Động thái siết chặt thị trường bất động sản nhằm ngăn chặn tình trạng loạn giá, “thổi” giá đất tại các huyện Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Đồn (Quảng Ninh) và Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) khi các tỉnh này nhất loạt chỉ đạo tạm dừng việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất… cho đến khi quy hoạch chung xây dựng đơn vị hành chính kinh tế đặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Trao đổi với PV, ông Đào Trung Chính, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và môi trường) cho rằng: Nên ủng hộ biện pháp quản lý của địa phương.
Cụ thể như ở khu vực Vân Đồn Quảng Ninh, ông Chính cho rằng, vấn đề chuyển đổi mục đích rất rối rắm, nhưng động tác vừa mới tạm dừng cũng có tích cực khi mà giá đất đang giảm, đã trở về mặt bằng…
Không bình luận về vấn đề các yêu cầu tạm ngừng giao dịch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chuyển nhượng… có sai luật hay không, ông Chính cho hay : “Theo yêu cầu quản lý nên chỉ tạm dừng để sắp xếp lại, quản lý lại cho chặt chẽ bởi ở dưới đó (Vân Đồn – PV) tình trạng chia tách thửa đất, chuyển đổi mục đích trái phép rất nhiều. Nếu mình không làm đặc khu nữa thì chết….”.
Còn theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, các nơi được quy hoạch phát triển là đô thị, đặc khu thì có thể giá đất tăng là đúng quy luật, nhưng nhiều khi người ta dựa vào cái đó để buôn bán, lướt sóng nhằm “đẩy” giá đất lên cao mới là không đúng.
“Tạm dừng quyền giao dịch là không phù hợp với pháp luật. Theo quy định của pháp luật về đất đai của Việt Nam thì quyền chuyển nhượng chỉ bị cấm khi có quyết định thu hồi đất. Còn có thể tạm dừng việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tạm dừng việc tách thửa để chờ quy hoạch”, ông Võ phân tích.
Theo ông Võ, vấn đề là phải công khai quy hoạch và những nơi nào thu hồi đất để giao cho dự án đầu tư, khu vực nào phát triển nông nghiệp… khi đó nếu có chuyển nhượng thì sẽ không sinh lợi lớn. Vận động người dân để đưa thông tin rõ ràng hơn, khi đó họ sẽ không tham gia vào việc buôn bán, lướt sóng nữa.
Cùng với đó, GS Đặng Hùng Võ cho rằng, thông tin về quy hoạch, minh bạch thông tin về pháp luật, thủ tục hành chính, định hướng phát triển đặc khu như thế nào… cũng cần được công khai, minh bạch cho người dân biết qua thông tin đại chúng để người dân biết khi tham gia vào đầu cơ, lướt sóng thì rủi ro sẽ rất cao. Từ đó, họ sẽ tự thấy có nên hay không nên tham gia đầu tư.
Về giải pháp lâu dài, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam kiến nghị cần kiểm soát chặt chẽ, nghiêm cấm mọi hiện tượng thu mua gom đất, chia nền bán trái quy định pháp luật; đặc biệt là đất nông nghiệp và đất rừng.
Công bố thông tin về chủ trương, chính sách phát triển kinh tế phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, nội dung đang nghiên cứu quy hoạch tại địa phương… Công bố danh mục những dự án đủ điều kiện bán hàng. Đồng thời, yêu cầu các dự án đó phải công khai thông tin mua bán trên các trang tin của cơ quan quản lý chức năng địa phương.
Thanh tra chuyên ngành hoạt động, phân phối, môi giới bất động sản tại địa phương, các sàn giao dịch bất động sản, các văn phòng nhà đất, môi giới bất động sản nếu không đăng ký kinh doanh, không có chứng chỉ hành nghề phù hợp quy định phát luật phải kiên quyết xử lý theo luật định.
Đặc biệt, thực hiện đúng nghị định 117/2015/NĐ – CP về xây dựng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản để công bố định kỳ, công khai cho các nhà đầu tư hiểu rõ tình hình thị trường bất động sản địa phương. Trong đó nên rõ thực trạng thị trường, xu hướng giao dịch, biến động giá cả, chỉ số giá, chỉ số giao dịch….. nhằm giúp thị trường và các nhà đầu tư có thông tin cụ thể để đưa ra các quyết định đầu tư.