Tỉnh Phú Thọ đặc biệt chú trọng đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, không chỉ tăng kết nối giữa các huyện, thành, thị mà còn hình thành liên kết vùng, tạo nên sức bật lớn cho tỉnh, tạo động lực thu hút đầu tư, góp phần thực hiện hiệu quả khâu đột phá cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025.
Khẳng định vai trò, sứ mệnh đi trước mở đường
Nằm ở vị trí trung tâm vùng Trung du miền núi phía Bắc, Phú Thọ có nhiều tuyến giao thông Quốc gia chạy qua, kết nối giữa các tỉnh Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh trong vùng trên trục hành lang kinh tế Hải Phòng-Hà Nội-Côn Minh. Phú Thọ có hệ thống giao thông đa dạng gồm đường bộ, đường sắt và đường thủy, giúp địa phương thúc đẩy hoạt động kinh tế, văn hóa, du lịch, tạo mối giao lưu kinh tế giữa các khu vực trong tỉnh, liên tỉnh.
Tổng chiều dài đường bộ tỉnh hiện có 12.916km, trải dài rộng khắp từ đồng bằng đến miền núi, từ trung tâm tỉnh lỵ đến huyện, xã, thôn bản; có chín tuyến đường quốc lộ đi qua với 531,1km, quy mô đa số đạt cấp IV và cấp III với bề rộng mặt đường từ 5,5-11m và 100% đã được cứng hóa; 54 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài 786km, gần 1.200km đường huyện, đường đô thị. 100% xã có đường ô tô đến trung tâm, có 12 cầu lớn bắc qua sông Hồng, sông Lô, sông Đà, sông Chảy và trên 400 cầu trên các tuyến quốc lộ, đường địa phương. Những cung đường được đưa vào khai thác đã tăng tính kết nối giữa các huyện, thành, thị, hình thành liên kết vùng, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế giá trị văn hóa vùng Đất Tổ.
Đến nay, Phú Thọ đã xây dựng hệ thống giao thông đối ngoại và hàng loạt con đường kết nối liên vùng lấy thành phố Việt Trì là điểm nhấn “xanh - sạch - đẹp” có quy hoạch mang vóc dáng hiện đại; cao tốc Nội Bài - Lào Cai chiều dài 62km với năm nút giao (IC7 đến IC11) kết nối đường cao tốc với các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ chạy qua địa bàn. 20 dự án giao thông quan trọng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã và đang thực hiện theo quy hoạch. Đặc biệt, với sự hỗ trợ của Nhà nước và nguồn lực trong nhân dân, các tuyến đường giao thông nông thôn (GTNT) được mở mới khắp các thôn, bản, đời sống người dân được nâng lên, bức tranh nông thôn ngày càng khởi sắc.
Hệ thống giao thông được đầu tư hoàn thiện đã giúp Phú Thọ có môi trường đầu tư hấp dẫn đối với doanh nghiệp trong và ngoài nước. Năm 2023, Phú Thọ đã thu hút mới, bổ sung vốn 102 dự án, trong đó 83 dự án DDI, vốn đăng ký gần 6.900 tỉ đồng, 19 dự án FDI, vốn đăng ký 218,1 triệu USD, tạo động lực, bổ sung năng lực tăng thêm, đóng góp tăng trưởng cao trong thời gian tới.
Giao thông thuận tiện cũng là cơ hội để tỉnh tăng cường hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển các dự án du lịch, dịch vụ trọng điểm ở thành phố Việt Trì và các huyện: Tam Nông, Thanh Thủy, Hạ Hòa, Tân Sơn... Lĩnh vực dịch vụ, du lịch phục hồi tích cực, nhất là dịch vụ lưu trú, ăn uống, doanh thu du lịch ước đạt 3.365 tỉ đồng.
Kinh tế của tỉnh đạt mức tăng trưởng 7,58%, nằm trong nhóm 15 địa phương có tốc độ tăng khá trong cả nước, đứng thứ 3/14 tỉnh vùng Trung du miền núi phía Bắc. Quy mô kinh tế đến hết năm 2023 tăng trên 1,3 lần so với năm 2020, vượt mốc 100.000 tỉ đồng, đứng thứ 3/14 tỉnh vùng Trung du miền núi phía Bắc. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện đạt 45.600 tỉ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 10,4 tỉ USD, đứng thứ 9/63 tỉnh, thành của cả nước. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 8.416 tỉ đồng, tăng 37,8% so với dự toán HĐND tỉnh giao...
Tiếp tục đầu tư giao thông kết nối vùng
Trong năm 2023, tỉnh đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt nhiệm vụ trọng tâm tháo gỡ “điểm nghẽn” về giải phóng mặt bằng (GPMB); tập trung tối đa nguồn lực, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư kết cấu hạ tầng trọng điểm. Nhờ đó, 18/20 tuyến đường giao thông trọng điểm được triển khai nhanh, vượt tiến độ, trong đó có 7/20 dự án đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành như: Cầu Vĩnh Phú nối tỉnh Phú Thọ với tỉnh Vĩnh Phúc, đường giao thông liên vùng kết nối đường Hồ Chí Minh với quốc lộ 70B, quốc lộ 32C tỉnh Phú Thọ đi tỉnh Yên Bái, cao tốc Tuyên Quang- Phú Thọ... Phấn đấu đến hết năm 2024, các tuyến giao thông đối ngoại của tỉnh với các địa phương xung quanh (Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Yên Bái, Tuyên Quang) sẽ được mở thông.
Để tạo điều kiện thuận lợi hơn trong kết nối liên vùng, với vai trò cơ quan tham mưu, Sở Giao thông vận tải (GTVT) đã sớm đề xuất bổ sung, điều chỉnh các tuyến đường cao tốc, quốc lộ qua địa bàn tỉnh vào Quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050...
Theo ông Nguyễn Tiến Hùng- Phó Giám đốc Sở GTVT, phát triển nhanh kết cấu hạ tầng giao thông với phương châm “đi trước một bước” là đòi hỏi bức thiết của thực tiễn. Những định hướng đề xuất nhằm phát triển hệ thống giao thông hoàn thiện không chỉ là chủ trương đúng đắn, kịp thời mà còn góp phần nâng cao chất lượng các tiêu chí giao thông hiện đại. Các dự án hạ tầng giao thông được lựa chọn, phân kỳ đầu tư trong thời gian tới sẽ là giải pháp hiệu quả để đẩy mạnh thu hút đầu tư, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, giữa miền núi và đồng bằng, tạo sự kết nối vùng, liên vùng nhanh, bền vững.
Năm 2024, là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc tạo đà thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Xác định việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, khâu đột phá để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Phú Thọ sẽ tiếp tục triển khai đầu tư các dự án giao thông trọng điểm, mang tính chiến lược, kết nối các địa phương trong tỉnh và kết nối Phú Thọ với các tỉnh, thành trong khu vực, trong đó tiếp tục tập trung cao độ đối với công tác GPMB các công trình, dự án đầu tư công, đầu tư tư nhân trọng điểm.
Phấn đấu năm 2024, bàn giao từ 500-700ha mặt bằng sạch cho các dự án trọng điểm (xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hạ tầng giao thông, khu đô thị, khu dân cư nông thôn mới...). Quyết liệt thực hiện các dự án trọng điểm, nhất là đối với 13 dự án giao thông kết nối liên vùng, liên huyện, giao thông đối ngoại còn lại, tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư, tạo động lực, bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần xây dựng Phú Thọ là tỉnh phát triển hàng đầu vùng Trung du miền núi phía Bắc.