Aa

Phú Thọ: Đảm bảo đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ Năm, 01/02/2024 - 16:48

Tỉnh Phú Thọ có đa dân tộc thiểu số cùng sinh sống, chiếm trên 17% dân số toàn tỉnh. Giai đoạn 2021-2025, tỉnh có 58 xã thuộc khu vực I, II, III địa bàn miền núi và 70 thôn đặc biệt khó khăn (ngoài xã khu vực III), tập trung ở các huyện Thanh Sơn, Yên Lập, Tân Sơn, Đoan Hùng, Thanh Thủy.

Thời gian qua, tỉnh Phú Thọ đã nỗ lực triển khai thực hiện các dự án của Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), trong đó hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, tạo điều kiện để đồng bào ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Phú Thọ: Đảm bảo đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số- Ảnh 1.

Được bố trí đất sản xuất và bằng các hình thức chuyển đổi hỗ trợ tạo thêm động lực để đồng bào DTTS&MN huyện Yên Lập phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Tích cực triển khai

Thực hiện Dự án 1 của Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025 về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất nhằm hướng tới mục tiêu giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS nghèo, hộ nghèo sinh sống vùng đồng bào DTTS&MN, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế tại từng địa phương, tạo động lực giúp đồng bào thoát nghèo, tỉnh đã ban hành kế hoạch, khẩn trương chỉ đạo các ngành chuyên môn, địa phương triển khai tích cực. Tỉnh cũng chỉ đạo ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, nhóm đồng bào DTTS khó khăn; tập trung cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; triển khai rà soát, thống kê nhu cầu đất ở, đất sản xuất của đồng bào DTTS&MN đảm bảo đúng đối tượng, quy định. UBND tỉnh ban hành quy định định mức giao đất ở, định mức bình quân đất sản xuất làm căn cứ để các địa phương xây dựng kế hoạch bố trí thực hiện.

Ban Dân tộc tỉnh là cơ quan chủ trì thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN. Theo đồng chí Nguyễn Thị Thu Hằng - Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Ban Dân tộc tỉnh, để thuận lợi cho các địa phương trong quá trình thực hiện dự án đảm bảo nội dung theo quy định, Ban Dân tộc đã ban hành hướng dẫn rà soát đối tượng, thứ tự ưu tiên, nội dung, nguyên tắc hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS&MN. Đặc biệt, Ban đã cụ thể hóa quy trình thực hiện khép kín, phân cấp thực hiện từ khu dân cư đến UBND cấp huyện.

Thực hiện các nội dung của dự án, các địa phương trong diện được thụ hưởng đã tích cực triển khai. Huyện Tân Sơn tập trung 83% đồng bào DTTS sinh sống tại 17 xã, trong đó chủ yếu là dân tộc Mường, Dao, Mông. Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Huệ - Trưởng Phòng Dân tộc huyện cho biết: “Căn cứ những quy định, kế hoạch, hướng dẫn của Trung ương, tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh, huyện Tân Sơn đã ban hành văn bản chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Dân tộc phối hợp rà soát, xác định mức bình quân đất ở, đất sản xuất vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn chi tiết đối với từng loại đất sản xuất theo quy định. UBND các xã thực hiện rà soát, thống kê, tổng hợp báo cáo sơ bộ các hộ thiếu đất ở, đất sản xuất thực hiện dự án 1 của Chương trình. Đồng thời, huyện đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để người dân nắm bắt chủ trương, chính sách, đối tượng thụ hưởng, mức hỗ trợ theo quy định”.

Việc thực hiện rà soát, lập danh sách đối tượng thụ hưởng hỗ trợ theo các nội dung của dự án đã tuân thủ nguyên tắc công khai, minh bạch, dân chủ từ cơ sở, đúng đối tượng, đúng định mức, không chồng chéo, đảm bảo sự tham gia, giám sát của người dân. Qua rà soát, giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh có khoảng 2.500 hộ có nhu cầu được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất. Đến nay, một số nội dung của dự án đang được khẩn trương hoàn tất công tác thẩm định hồ sơ ra quyết định phê duyệt định mức hỗ trợ, chuyển cơ quan chuyên môn thực hiện giải ngân vốn cho các đối tượng thụ hưởng.

Phú Thọ: Đảm bảo đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số- Ảnh 2.

Công chức địa chính xã Tân Sơn, huyện Tân Sơn rà soát quỹ đất trên địa bàn làm cơ sở báo cáo, tham mưu thực hiện nội dung của dự án.

