Aa

Phú Quốc chính thức trở thành thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam

Thứ Bảy, 09/01/2021 - 06:10

Việc thành lập thành phố biển đảo Phú Quốc sẽ tạo sức hấp dẫn mới, thu hút mạnh nguồn lực đầu tư, khơi dậy tiềm năng du lịch, giúp đảo Ngọc bứt phá, sớm đạt được mục tiêu to lớn này.

Phú Quốc đón sự kiện lịch sử

Tối 8/1/2021, tại Khu đô thị đảo kiểu mẫu Sun Grand City New An Thới của Sun Group ở Nam đảo Phú Quốc, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang đã tổ chức Lễ công bố Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thành lập TP. Phú Quốc và các phường thuộc TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Tham dự Lễ công bố có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, ông Uông Chu Lưu - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, các vị Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương và Lãnh đạo các tỉnh, thành phố cùng đông đảo cơ quan báo chí trung ương và địa phương. 

Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã trao Nghị quyết 1109/NQ-UBTVQH14 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập TP. Phú Quốc và các phường thuộc TP. Phú Quốc cho lãnh đạo tỉnh Kiên Giang. Nghị quyết được ban hành ngày 09/12/2020 và có hiệu lực thi hành từ 01/01/2021.

Nghị quyết đã nêu rõ, thành lập TP. Phú Quốc trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số 179.480 người của huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang; thành lập phường Dương Đông trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số 60.415 người của thị trấn Dương Đông; thành lập phường An Thới trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số 4.610 người của xã Hòn Thơm và toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số 37.485 người của thị trấn An Thới. Như vậy, TP. Phú Quốc có 09 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 02 phường: An Thới, Dương Đông và 07 xã: Bãi Thơm, Cửa Cạn, Cửa Dương, Dương Tơ, Gành Dầu, Hàm Ninh, Thổ Châu. 

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi lễ.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình bày tỏ sự tin tưởng, TP. Phú Quốc sẽ có nhiều cơ hội để tiếp tục phát triển nhanh hơn nữa, tận dụng tối đa cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại, phát triển thành phố thông minh, xanh, sạch, đẹp, là nơi mọi người đều mong muốn được đến và tận hưởng, từng bước trở thành trung tâm thương mại và dịch vụ cao cấp, trung tâm khoa học công nghệ của quốc gia và Khu vực Đông Nam Á; Trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp, đủ sức cạnh tranh với các điểm du lịch lớn nổi tiếng của các nước trong khu vực và quốc tế; trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực và là một trong những động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước và của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

“Nhiều tập đoàn kinh tế lớn đã có mặt tại Phú Quốc, đầu tư xây dựng nhiều công trình với quy mô lớn, trang bị hiện đại, đạt tiêu chuẩn, tầm cỡ khu vực và quốc tế. Ngày nay, Phú Quốc đã phát triển với dáng dấp và hình hài của một đô thị hiện đại, thông minh, năng động được nhiều du khách trong nước và quốc tế biết đến”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Theo định hướng đề ra, Phú Quốc sẽ trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế. Việc thành lập thành phố biển đảo Phú Quốc sẽ tạo sức hấp dẫn mới, thu hút mạnh nguồn lực đầu tư, khơi dậy tiềm năng du lịch, giúp đảo Ngọc bứt phá, sớm đạt được mục tiêu to lớn này. Đồng thời sẽ có tác động mạnh đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tạo ra nhiều việc làm; thu hút lực lượng lao động chất lượng cao, đội ngũ chuyên gia về đảo Ngọc; phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, hiện đại, đưa Phú Quốc trở thành thành phố đáng sống top đầu Việt Nam.

