Chiều 23/3, tỉnh Đắk Nông tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, địa phương tham dự hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Bí Thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Nông Lưu Văn Trung, cho rằng Hội nghị công bố quy hoạch xúc tiến đầu tư là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc của địa phương. Thông qua sự kiện này khẳng định khát vọng, chỉ ra các động lực phát triển để Đắk Nông khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh, bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.
"Quy hoạch tỉnh được phê duyệt ngày 31/12/2023 là dấu mốc quan trọng có ý nghĩa rất trọng đại. Đặc biệt hơn, quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đúng dịp Kỷ niệm 20 năm Ngày tái lập tỉnh Đắk Nông. Đây là dịp để Đảng bộ, Nhân dân tỉnh Đắk Nông cùng nhìn lại quá trình phát triển và quyết tâm tiến tới những nấc thang phát triển mới đã được Chính phủ phê duyệt, hoạch định rõ ràng. Đồng thời, là cơ sở chính trị và pháp lý vô cùng quan trọng, để tỉnh bước vào thời kỳ phát triển mới đột phá, nhanh và bền vững với mục tiêu xuyên suốt đến năm 2050 là trở thành tỉnh phát triển của vùng Tây Nguyên, trở thành "Tỉnh mạnh - Dân giàu - Thiên nhiên tươi đẹp - Xã hội nghĩa tình", Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông Lưu Văn Trung, nhấn mạnh.
Theo ông Lưu Văn Trung, việc triển khai thực hiện Quy hoạch không thể tách rời với việc huy động nguồn lực thực hiện. Quy hoạch tỉnh Đắk Nông đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ rất lớn trong việc huy động tổng nguồn lực của toàn xã hội, nguồn lực đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp, tư nhân… Vì vậy với phương châm "sự thành công, phát triển của doanh nghiệp cũng là sự thành công và phát triển của tỉnh", Đắk Nông luôn mở rộng cửa chào đón các nhà đầu tư, cam kết đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất để biến ý tưởng của nhà đầu tư gắn với các mục tiêu trong quy hoạch tỉnh thành hiện thực.
"Tỉnh sẽ tập trung triển khai các giải pháp để thực hiện các dự án ưu tiên đầu tư, ưu tiên thu hút đầu tư, huy động được tổng lực nguồn vốn đầu tư toàn xã hội, nhất là sự ủng hộ của Trung ương, sự cam kết và đầu tư, gắn bó cùng phát triển của các tập đoàn, doanh nghiệp với tỉnh Đắk Nông. Với quyết tâm cao nhất, tỉnh Đắk Nông cam kết và sẽ thực hiện thành công Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2050", ông Lưu Văn Trung, khẳng định.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh, mặc dù Đắk Nông đang có nhiều khó khăn nhưng vẫn có những điểm sáng và lợi thế riêng có, hoàn toàn có thể tập trung vào phát triển công nghiệp dựa trên lợi thế về tài nguyên bô xít, phát triển du lịch gắn với các sản phẩm độc đáo, riêng có; khả năng phát triển kinh tế nông nghiệp; khả năng tiếp cận và phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.
Phó Thủ tướng đề nghị chính quyền và Nhân dân cần phải đoàn kết, gắn bó và chia sẻ. Người đứng đầu nêu gương, dám chịu trách nhiệm; quan tâm đến đồng bào dân tộc về sinh kế, cán bộ người dân tộc, cán bộ làm công tác dân tộc.
Đặc biệt, trong khát khao phát triển vẫn phải giữ được tài nguyên, sự đa dạng sinh học và đặc biệt là giữ rừng với tư cách là lá phổi cho khu vực Tây Nguyên và đất nước. Quan tâm trao đổi kinh nghiệm với nhiều địa phương khác đang có cách làm hay. Có sự chọn lọc trong đầu tư và thu hút đầu tư. "Đắk Nông là địa phương nằm ở cửa ngõ Đông Nam Bộ với Tây Nguyên, đây là cơ hội kết nối rất lớn cho tỉnh. Đắk Nông cần phát triển du lịch độc đáo, riêng có mới tăng sức cạnh tranh. Nông nghiệp công nghệ cao là một hướng đi đúng và nên kết hợp giữa nông nghiệp với du lịch", Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nói.
Về quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời gian đến, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tặng Đắk Nông 8 chữ: "Tuân thủ, linh hoạt, đồng bộ, thấu hiểu". Theo Phó Thủ tướng, giá trị cao nhất của quy hoạch là định hướng, nếu không tuân thủ sẽ chệch hướng.
Theo quy hoạch, Đắk Nông đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Tây Nguyên. Hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ; là cửa ngõ quan trọng kết nối giao thương giữa Tây Nguyên và Đông Nam bộ; trung tâm công nghiệp bô-xít - alumin - nhôm của quốc gia, trung tâm năng lượng tái tạo của vùng. Tỉnh sẽ phát triển nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị thị trường; phát triển du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái…
Đến năm 2050, Đắk Nông sẽ trở thành tỉnh phát triển của vùng Tây Nguyên; kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; phát triển bền vững, toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh; là trung tâm về công nghiệp nhôm và sau nhôm của quốc gia; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, giá trị cao; là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái của vùng và trở thành "Tỉnh mạnh - Dân giàu - Thiên nhiên tươi đẹp - Xã hội nghĩa tình".
Trong đó, Quy hoạch tỉnh Đắk Nông đã xác định các ngành, lĩnh vực quan trọng trong quá trình phát triển của tỉnh, gồm công nghiệp; nông, lâm nghiệp và du lịch.
Cụ thể, ngành công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, sản xuất, chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường; phấn đấu Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân 20%/năm; tập trung đầu tư hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất bô-xít - alumin - nhôm, sau nhôm; trở thành trung tâm công nghiệp nhôm của quốc gia. Đây là định hướng đặc biệt quan trọng, bởi Đắk Nông có trữ lượng bô-xít loại tốt nhất thế giới và lớn nhất cả nước, với trữ lượng khoảng 5,4 tỷ tấn nguyên khai.
Với ngành nông, lâm nghiệp, phát triển theo quy mô lớn, giá trị cao, sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu và an ninh nguồn nước; hình thành các vùng chuyên canh trồng trọt, chăn nuôi tập trung, gắn liền với công nghiệp bảo quản, chế biến ứng dụng công nghệ cao và liên kết chuỗi giá trị thị trường; phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với công nghiệp bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị sản phẩm...
Về du lịch, Đắk Nông đặt mục tiêu trở thành điểm đến hấp dẫn về du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn liền với khai thác hiệu quả, phát huy các thế mạnh khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa bản địa và Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Tỉnh sẽ phát triển tập trung về khu vực Tà Đùng - "vịnh Hạ Long trên Tây Nguyên" và hệ thống di sản, cảnh quan thuộc Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông; phát triển khu du lịch hồ Tà Đùng từng bước trở thành khu du lịch cấp quốc gia, tạo động lực để phát triển du lịch toàn tỉnh…
Quy hoạch tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Nông theo mô hình "Một trung tâm - Ba cực động lực tăng trưởng - Bốn hành lang kinh tế - Bốn tiểu vùng phát triển".