Aa

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Bình Định sẽ là một trong những trung tâm tăng trưởng của đất nước

Chủ Nhật, 24/12/2023 - 06:00

Đó là phát biểu của Phó Thủ tướng tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 khi nhìn nhận về tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội.

Bình Định là tỉnh ven biển có vị trí chiến lược rất quan trọng và nằm ở trung điểm của trục giao thông đường sắt, đường bộ Bắc - Nam, đồng thời là cửa ngõ ra biển gần và thuận lợi nhất của vùng Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan. Với bờ biển dài 134km, vùng lãnh hải rộng 36.000km2, cảng biển quốc tế Quy Nhơn có thể tiếp nhận tàu hàng đến 70 nghìn tấn ra vào,

Từng bước phát triển và khởi sắc

Với bề dày lịch sử và văn hóa lâu đời, là vùng đất kinh đô của một số triều đại, Bình Định nổi tiếng với những di tích lịch sử - văn hóa gắn liền với sự hình thành và phát triển của vùng đất địa linh nhân kiệt, là cái nôi của phong trào Tây Sơn gắn liền với tên tuổi lẫy lừng của người anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ. Bên cạnh đó, Bình Định còn là miền “đất võ, trời văn”, là nơi nuôi dưỡng và phát triển tài năng của nhiều danh tướng, danh nhân văn hóa, nhà thơ lớn của dân tộc. Người dân Bình Định có truyền thống anh hùng cách mạng, ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, thân thiện, mến khách và đặc biệt là niềm tự hào, khát vọng vươn lên, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, hiện đại.

Bình Định có tiềm năng trở thành trung tâm phát triển dịch vụ cảng biển, vận tại biển, logistic, phát triển năng lượng sạch, du lịch biển đảo, khai thác và nuôi trồng thủy hải sản…(Ảnh minh hoạ, nguồn NL)

Tại hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng Bình Định hội tụ đủ tiềm năng, lợi thế và cơ hội nổi trội, khác biệt để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và là một trong những trung tâm tăng trưởng của đất nước.

Thời gian qua, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Bình Định với tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, vượt qua mọi trở ngại để đưa tỉnh nhà tiến bước; trở thành một trong những tỉnh phát triển năng động và ổn định của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung; bộ mặt đô thị và nông thôn, cảnh quan, môi trường có nhiều khởi sắc, là điểm đến hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế; đặc biệt là tỉnh Bình Định đã có những cách làm hay, hiệu quả trong phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển mô hình hợp tác công tư và phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhận trong khu công nghiệp…

“Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, tôi ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương những thành tựu nổi bật mà Đảng bộ, Chính quyền, quân và dân tỉnh Bình Định đã đạt được trong suốt chặng đường đã qua”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, bày tỏ.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tham dự Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch được kỳ vọng sẽ tạo ra xung lực mới

Có thể thấy, quy hoạch có vai trò vô cùng quan trọng, quy hoạch xác định tư duy tầm nhìn, mô hình, kịch bản, phương án phát triển và tổ chức không gian phát triển. Và quy hoạch cũng tạo ra cơ hội mới, năng lực sản xuất và giá trị mới cho từng quốc gia, từng vùng, từng địa phương trong thời kỳ quy hoạch.

“Bản quy hoạch tỉnh Bình Định được công bố hôm nay được xây dựng với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh; cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03 tháng 11 năm 2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thể hiện khát vọng của Đảng bộ và Nhân dân Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Tỉnh Bình Định sẽ đóng vai trò là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa của vùng; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ, hiện đại”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, quy hoạch sẽ mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới cho tỉnh Bình Định; được kỳ vọng sẽ tạo ra xung lực mới để Bình Định phát triển đột phá và tạo ra kỳ tích về phát triển kinh tế - xã hội với các trụ cột: Phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp 4.0, trọng tâm là công nghiệp chế biến chế tạo giá trị cao; Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác; Phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản đựa trên công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch; Phát triển mạnh mẽ  dịch vụ cảng biển - logistics trở thành ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao; Phát triển đô thị nhanh và bền vững, đô thị hóa trở thành động lực quan trọng thức đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại Hội nghị 

Để đạt được những mục tiêu tham vọng này, nhất là trong điều kiện tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động phức tạp, kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh diễn biến khó lường; để phát triển theo đúng tầm nhìn và định hướng trong Quy hoạch, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng yêu cầu tỉnh Bình Định cần quan tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp:

Một là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gắn với việc thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; đặc biệt là Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị. Tăng cường hợp tác, liên kết phát triển với các tỉnh, thành phố trong vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ.

Hai là, công bố, công khai rộng rãi Quy hoạch tỉnh, quảng bá xúc tiến để thu hút các nguồn lực xã hội; đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân thực hiện quyền giám sát việc thực thi Quy hoạch tỉnh.

Ba là, khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh một cách chi tiết, khoa học, phù hợp với nguồn lực, điều kiện thực tiễn của địa phương; triển khai các quy hoạch chi tiết để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp, tổ chức không gian lãnh thổ, để điều phối, quản lý thống nhất, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, hiệu quả và phát triển bền vững với tầm nhìn dài hạn.

Thứ tư là, huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nhà nước, tư nhân và các nguồn lực hợp pháp khác để tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đảm bảo đồng bộ, hiệu quả. Trong đó ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông có ý nghĩa chiến lược, kết nối Bình Định với các địa phương trong khu vực, cả nước và quốc tế. Thu hút nguồn lực nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nhất là các ngành kinh tế biển. Ưu tiên đầu tư các dự án động lực, có tính lan tỏa, tạo không gian phát triển mới và những động lực, năng lực mới, thúc đẩy sự phát triển của tỉnh theo hướng văn minh, hiện đại và bền vững.

Năm là, tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực thế mạnh, trên nền tảng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn. Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là tạo đột phá cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, xây dựng Chính quyền điện tử, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng; lắng nghe, đối thoại, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Sáu là, tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài theo định hướng phát triển của tỉnh, nhất là nhân lực công nghệ thông tin, kỹ thuật công nghệ, du lịch, công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao. Xây dựng các chế độ, chính sách đãi ngộ và thu hút nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao tới làm việc tại Bình Định. Tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả gắn với xây dựng đội ngũ công chức viên chức có chất lượng, được đào tạo bài bản; đổi mới tác phong lề lối làm việc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Bảy là, khơi dậy, phát huy cao độ các giá trị truyền thống văn hóa lịch sử, cách mạng hào hùng của quê hương. Tiếp tục đổi mới, sáng tạo; chuyển hoá khát vọng phát triển mãnh liệt, niềm tự hào, tình yêu quê hương cùng tinh thần đổi mới vào trong từng hành động, việc làm nhỏ nhất./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top