Ngày 30/5, Thanh tra Chính phủ đã có thông báo kết luận thanh tra về công tác quản lý sử dụng đất, quản lý đầu tư xây dựng tại tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2004 đến 2014.
Theo kết luận, công tác quy hoạch, kế hoạch và quản lý sử dụng đất tỉnh Hòa Bình bộc lộ nhiều hạn chế.
Nhiều dự án bị “tuýt còi”
Thanh tra Chính phủ đã kiểm tra dự án Khu dân cư Bắc đường Trần Hưng Đạo (TP Hoà Bình) với tổng diện tích sử dụng đất 24,7ha do Công ty cổ phần đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp sông Đà (SUDICO) làm chủ đầu tư.
Theo đó, năm 2006 UBND tỉnh Hoà Bình có văn bản chỉ đạo chủ đầu tư được quyền chuyển nhượng các ô đất thuộc dự án theo đúng quy hoạch và thiết kế đã được phê duyệt. Đến năm 2009, tỉnh Hoà Bình có văn bản gửi Chi nhánh Công ty cổ phần Sông Đà-Thăng Long giới thiệu khu đất CQ1 trên 7.700m2 có thể triển khai dự án đầu tư thương mại, xây dựng trung tâm thương mại. Sau đó, SUDICO ký hợp đồng với công ty này về việc chuyển nhượng hạ tầng đầu tư xây dựng tại lô đất theo quy hoạch là đất công trình cơ quan (ký hiệu CQ1), giá trị hợp đồng trên 20 tỷ đồng.
Đến năm 2011, UBND tỉnh Hoà Bình có văn bản lập điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết khu CQ1 dự án dân cư Bắc đường Trần Hưng Đạo làm khách sạn, nhà hàng để kinh doanh.
Chưa dừng lại đó, SUDICO ký hợp đồng với một doanh nghiệp viễn thông lớn, chuyển nhượng trên 4.400m2 nằm trong ô đất theo quy hoạch là công trình dịch vụ (ký hiệu DV1) với giá trị gần 6,4 tỷ đồng, hưởng chênh lệch với số tiền sử dụng đất đã nộp trên 3,9 tỷ đồng.
Đến năm 2014, SUDICO tiếp tục ký hợp đồng với Công ty cổ phần xây dựng Sao Vàng về việc chuyển nhượng lô đất diện tích 2.480m2 nằm trong ô đất theo quy hoạch là đất công trình dịch vụ, với giá trị chuyển nhượng trên 5,4 tỷ đồng, hưởng chênh lệch so với số tiền sử dụng đất đã nộp trên 4,2 tỷ đồng.
Tại lô đất cây xanh (ký hiệp CX1 có diện tích 4.380m2), SUDICO đã sử dụng đầu tư xây dựng 2 sân tennis trên 1.500m2 và khu nhà phụ trợ sân tennis.
Thanh tra Chính phủ cho rằng số diện tích đất của dự án đã tính thu tiền sử dụng đất là 80.600m2; số diện tích đất ở chưa tính tiền sử dụng đất là 5.650m2. “Theo đó các sở ngành của UBND tỉnh Hoà Bình đã không tính tiền sử dụng đất với số tiền trên 30,5 tỷ đồng, gây thất thoát ngân sách nhà nước”- Thanh tra Chính phủ khẳng định.
Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, công tác quản lý đất đai và đầu tư xây dựng tại Dự án khu dân cư Bắc đường Trần Hưng Đạo thiếu chặt chẽ, dẫn đến việc chủ đầu tư dự án chuyển nhượng đất đai trái phép, sử dụng đất đầu tư xây dựng công trình không đúng mục đích, không phù hợp; khi điều chỉnh quy hoạch chi tiết làm diện tích đất ở nhưng UBND tỉnh và các cơ quan chức năng không tính tiền sử dụng đất phải nộp. Một số công ty sau khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã sử dụng đất không đúng mục đích, đầu tư xây dựng công trình không phù hợp quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được phê duyệt.
Đối với dự án sân golf Phượng Hoàng, TTCP xác định rằng UBND tỉnh và chủ đầu tư đã tự ý thỏa thuận giá đất cho thuê để kí hợp đồng cho thuê đất là vi phạm Luật Đất đai.
Việc kí hợp đồng theo phương thức trả tiền 1 lần cho cả thời gian thuê cũng không đúng, vì theo quy định tiền thuê đất phải trả hàng năm và điều chỉnh lại sau mỗi 5 năm.