Sau khi trở thành thành phố, cùng với tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ, dân số Phú Quốc được dự báo sẽ gia tăng nhanh chóng. Do đó, bên cạnh việc phát triển hạ tầng du lịch, hạ tầng xã hội, công tác phát triển đô thị ở Phú Quốc sẽ được quan tâm đặc biệt, trọng tâm là đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở đồng bộ, bố trí các khu dân cư, khu đô thị mới hiện đại, tiện nghi, đầy đủ tiện ích. Hai đô thị lớn là Dương Đông và An Thới sẽ là nơi thu hút lượng lớn dân cư từ đất liền ra đảo. Trong đó, An Thới là khu vực mới phát triển, quỹ đất còn rộng, được định hướng phát triển thành đô thị cảng quốc tế, là đầu mối kỹ thuật, thương mại, du lịch của Phú Quốc, sẽ là khu vực trọng yếu để phát triển các khu dân cư mới cũng như đón lượng khách du lịch tăng trưởng không ngừng.

Bên cạnh đó, thu hút đầu tư cũng sẽ tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm của Phú Quốc trong giai đoạn tới, song song với việc tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp đã và đang làm ăn kinh doanh, đầu tư trên đảo. Phú Quốc cần thiết xác định một số nhà đầu tư chiến lược là các tập đoàn kinh tế lớn trong các lĩnh vực kinh tế chủ chốt. Với kinh nghiệm, thực lực sẵn có, tiềm lực dồi dào, các nhà đầu tư chiến lược tâm huyết giống như “cánh tay phải” hỗ trợ đắc lực cho Phú Quốc trong việc kiến tạo diện mạo thành phố đảo du lịch hiện đại, thông minh, không chỉ trở thành thành phố đáng sống, mà còn trở thành thiên đường du lịch, giải trí, trung tâm tài chính, khoa học công nghệ tầm cỡ khu vực và thế giới.

Ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang phát biểu tại buổi lễ. 

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang khẳng định: “Là một thành phố trẻ song TP. Phú Quốc đã có sự chuẩn bị cho chặng đường trưởng thành phía trước. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Kiên Giang nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định tiếp tục phát huy vai trò động lực của đảo Phú Quốc trong việc thúc đẩy sự phát triển của tỉnh. Do đó, trong thời gian tới, tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang sẽ tiếp tục lãnh đạo xây dựng kế hoạch, lộ trình và định hướng phát triển, chỉ đạo nghiên cứu cơ chế chính sách nổi trội để Phú Quốc phát triển mạnh hơn nữa, trở thành động lực phát triển của tỉnh Kiên Giang, và là một trung tâm kinh tế trọng điểm của khu vực phía Nam và cả nước, trung tâm nghỉ dưỡng chất lượng cao mang tầm cỡ quốc tế; đặc biệt là từng bước xây dựng Phú Quốc trở thành thành phố kiểu mẫu về phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, thân thiện và an toàn. 

Màn bắn pháo hoa mãn nhãn chào mừng sự kiện Phú Quốc lên thành phố.

Phú Quốc và một hành trình bứt phá

Từ một nơi được mệnh danh là “địa ngục trần gian” thời Pháp thuộc và Mỹ ngụy trước năm 1975, Phú Quốc ngày nay đã phát triển toàn diện về mọi mặt kinh tế - xã hội, bứt phá trở thành “Hòn ngọc Châu Á”, “Top 10 hòn đảo nổi tiếng nhất hành tinh”. 

Giai đoạn 2010 - 2019, tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm của Phú Quốc luôn đạt trên 38%, cao gấp 6 lần mức bình quân chung của cả nước. Phú Quốc trở thành nơi thu hút đầu tư lớn nhất tỉnh Kiên Giang với trên 320 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 340.000 tỷ đồng. Nhờ hàng loạt chính sách trải thảm đỏ thu hút đầu tư, đảo Ngọc đã hút được nhiều “sếu đầu đàn” trong lĩnh vực du lịch, bất động sản đến “làm tổ”, điển hình như Sun Group, Vingroup, BIM group… 

Phú Quốc dần thay da đổi thịt nhờ sự tham gia của nhiều doanh nghiệp địa ốc lớn. 

