Mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, ông Nguyễn Văn Đọc đã có chỉ đạo việc tạm dừng giao dịch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giao đất cho các tổ chức, dự án và tạm dừng giao dịch chuyển nhượng đất tại Vân Đồn. Trường hợp đặc biệt phải báo cáo UBND tỉnh Quảng Ninh xem xét.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Vân Đồn ngày 3/5, ông Đọc cho rằng, động thái này nhằm siết chặt công tác quản lý đất đai và làm rõ một số thông tin về việc "sốt" đất tại huyện đảo này thời gian qua.
Báo cáo của huyện Vân Đồn cho biết, từ đầu năm 2018, tình hình đất đai trên địa bàn huyện có nhiều biến động, diễn biến phức tạp, nhất là từ cuối tháng 3 đến nay. Việc mua bán, chuyển nhượng đất đai, đặc biệt là đất nông nghiệp tăng về số lượng, tập trung tại xã Đông Xá, Hạ Long, Đoàn Kết, Đài Xuyên,… Số lượng các hồ sơ giao dịch về đất cũng tăng hằng tháng.
Mặc dù chính quyền địa phương đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nhiều trường hợp vi phạm, kiểm điểm, xử lý những cán bộ có liên quan.
Tuy nhiên, một số đơn vị cơ sở chưa thực sự quan tâm đến công tác quản lý đất đai, nên để xảy ra một số trường hợp tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép, san gạt, lấn chiếm đất đai; việc xử lý vi phạm của một số đơn vị còn chậm, chưa kịp thời.
Trước thực trạng đó, huyện Vân Đồn đã tăng cường kiểm tra, rà soát, quản lý chặt chẽ về đất đai, nghiêm cấm việc tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, quản lý chặt chẽ việc chuyển nhượng đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng sản xuất, tạm dừng việc tách thửa đất ở, chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, tạm dừng việc thỏa thuận địa điểm, thỏa thuận nhiệm vụ Quy hoạch các dự án mới trên địa bàn khu kinh tế Vân Đồn.
Theo ông Đọc, từ lâu, tỉnh Quảng Ninh đã xác định tăng cường quản lý chặt chẽ công tác đất đai trên địa bàn. Thời gian qua, tỉnh đã ra nhiều văn bản chỉ đạo, nghiêm cấm lấn chiếm, giao dịch, chuyển đổi đất đai… nhằm mục tiêu trục lợi, tạo hiện tượng "sốt" giá đất.
Trong khi Nhà nước đã bỏ ngân sách lớn đề đầu tư hạ tầng giao thông trên địa bàn, vô hình chung, lại tạo điều kiện cho một số đối tượng đầu cơ "lách" luật để thu mua sổ đỏ, buôn bán trao tay đất đai, đẩy giá đất lên cao.
Vị này cho biết, thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra các dự án lớn; các dự án có dấu hiệu đầu cơ, trục lợi, tăng giá đất; làm rõ trách nhiệm của cán bộ quản lý.
Đối với các xã, thị trấn là đơn vị quản lý trực tiếp về đất đai, phải quán triệt nghiêm chỉ đạo của tỉnh, những trường hợp nào vì lợi ích cá nhân mà tiếp tay cho việc vi phạm về quản lý đất đai, sẽ xử lý nghiêm minh.
Liên quan đến động thái của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, mới đây, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch VARS cho rằng, việc ngăn chặn hiện tượng giao dịch, mua bán đất đai trái quy định pháp luật, ngăn chặn đầu cơ đẩy giá bất động sản, tạo thị trường ảo và bong bóng giá trị bất động sản là hết sức cần thiết, đòi hỏi sự vào cuộc kiểm soát chặt chẽ, quyết liệt của cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương.
Tuy nhiên, theo ông Đính, động thái của tỉnh Quảng Ninh là dừng mọi giao dịch mua bán nhà đất chờ phê duyệt quy hoạch là không nên và hoàn toàn sai luật.
“Việc này sẽ khiến thị trường bất động sản rơi vào tình trạng đóng băng, gây hậu quả rất nặng nề khó hồi phục lại trong một thời gian dài. Và có thể sẽ lan tỏa cả thị trường bất động sản toàn tỉnh Quảng Ninh”, ông Đính nhận định.
Phó Chủ tịch VARS cũng cho rằng, chủ trương của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh sẽ làm nản lòng các nhà đầu tư thực sự, chân chính đang tham gia vào thị trường địa phương này. “Thậm chí cả các nhà đầu tư tương lai sẽ quay lưng với thị trường bất động sản Quảng Ninh, làm ảnh hưởng nghiêm trọng mục đích đưa Vân Đồn thành đặc khu kinh tế của Chính phủ”, ông Đính nói.
Để kiểm soát tình trạng sốt đất tại Vân Đồn Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam đề xuất 5 giải pháp:
Thứ nhất, cần kiểm soát chặt chẽ, nghiêm cấm mọi hiện tượng thu mua gom đất, chia nền bán trái quy định phát luật. Đặc biệt là đất nông nghiệp và đất rừng….
Thứ hai, công bố thông tin về chủ trương, chính sách phát triển kinh tế phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, nội dung đang nghiên cứu quy hoạch tại địa phương…
Thứ ba, công bố danh mục những dự án đủ điều kiện bán hàng. Và yêu cầu các dự án đó phải công khai thông tin mua bán trên các trang tin của cơ quan quản lý chức năng địa phương.
Thứ tư, thanh tra chuyên nghành hoạt động, phân phối, môi giới BĐS tại địa phương, các sàn giao dịch BĐS, các văn phòng nhà đất, môi giới BĐS nếu không đăng ký kinh doanh, không có chứng chỉ hành nghề phù hợp quy định phát luật phải kiên quyết xử lý theo luật định.
Thứ năm, thực hiện đúng nghị định 117/2015/NĐ – CP về xây dựng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS. Để công bố định kỳ, công khai cho các nhà đầu tư hiểu rõ tình hình thị trường BĐS địa phương. Trong đó nên rõ thực trạng thị trường, xu hướng giao dịch, biến động giá cả, chỉ số giá, chỉ số giao dịch…..
Thứ sáu, giúp thị trường và các nhà đầu tư có thông tin cụ thể để đưa ra các quyết định đầu tư….