Không những vậy, chủ đầu tư là Công ty TNHH sân golf Phượng Hoàng và các cơ quan chức năng cũng không tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 theo quy định; xây nhà điều hành, khách sạn 3 tầng và các công trình phụ trợ không có giấy phép xây dựng.
“UBND tỉnh đã buông lỏng quản lý, biểu hiện của sự nóng vội, để xảy ra nhiều sai phạm. Dự án sử dụng đất đầu tư xây dựng không nằm trong quy hoạch sân golf được Thủ tướng phê duyệt, quá trình xây dựng không có quy hoạch chi tiết 1/500…” – kết luận nêu.
TTCP khẳng định rằng trách nhiệm để xảy ra những sai phạm trên thuộc về thường trực UBND tỉnh Hòa Bình nhiệm kỳ 2005 – 2010 cùng các sở ngành và chủ đầu tư.
Đối với dự án Khu đô thị sinh thái và dịch vụ Cửu Long (do Công ty CP đầu tư xây lắp dầu khí Hòa Bình làm chủ đầu tư), TTCP cho rằng tỉnh có nhiều quyết định không chính xác khiến tiền sử dụng đất phải nộp giảm hơn 100 tỉ đồng. Đến thời điểm thanh tra, chủ đầu tư cũng chưa nộp tiền sử dụng đất trị giá hơn 40 tỉ đồng.
Dự án xây dựng Khu công nghệ thực phẩm và dịch vụ San Nam Hoàn Bình cũng bị TTCP chỉ ra nhiều sai phạm. Cụ thể, dự án có diện tích 405ha, nhưng tỉnh mới kí hợp đồng 80ha, số còn lại dù chưa ký, chưa nộp tiền sử dụng đất nhưng chủ đầu tư đã sử dụng từ tháng 8/2007.
TTCP nhận định rằng dự án này không có hiệu quả, để đất hoang hóa nhiều năm, không thực hiện nghĩa vụ với nhà nước, lãng phí tài nguyên, ngân sách nhà nước.
Ngoài các thiếu sót trên, công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư của tỉnh cũng còn nhiều hạn chế. Một trong số đó là dự án xây dựng Trụ sở văn phòng tỉnh và các ban đảng.
Theo đó công trình được bàn giao và đưa vào sử dụng từ tháng 4/2014 nhưng phải 4 tháng sau tỉnh mới phê duyệt điều chỉnh dự án, trong đó việc cắt giảm, bổ sung hạng muc, thay đổi chủng loại vật liệu với giá trị điều chỉnh lớn.
Tại dự án kiên cố hóa để khắc phục tình trạng sạt lở Quốc lộ 6, dù được Thủ tướng cho phép triển khai theo lệnh khẩn cấp đối với một số đoạn thực hiện trong năm 2012, nhưng phải đến năm 2014 mới hoàn thành 11/14 đoạn.
Về công tác đấu thầu, thống kê cho thấy trong giai đoạn này tỉnh có 549 dự án trình phê duyệt thì có tới 61 dự án chưa có kế hoạch đấu thầu.
Khi thanh tra trực tiếp tại một số dự án, TTCP phát hiện rằng việc vận dụng chỉ định thầu theo danh mục dự án cấp bách hoặc thi công theo lệnh khẩn cấp đều không có kê hoạch đấu thầu được duyệt.
Cần xử lý trách nhiệm cá nhân qua các thời kỳ
Về xử lý trách nhiệm các cá nhân, tập thể để xảy ra sai phạm, TTCP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Chủ tịch tỉnh Hòa Bình khẩn trương chấn chỉnh công tác quản lý sử dụng đất và quản lý đầu tư xây dựng cơ bản.
Đồng thời tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân qua các thời kỳ về những hạn chế, khuyết điểm nói trên “với thái độ nghiêm tục, khách quan, cầu thị”. TTCP nhấn mạnh rằng cần tập trung vào Thường trực UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Cục thuế, các chủ đầu tư…
TTCP còn đề nghị thu hồi dự án xây dựng Khu đô thị sinh thái và dịch vụ Cửu Long và dự án xây dựng Khu công nghệ thực phẩm và dịch vụ San Nam Hoàn Bình do chậm tiến độ nhiều năm, chưa thực hiện nghĩa vụ với nhà nước và không có khả năng thực hiện.
Ngoài ra tỉnh cần thu hồi số tiền sai phạm ở các dự án với giá trị hơn 200 tỉ đồng.
Sau khi nhận được những kiến nghị này, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã có văn bản với nội dung đồng ý kiến nghị của TTCP, yêu cầu tỉnh cần nghiêm túc thực hiện và báo cáo kết quả lên Thủ tướng trong quý 3 năm nay./.