Nỗ lực gỡ khó

Với sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, nỗ lực triển khai của các cấp, ngành, địa phương, đến nay, cơ bản các nội dung của dự án hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS được thực hiện đảm bảo quy định. Tuy nhiên, việc triển khai hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS nghèo, hộ nghèo sinh sống trên địa bàn DTTS và miền núi, xã, thôn đặc biệt khó khăn có nhu cầu còn gặp một số khó khăn, vướng mắc.

Thực tế cho thấy, địa bàn cư trú của đồng bào DTTS của tỉnh chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, núi cao nên nhu cầu về đất ở, đất sản xuất là khá lớn. Bên cạnh đó, do đặc thù địa hình bị chia cắt nên thiếu quỹ đất để thực hiện bố trí theo nội dung của đề án. Ngoài khó khăn do yếu tố khách quan bởi điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, việc triển khai chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS còn bất cập bởi nhiều nguyên nhân khác như: Tỉnh không có quỹ đất công; nhận thức của một số người dân về mục tiêu các chương trình chính sách hỗ trợ còn hạn chế dẫn đến tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; nguồn kinh phí hằng năm Trung ương cấp còn thấp, ngân sách của các địa phương còn “khiêm tốn”, khó cân đối trong việc đối ứng để triển khai thực hiện...

Về giải pháp tạo quỹ đất cho đồng bào DTTS&MN, Ban Dân tộc tỉnh đã hướng dẫn các huyện, địa phương thực hiện theo quy định tại Điều 5, Thông tư Số 02/2022/TT-UBDT ngày 30 tháng 6 năm 2022 của Ủy ban Dân tộc Trung ương về hướng dẫn thực hiện một số dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1: Từ 2021 đến 2025. Theo đó, trong trường hợp địa phương có quỹ đất, căn cứ mức bình quân đất ở đã được UBND tỉnh quy định tại Quyết định số 40/2022/QĐ-UBND ngày 19/12/2022 về quy định định mức giao đất ở, định mức bình quân đất sản xuất để thực hiện Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ, UBND cấp huyện thực hiện giao đất ở cho các hộ thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách.

Trường hợp cần tạo mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật đất ở hoặc để người dân tự ổn định chỗ ở theo hình thức xen ghép, mức hỗ trợ từ ngân sách Trung ương tối đa 40 triệu đồng/hộ, ngân sách địa phương tối thiểu bốn triệu đồng/hộ. Song song với đó, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để đồng bào DTTS&MN chủ động chuyển nhượng quyền sử dụng đất; người thân trong gia đình, dòng họ của đối tượng thụ hưởng có quỹ đất nông nghiệp nằm trong quy hoạch khu dân cư (đất ở) tự nguyện cho, tặng đối tượng thụ hưởng...

Theo đồng chí Cầm Hà Chung- Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, gỡ khó cho các địa phương trong quá trình triển khai, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế, Ban Dân tộc đã tham mưu UBND tỉnh cho ý kiến chỉ đạo về thực hiện các giải pháp giải quyết tình trạng thiếu đất ở cho các đối tượng thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN. Các địa phương thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất, bố trí ngân sách cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trong trường hợp đối tượng thụ hưởng chính sách được tặng, cho quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp quy hoạch sử dụng đất được cấp thẩm quyền phê duyệt (quy hoạch đất ở). Đồng thời, các địa phương điều chỉnh đối tượng được bố trí đất ở của các dự án định canh, định cư trên địa bàn (theo Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào DTTS giai đoạn 2007-2010) sang đối tượng được quy định dự án này.

Đối với nội dung bố trí đất sản xuất, các địa phương thực hiện hỗ trợ theo hình thức: Chuyển đổi theo nhu cầu đào tạo nghề; mua sắm nông cụ, máy móc làm dịch vụ nông nghiệp hoặc cần vốn để làm nghề khác tăng thu nhập; hỗ trợ xuất khẩu lao động, giao khoán bảo vệ rừng, trồng rừng.

Với những giải pháp cụ thể, phù hợp đã nỗ lực giải quyết “bài toán khó” về thiếu đất ở, đất sản xuất cho vùng đồng bào DTTS&MN của tỉnh, đảm bảo thực hiện mục tiêu đến hết năm 2025, 90% hộ DTTS nghèo, hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn làm nghề nông, lâm, ngư nghiệp không có hoặc thiếu trên 50% đất sản xuất theo định mức của địa phương được giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất hoặc hỗ trợ chuyển đổi nghề.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top