Aa

Phòng trọ 15 nghìn

Chủ Nhật, 07/05/2017 - 20:01

Một buổi trưa tháng 5 năm ngoái, một người đàn ông đứng tuổi, ăn mặc tuềnh toàng lên tòa soạn VnExpress tìm tôi.

Bộ phận lễ tân lúc đầu rất phòng thủ: trông ông có tướng của người đi kiện cáo. Nhưng rồi ông già bất ngờ rút từ trong túi ra một nắm tiền, cùng với phong bì. Ông tâm sự, mình là độc giả yêu mến chuyên mục “Góc nhìn”, muốn tặng cho cậu Đức Hoàng năm trăm nghìn để động viên làm việc.

Hôm ấy tôi không có mặt. Lễ tân tất nhiên từ chối món tiền. Rồi bẵng đi, mãi đến cuối tuần trước, tức là gần tròn một năm, tôi mới biết hôm ấy, ông có để lại số điện thoại. Tôi gọi điện và hẹn gặp ông, để cảm ơn, vì tấm lòng của độc giả dành cho mình.

Năm trăm nghìn ấy không phải là một món tiền lớn. Nhưng chính vì nó không lớn, mà cái việc đi tới tận tòa soạn để tặng khiến tôi xúc động.

Hóa ra đó là một người nổi tiếng. Người ta gọi ông là “Hiệp Khùng”. Ông có một chuỗi phòng trọ ở cổng viện Nhi TW - và chỉ thu 15.000 đồng/người/ngày. Tức là rẻ bằng một phần năm so với khu nhà khách của chính bệnh viện, cho dù nhà của bệnh viện thì xây bằng tiền tài trợ từ thiện, còn phòng trọ của ông, thì tự xây sửa bằng tiền túi. 

Những phòng trọ của ông Hiệp giá chỉ 15 nghìn đồng/ ngày nhưng đầy đủ tiện nghi sinh hoạt.

Những phòng trọ của ông Hiệp giá chỉ 15.000 đồng/ ngày nhưng không thiếu thứ gì.

Nhà trọ của ông Hiệp dành cho những gia đình bệnh nhi khó khăn, những đồng bào dân tộc hay người từ quê lên phải điều trị dài ngày. Nếu có ai khó khăn quá, ông sẽ miễn luôn cả tiền trọ, rồi tự đi chạy vạy quyên góp để giúp đỡ các cháu điều trị. Mà ông Hiệp vẫn tự hào, rằng dù chỉ thu 15.000 đồng, nhưng nhà trọ của ông không thiếu thứ gì, có quạt điện, wifi, nước lạnh, bếp đun... người ở chỉ còn phải mua mỗi xà phòng.

Câu chuyện về ông Hiệp với cái nhà trọ 15.000 đồng đã lên rất nhiều báo đài.

Tôi đến nơi, chưa kịp chào hỏi, mới dựng xe, ông Hiệp đã dắt thẳng vào phòng trọ. “Có trường hợp này” - ông chỉ một cháu nhỏ bị bại não - “Hoàn cảnh khó khăn lắm, ở đây đã mấy tháng rồi. Hoàng xem có cách nào giúp được cháu”.

Suốt cả buổi chiều, câu chuyện đứt quãng vì những nhà hảo tâm đến. Ông lại chạy đi tìm cha mẹ của một bệnh nhi, rồi trình bày hoàn cảnh của từng người. Những ông bố bà mẹ từ quê lên, hay người đồng bào, không tự kể được chuyện của mình; những người thời gian trước còn lang thang không tìm được chỗ ở quanh viện, đi nhận từng bữa cháo từ thiện để ăn; bây giờ về đây, ông Hiệp làm người đại diện, nói thay, xin thay, tìm cách tháo gỡ.

Có một điểm đặc biệt ở ông Hiệp: người chủ nhà trọ thừa nhận rằng mình đang kinh doanh. Cho dù câu chuyện của ông, qua lăng kính truyền thông, rất dễ phác lên chân dung của một bậc thánh thiện, chỉ cho đi mà không mưu cầu nhận lại - một câu chuyện có thể rất nhiều mỹ từ. Chính những người ở trọ nghèo khó cũng nói về ông như một nhà từ thiện. Nhưng không, ông có một bài toán kinh doanh rất rạch ròi. 

Ông vừa dùng nhà mình, vừa đi thuê nhà khác làm phòng trọ, mướn người làm, một tháng hết 80 triệu. Nhưng ông tính, nếu lúc nào phòng cũng kín, thì một tháng ông thu về hơn 80 triệu một chút. Chuỗi nhà trọ 15.000 đồng, qua phép tính của một người lính từ chiến trường biên giới trở về, tự nuôi được mình. Dư ra một chút để ông Hiệp tự sống trong căn phòng 6 mét vuông ông dành lại cho bản thân. 

Đó là một bài toán kinh doanh rất thực tế. Nó chỉ khác những bài toán kinh doanh phổ biến khác, ở một điểm, là chủ doanh nghiệp không đặt lợi nhuận lên trước. Ông đặt lợi ích của “khách hàng” - tức là những bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn - lên đầu. Ông gần như không lấy lãi.

Mười lăm nghìn đồng ấy nằm chênh vênh giữa ranh giới của một cuộc kinh doanh và một sự giúp đỡ. Mười lăm nghìn đồng ấy, nằm giữa đường biên của một thương nhân lão luyện và một nhà hoạt động xã hội.

Người ta có thể trở thành cả hai nhân vật này cùng một lúc - đó là điều mà không nhiều người nhận ra và chọn lựa như thế.

Tôi không nói với ông, nhưng cái ông đang làm, là một mô hình doanh nghiệp xã hội mẫu mực. Đó là một mô hình phổ biến ở nhiều quốc gia phát triển, nhưng vẫn còn rất hiếm ở nước ta: những cuộc từ thiện thường chỉ trông vào nguồn tài trợ mà không thể tự nuôi sống được mình lâu dài; còn những cuộc kinh doanh, thì hay rơi vào cảnh cực đoan chạy theo lợi nhuận. Sự trung dung trong cái xóm trọ mười lăm nghìn, hiếm đến mức khiến người ta gọi ông là “Hiệp khùng”.

Chuyện của ông Hiệp không còn là một câu chuyện mới của truyền thông. Nhưng tôi muốn kể lại nó, như một chủ đề để suy ngẫm.

Vì trong sự nghiệp của mình, chúng ta sẽ rất nhiều lần gặp một “điểm cân bằng” như 15 nghìn đồng của ông Hiệp. Đó là lúc ta sẽ lựa chọn giữa lợi ích tuyệt đối của bản thân, và việc san sẻ lợi ích với cộng đồng. 

Tôi rời xóm trọ ấy với một suy nghĩ: gọi ông già ấy là “khùng”, có xứng đáng không, khi mà ông chỉ sống với một suy nghĩ, mà đáng lẽ ra nên rất bình thường? 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top