Đại loại, căn nhà lý tưởng thì ngay từ ngoài cổng vào cho đến chót vót tầng thượng, luôn phải linh ứng với mạch đất. Tả (bên trái) nên ốp đá xanh để lộ “Thanh Long”. Hữu (bên phải) nên gắn cẩm thạch trắng để hiện “Bạch Hổ”.
Khi nhà hay đất đã theo đúng thuyết phong thủy thì chủ nhân ngoài chuyện sức khỏe khang kiện dồi dào, đương nhiên sẽ có “Tiền vào như nước sông Đà. Tiền ra nhỏ giọt như cà phê phin”. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều biệt phủ của mấy vị quan cũng phía mạn sông ấy, được xây cất xanh đỏ cầu kỳ hết sức. Nếu quy ra “chổi đót” thì có lẽ cũng phải tốn dăm bảy cánh rừng.
Do không gian hạn hẹp, phong thủy ở phố bị gò bó câu thúc hơn, nhưng vẫn cố gắng loay hoay tinh xảo. Nhà chung cư quy hoạch đã có khuôn, ban công nhà mình ngó thẳng vào “ô văng” hàng xóm, vẫn cố để mấy hòn đá nho nhỏ “giả sơn” róc rách ống nhựa nước máy chảy, bày đặt chuyện Minh Đường tụ thủy. Trụ sở công ty trót thuê của người ta, bất khả sửa, thì đành xoay dọc xoay ngang bàn ghế giường tủ. Thảo nào ở thư viện Quốc gia, kệ sách về kiến trúc luôn chật đầy toàn những cuốn về nội thất phong thủy.
Thực ra, trong vô số tinh hoa có phảng phất mơ hồ do những lớp người đi trước văn minh để lại, thì thuật phong thủy đáng kể là mang số phận thăng trầm. Sách “Từ Nguyên” của Tàu viết “phong thủy là cách xem địa thế phương hướng đất nhà ở hoặc đất phần mộ. Căn cứ vào đấy để luận lành dữ tốt xấu về nhân sự”.
Xưa cũng như nay, nhân sự quan trọng vào bậc nhất vẫn là danh vọng và tiền tài. Phong thủy được nhiều người khát khao tin bởi nó là cái thuật tương đối chú trọng vào việc dò tìm ra cách phát phú phát quý, ngõ hầu nhanh chóng biến một người bình thường trở thành vinh hoa khác thường.
Xưa cũng như nay, nhân sự quan trọng vào bậc nhất vẫn là danh vọng và tiền tài. Phong thủy được nhiều người khát khao tin bởi nó là cái thuật tương đối chú trọng vào việc dò tìm ra cách phát phú phát quý, ngõ hầu nhanh chóng biến một người bình thường trở thành vinh hoa khác thường. Vào thời bất động sản ở phố đang nóng như bây giờ, đi đâu cũng gặp các “kham dư gia” (một cách gọi khác cho các nhà phong thủy học) lang thang nhớn nhác đầy đường.
Bọn họ cao đạo đóng com-lê, “ca táp” da xịn, lích kích những là thước Lỗ Ban rồi tróc long rồi la bàn. Khách hàng của họ nhiều vô kể, “thập loại chúng sinh”. Bởi đã là dư dật dân phố, ai cũng ước ao có được một thiện lương ngôi nhà. Vất vả kiếm một mảnh đất hay một căn hộ chung cư xong rồi, thì phải sửa, phải xây. Đương nhiên phải mời thầy, bố ai dám “động thổ trên đầu Thái Tuế”.
Thực ra công năng của phong thủy là khá rộng, tuy nó không đi dò tìm long mạch của tình yêu tình bạn, nhưng nó đâu chỉ bó hẹp trong danh lợi của dăm ba đời người. Hơn hết, nó thăng hoa bao quát cả một đạo lý. Thể của nó là khí. Dụng của nó là gió là nước. Bất cứ một ngôi nhà hay mảnh đất trong trắng nào muốn lành mạnh tồn tại, bắt buộc phải thanh thoát tụ khí. Và muốn đắc khí (có thể hiểu là Đạo), thì không gì bằng điều hòa được phong hoặc thủy. Con người ta sống bám nhờ tự nhiên, hoặc nương thế đất hoặc theo hình trời. Sâu xa, phong thủy không phải là chuyện vớ vẩn huyền hoặc.
Chính vì thế, thuật phong thủy được hầu hết các nền văn minh lớn trân trọng. Kim tự tháp Ai Cập trục chính luôn vững chãi chạy theo hướng Nam-Bắc. Các linh trụ trấn yểm Obelisk từ lâu đã xuất hiện trong vùng đất người Maya cổ đại. Trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ, Lầu Năm Góc khét tiếng, mang đồ hình Bát Quái lật ngửa.
“Chiếu dời đô” của vị minh quân Đại Việt là Lý Thái tổ từng tự hào khẳng định thành Thăng Long “Ở vào nơi trung tâm trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi… Xem khắp nước thực là nơi thắng địa, là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư của muôn đời”.
Cũng ở ta vào đời nhà Lê, ông Nguyễn Đức Huyên người làng Tả Ao huyện Nghi Xuân (Nghệ An), lừng danh là thầy địa lý cực giỏi. Chứng kiến ông chọn đất điểm huyệt, nhiều thầy Tàu lăn ra mà tâm phục khẩu phục. Rồi giống như đa phần các thiêng liêng kinh điển, sách của ông Tả Ao đã thất truyền. Ngày nay đám lăng nhăng hậu sinh hành nghề “cò đất”, đi đến đâu kiếm ăn cũng lấp lửng khoe là trong tráp có giấu giếm sách này, cốt huênh hoang dụ xôi dụ thịt. Ca dao Việt bật cười: “Hòn đất mà biết nói năng. Thì thầy địa lý hàm răng chẳng còn”.
Hỡi ơi, lăng Ly Sơn của Tần Thủy Hoàng quy mô to lớn, phương vị tuyệt đúng. Tiền “Chu Tước” có dòng sông Vị cuồn cuộn chảy, hậu “Huyền Vũ” có núi xanh mướt nghìn trượng cao. Mỗi ngách mỗi cửa có bạt ngàn bùa chú trấn yểm. Thế nhưng nó được xây trên xương máu của bảy mươi vạn dân công binh lính nên các giấc mộng vạn thế đế vương, chưa đầy hai đời đã tuyệt hậu.
Có phải thế chăng mà các kiến trúc sư tử tế đương đại biết tôn trọng phong thủy, vẫn luôn trích lời cổ nhân khuyên gia chủ “Tiên tích đức, hậu tầm long”, nôm na là chứa Đức trước đã rồi sau hãy tìm Đất. Lời khuyên đơn giản này bị các “đại gia” đang hung hăng xây biệt thự ở phố hay biệt phủ ở quê, coi là những lời vớ vẩn lạc hậu bàn lùi.