Cho ý kiến về đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục bổ sung thông tin về việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2012 - 2020 theo các mục tiêu, nhiệm vụ đã xây dựng, nhất là danh mục các chương trình, dự án ưu tiên giai đoạn 2011 - 2015.
Qua đó, xác định rõ tính khả thi, hiệu quả của việc phát triển kinh tế xã hội đồng thời với bảo vệ môi trường thiên nhiên một cách bền vững làm căn cứ cho việc tiếp tục triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 hoặc cập nhật Chiến lược quốc gia phù hợp với tình hình mới; hoàn thiện báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 25/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh với mục tiêu tăng trưởng xanh, tiến tới nền kinh tế các-bon thấp, làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững; giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc và quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.
Trong giai đoạn 2011 - 2020, nhiệm vụ Chiến lược đề ra là giảm cường độ phát thải khí nhà kính từ 8 - 10% so với mức của năm 2010, giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP từ 1 - 1,5% mỗi năm. Đồng thời, giảm lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng từ 10 - 20% so với phương án phát triển bình thường.
Đến năm 2030, chiến lược đặt ra là giảm mức phát thải khí nhà kính mỗi năm ít nhất từ 1,5% - 2%, giảm lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng từ 20 - 30% so với phương án phát triển bình thường.
“Việt Nam đang trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phải đẩy mạnh đầu tư phát triển, tuy nhiên yêu cầu tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, bảo vệ môi trường đã được đặt ra một cách nghiêm túc. Việt Nam không chờ đợi đến khi trở nên giàu có mới quan tâm đến phát triển xanh”.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng
Có thể thấy, sau một thời thực hiện Chiến lược, việc đánh giá những thành tựu đã đạt được cũng như chỉ ra những tồn tại, hạn chế là cần thiết. Từ đó, đề ra các giải pháp cho giai đoạn tiếp theo, nhằm đưa tăng trưởng xanh thực sự là phương thức phát triển kinh tế hiệu quả và bền vững. Đồng thời, góp phần bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nâng cao khả năng chống chịu tác động do biến đổi khí hậu.
Theo đánh giá của một số chuyên gia, Chiến lược tăng trưởng xanh đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật thể hiện ở các nội dung xây dựng thể chế, nâng cao nhận thức, triển khai thực hiện, huy động nguồn lực nhà nước và tư nhân…
Cụ thể, về xây dựng thể chế, điểm nhấn quan trọng nhất là bước đầu hình thành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cho việc triển khai thực hiện tăng trưởng xanh, bao gồm: các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, các luật, nghị định, thông tư trong các lĩnh vực.
Cùng với đó, một số bộ đã rà soát các chiến lược phát triển, kết quả là hàng loạt các chiến lược quốc gia, chương trình quốc gia đã được điều chỉnh; một số văn bản pháp quy mới đã được xây dựng nhằm thúc đẩy thực hiện các hoạt động liên quan tới tăng trưởng xanh.
Các hoạt động hoàn thiện thể chế và triển khai thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh được thực hiện thông qua việc xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh ở các bộ và địa phương. Đến năm 2018, có 7 bộ đã ban hành Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh.
Cho đến nay, việc triển khai các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính đã được triển khai rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực.
Những chính sách mới về năng lượng tái tạo đã có tác dụng khuyến khích không chỉ đối với các doanh nghiệp sản xuất điện, mà còn cả các doanh nghiệp công nghiệp, dịch vụ đầu tư sản xuất năng lượng tái tạo sử dụng cho bản thân và thậm chí bán điện dư thừa vào lưới điện quốc gia.
Lĩnh vực sản xuất công nghiệp cũng đã có những chuyển biến tích cực, tỷ lệ doanh nghiệp công nghiệp có nhận thức về sản xuất sạch hơn đã tăng từ 28% năm 2010 lên 55% năm 2015, trong khi tỷ lệ doanh nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn giảm được tiêu thụ năng lượng, nguyên, nhiên liệu trên một đơn vị sản phẩm đã tăng từ 11% năm 2010 lên 24% năm 2015...