Photo Travel: Vào Hoàng cung, chiêm ngưỡng vẻ tráng lệ của điện Kiến Trung
Vừa có nét uy nghi, bề thế của Hoàng cung triều Nguyễn, lại mang hơi thở thời đại thế kỷ XX với kiến trúc Pháp, kiến trúc Phục hưng Ý, Kiến Trung là cung điện độc đáo bậc nhất Hoàng thành Huế, nơi diễn ra Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024.
***
Với chủ đề "Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển", Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024 diễn ra từ 07-12/6/2024, đem đến cho người dân và du khách những trải nghiệm mới lạ, độc đáo về văn hóa, lịch sử và nghệ thuật. Đặc biệt, đêm khai mạc được tổ chức tại điện Kiến Trung ngày 07/6/2024 đã tái hiện vẻ đẹp huyền bí và sự hùng vĩ của 720 năm lịch sử Cố đô Huế. Đó cũng là dấu ấn sau nhiều năm tu bổ, điện Kiến Trung mở cửa và thu hút nhiều du khách đến đây tham quan, cũng như được chọn là nơi tổ chức các sự kiện văn hóa trên đất Cố đô.
Điện Kiến Trung nằm trên trục dọc hoàng đạo bên trong Hoàng cung, được vua Khải Định cho xây dựng vào năm 1921, hoàn thành năm 1923 và là nơi sinh hoạt của hai vị vua là Khải Định và Bảo Đại. Tầng chính điện Kiến Trung có 13 cửa hiên (gian giữa 5 cửa, hai gian bên mỗi gian 3 cửa; hai góc điện mỗi bên 2 cửa nữa làm nhô ra). Tầng trên là gác, làm cùng một thể thức như tầng chính.
Mặt tiền điện Kiến Trung trang trí khảm gốm sứ nhiều màu sắc, đặc trưng cho loại hình nghệ thuật cung đình từng đạt đến đỉnh cao dưới thời vua Khải Định. Đây là nơi vua Khải Định băng hà và sau khi vua Bảo Đại lên ngôi, ngôi điện được tu sửa lại với nhiều tiện nghi. Điện Kiến Trung cũng là nơi Hoàng hậu Nam Phương hạ sinh Hoàng thái tử Bảo Long.
Là một trong 5 công trình quan trọng (gồm: điện Kiến Trung, điện Thái Hòa, điện Cần Chánh, điện Càn Thành, cung Khôn Thái) nhưng đã bị hủy hoại do chiến tranh, sau khi phục dựng, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tham khảo nhiều nguồn tài liệu về ngôi điện độc đáo này để bố trí những cổ vật có liên quan đến cuộc đời hai vị vua từng ở tại đây là Bảo Đại và Khải Định như giày của vua Khải Định, thường phục hằng ngày của vua Khải Định, giày thêu rồng vàng của Hoàng thái tử Vĩnh Thụy (sau này là vua Bảo Đại), trấn phong, bàn ghế, chum, tủ khảm ốc xà cừ tinh xảo...
Bên cạnh nhiều danh lam thắng cảnh như Đại Nội Huế, sông Hương, núi Ngự, điện Kiến Trung không chỉ là công trình có ý nghĩa rất lớn về lịch sử, văn hóa, kiến trúc mà đây còn là điểm du lịch được nhiều người lựa chọn khi đến với mảnh đất Cố đô.