Ấn tượng nhất trong công cuộc phát triển của Phú Quốc là lĩnh vực du lịch. Từ một viên ngọc thô vùi trong cát, với vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt mỹ nhưng ít người biết đến, dịch vụ du lịch nghèo nàn, người dân chỉ gắn với nghề đi biển, sau một thập kỷ, Phú Quốc đã vươn dậy trở thành viên ngọc sáng của du lịch thế giới. Năm 2016, khách du lịch đến Phú Quốc đạt 1,45 triệu lượt, tăng 9,6 lần so với năm 2005. Đến năm 2019, Phú Quốc đón 5,1 triệu khách, tăng 3,5 lần so với năm 2016, và tăng gấp 33,6 lần so với năm 2005. 

Năm 2020, ngay khi làn sóng Covid-19 lắng xuống, du lịch Phú Quốc đã nhộn nhịp trở lại. Tháng 11/2020, lượng khách đến Phú Quốc tăng 28% so với tháng 10. Đảo Ngọc ngày càng hấp dẫn với du khách. Tháng 12/2020, trung bình mỗi ngày có 60 - 70 chuyến bay hạ và cất cánh đến Phú Quốc. Vào những ngày nghỉ cuối tuần tăng lên 80 - 90 chuyến/ngày và dịp Tết dương lịch vừa qua, khách du lịch đến Phú Quốc tăng đột biến.

Từ chỗ “trắng khách sạn” tiêu chuẩn từ 3 sao, hiện Phú Quốc có hơn 22.000 phòng lưu trú, trong đó hơn một nửa đạt tiêu chuẩn 3 - 5 sao, nhiều khách sạn đẳng cấp được vận hành bởi các tập đoàn danh tiếng quốc tế như Marriott, Accor Hotel, New World, Rosewood, InterContinental... 

Đảo Ngọc Phú Quốc trở thành điểm đến của các nhà đầu tư. 

Cái tên Phú Quốc giờ đây được thế giới nhắc đến với những công trình nổi danh toàn cầu như Cáp treo Hòn Thơm - Cáp treo vượt biển dài nhất thế giới; những khu nghỉ dưỡng đẳng cấp, đạt nhiều giải thưởng quốc tế như JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay - Đứng thứ 6 trong Top 100 khu nghỉ dưỡng tốt nhất thế giới do Travel & Leisure bình chọn; Premier Village Phu Quoc Resort - Khu nghỉ dưỡng biệt thự hàng đầu châu Á 2019, 2020 (World Travel Awards); Premier Residences Phu Quoc Emerald Bay - Khách sạn căn hộ hàng đầu châu Á 2020 (World Travel Awards); InterContinental Phu Quoc Long Beach Resort… Phú Quốc cũng sở hữu nhiều khu vui chơi, giải trí cao cấp như tổ hợp Sun World Hon Thom Nature Park, Aquatopia - Công viên nước hàng đầu châu Á 2020 (World Travel Awards); Vinpearl Safari Phú Quốc, VinWonders Phú Quốc…. 

Du lịch bứt tốc không chỉ khiến đảo Ngọc “lột xác”, tiếng tăm vươn xa trên thế giới, mà còn đem về doanh thu lớn cho ngân sách địa phương, thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống cho người dân. Theo thống kê, giai đoạn 2010 - 2019, lượt du khách và doanh thu từ du lịch của Phú Quốc tăng trung bình 20 - 30%. Ngành du lịch - dịch vụ đóng góp 70% trong cơ cấu GDP của Phú Quốc, mang lại công ăn việc làm cho khoảng 70% dân số trên đảo.

Với tốc độ phát triển nhanh, mạnh trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là du lịch trong giai đoạn vừa qua, việc Phú Quốc trở thành thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam đã ghi một dấu ấn mới mang tính bước ngoặt trong lịch sử phát triển của đảo Ngọc. “Chiếc áo cơ chế mới” thành phố biển đảo cũng sẽ là bệ phóng để đảo Ngọc tăng tốc, bứt phá, sớm trở thành “Singapore mới của Châu Á” như kỳ vọng. 

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top