Aa

Phó Thủ tướng chỉ đạo xử lý loạt sai phạm

Thứ Năm, 21/02/2019 - 20:01

Ngày 20/2, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã đồng ý với kết luận thanh tra dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên của Thanh tra Chính phủ (TTCP) và yêu cầu các bộ, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Phó Thủ tướng giao TTCP công bố kết luận thanh tra theo đúng quy định. Thực hiện đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực, chiều ngày 20/2, TTCP đã công khai kết luận thanh tra theo đúng quy định của pháp luật.

Nhà thầu Trung Quốc cung cấp máy móc sai

Dự án cải tạo mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2005, giao Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS) tổ chức thẩm định, xem xét phê duyệt; Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) là chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư (TMĐT) được Hội đồng quản trị VNS phê duyệt là 3.843 tỷ đồng (242,5 triệu USD).

Dự án gồm hai gói thầu chính: (1) Gói thầu mỏ sắt Tiến Bộ đã hoàn thành đưa vào sử dụng với giá trị thanh toán trên 224 tỷ đồng; (2) Gói thầu EPC dây chuyền công nghệ luyện kim (143 triệu USD, sau là 160,9 triệu USD) đấu thầu rộng rãi. Tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) trúng thầu với giá 160,9 triệu USD.

Ngày 12/7/2007, Hợp đồng số 01#EPC/TISCO-MCC được ký giữa bên giao thầu là TISCO và bên nhận thầu EPC là Công ty Tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC), cam kết tại Điều 9 “giá hợp đồng tổng thầu EPC là 160.888.887 USD. Giá hợp đồng này là giá trọn gói không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng và đã bao gồm các loại thuế được xác định trong hợp đồng, các chi phí cần thiết để thực hiện hợp đồng theo phương thức Tổng thầu EPC”.

TTCP

TTCP chỉ ra hàng loạt sai phạm tại Dự án cải tạo mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên.

Trong đó, giá trị Phần E (tư vấn, thiết kế) là 3.145.572 USD, Phần P (thiết bị) là 114.813.414 USD, Phần C (xây dựng và lắp đặt) là 42.929.901 USD, thời gian thực hiện hợp đồng là 30 tháng (hợp đồng có hiệu lực từ ngày 3/9/2007).

Sau ký hợp đồng, MCC đã được tạm ứng 35,6 triệu USD; trong quá trình thực hiện hợp đồng, TISCO và MCC ký 10 Phụ lục điều chỉnh nhiều nội dung quan trọng của Hợp đồng EPC đã ký.

Ngày 15/5/2013, Chủ tịch Hội đồng quản trị TISCO ký phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên tới trên 8.104 tỷ đồng (tăng 4.261 tỷ đồng), thời gian thực hiện đến hết năm 2014 đi vào hoạt động. Thực tế, gói thầu EPC đã tạm dừng thi công từ năm 2013 đến nay, các hạng mục đều chưa hoàn thành.

Kết luận chỉ rõ, quá trình thực hiện dự án, TISCO, MCC, VNS, Bộ Công Thương, các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan đã có những khuyết điểm, sai phạm. Đến thời điểm thanh tra, tổng giá trị TISCO đã thanh toán cho dự án là trên 4.421 tỷ đồng; tổng dư nợ gốc, lãi vay ngân hàng phải trả trên 3.896 tỷ đồng (hiện lãi vay phải trả trên 40 tỷ đồng/tháng), trong đó thanh toán cho MCC trên 92% giá trị hợp đồng (Phần E là 2,9 triệu USD/3,1 triệu USD, 92,77%; Phần P 106,6 triệu USD/114,8 triệu USD 92,89%) nhưng các hạng mục của dự án đều chưa hoàn thành.

Đến năm 2013 MCC và các nhà thầu đã dừng thi công. TISCO đã thanh toán thay MCC tiền thuế là 11,6 triệu USD, thanh toán chi phí xếp dỡ, bảo quản thiết bị là 4,737 tỷ đồng, vượt giá trị hợp đồng, trong khi MCC chưa chuyển đủ thiết bị, cung cấp nhiều máy móc thiết bị sai khác về xuất xứ, thông số kỹ thuật, không phù hợp với quy chuẩn Việt Nam với giá trị xác định bước đầu là 38,8 triệu USD (42 xe ô tô là 1,033 triệu USD, 5 đầu máy toa xe là 5,4 triệu USD...). Hiện một số thiết bị đã rỉ sét, hư hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ, chất lượng dự án, thiệt hại vốn đầu tư.

Bộ Công Thương “dính” loạt sai phạm

Theo kết luận TTCP, Bộ Công nghiệp (trước đây), Bộ Công thương chưa thực hiện đầy đủ chức năng nhiệm vụ được giao, đã có những khuyết điểm, vi phạm.

Cụ thể: Bộ Công nghiệp (trước đây) không yêu cầu TISCO, VNS lập TKCS để thẩm định theo quy định; thiếu kiểm tra, giám sát TISCO, VNS trong việc thẩm định báo cáo đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ khi chưa đảm bảo các điều kiện để triển khai dự án (nguồn vốn, nguồn nguyên liệu, cơ sở xác định TMĐT…).

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ nội dung Báo cáo NCTKT chưa đầy đủ cơ sở. Có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận ý kiến của VNS chọn VINAINCON làm Nhà thầu phụ thực hiện Phần C, cho phép TISCO được điều chỉnh chi phí thực hiện Phần C theo đơn giá điều chỉnh không đúng quy định, không đúng thẩm quyền; có ý kiến chấp thuận đề nghị của TISCO, ký hợp đồng với VINAINCON, các Nhà thầu phụ khác và thanh toán theo đơn giá không đúng quy định của pháp luật về đầu tư, Hợp đồng EPC số 01#.

Không thẩm tra mà sử dụng số liệu của VINAINCON, trình các bộ, ngành và Thủ tướng Chính phủ chi phí phát sinh Phần C (15.570.099 USD) không đúng với Hợp đồng EPC.

Theo kết luận TTCP, Bộ Công thương đã ký Văn bản số 2687/BCT-CNNg ngày 29/3/2013 đề xuất việc điều chỉnh TMĐT Dự án và Văn bản số 88/BC-BCT ngày 26/8/2014 (sau 15 tháng kể từ khi TISCO ký quyết định điều chỉnh TMĐT) báo cáo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ ngày 27-28/8/2014, trong đó có ý kiến việc điều chỉnh TMĐT Dự án tăng lên 8.104.907,173 triệu đồng đã được Bộ Công Thương rà soát, thẩm tra. Mặc dù trước đó các bộ, ngành đều cho rằng không có cơ sở điều chỉnh TMĐT là không đúng Hợp đồng EPC, quy định của pháp luật về đầu tư.

TTCP xác định trách nhiệm để xảy ra những sai phạm trên thuộc về lãnh đạo Bộ Công thương, phó tổng giám đốc VNS, tổng giám đốc và các cán bộ có liên quan thuộc TISCO, VINAINCON…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top