rõ đối tượng, lĩnh vực, địa phương… nào được vay vốn.

Tuy vậy, xác định đối tượng được hưởng gói vay ưu đãi rất khó. Có quan điểm cho rằng, nên hỗ trợ các doanh nghiệp có khả năng phục hồi, tạo sức lan tỏa cho nền kinh tế, tạo việc làm cho người lao động. Thế nhưng cũng có quan điểm là chỉ nên hà hơi, tiếp sức cho những doanh nghiệp đang hấp hối. Với một nền kinh tế quy mô lớn, việc xác định đối tượng ưu tiên không hề đơn giản, Chính phủ nhiều lần họp cả đêm để bàn bạc, tìm giải pháp.

Một trong những khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp nước ta là dựa quá nhiều vào tín dụng. Trong khi đó, ngân hàng thương mại như đang đi trên dây. Ngân hàng huy động tiền gửi của dân không thể mang cất vào két, mà phải cho vay. Nhưng nếu nền kinh tế cần bao nhiêu, ngân hàng “tháo cửa” cho vay bấy nhiêu, thì nợ xấu sẽ tăng mạnh, rơi vào cảnh mất thanh khoản, rối loạn nền kinh tế./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top