Là một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ và du lịch hàng đầu vùng trung du và miền núi phía Bắc
Đây là tầm nhìn phát triển tỉnh Phú Thọ đến năm 2050, đặt ra tại Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg hồi đầu tháng 12/2023. Đây trở thành căn cứ để triển khai lập quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn tỉnh Phú Thọ theo quy định của pháp luật có liên quan.
Ngoài ra, trong tầm nhìn phát triển đến năm 2050 còn xác định Phú Thọ là tỉnh phát triển ở khu vực phía Bắc, nằm trong nhóm các tỉnh phát triển của cả nước. Để là nơi đáng sống, đáng đến, an toàn và thịnh vượng, Phú Thọ đặt ra các mục tiêu thực hiện giai đoạn 2021 - 2030:
Thứ nhất, quy hoạch tỉnh Phú Thọ sẽ có 22 đô thị
Gồm 1 đô thị loại I (TP. Việt Trì); 1 đô thị loại II - nâng cấp từ thị xã Phú Thọ lên thành phố trực thuộc tỉnh. 9 đô thị loại IV: Hùng Sơn, Lâm Thao, Thanh Thủy, Hưng Hóa, Đoan Hùng, Cẩm Khê, Yên Lập, Tân Phú, Hạ Hòa. 3 đô thị loại IV mở rộng: Phong Châu, Thanh Ba, Thanh Sơn. 8 đô thị loại V thành lập mới: Vạn Xuân, Phú Lộc, Tây Cốc, Hiền Lương, Minh Tân, Thu Cúc, Hương Cần, Hoàng Xá.
Thứ hai, phát triển 12 khu công nghiệp (KCN)
Tổng diện tích khoảng 5.095 ha. Bao gồm 7 KCN: Thụy Vân, Trung Hà, Phú Hà, Cẩm Khê, Tam Nông, Hạ Hòa, Phù Ninh. Hình thành 5 KCN mới: Thanh Ba, Bắc Sơn, Đồng Lương, Đoan Hùng, Võ Miếu.
Thứ ba, có 2 khu du lịch quốc gia
Gồm Khu du lịch quốc gia Đền Hùng và khu du lịch quốc gia Xuân Sơn (gắn với Vườn quốc gia Xuân Sơn). Có từ 3 đến 5 khu du lịch cấp tỉnh tại thành phố Việt Trì, các huyện: Thanh Thủy, Hạ Hòa, Tam Nông, Tân Sơn…
Thứ tư, phấn đấu đến năm 2030, Phú Thọ là tỉnh phát triển hàng đầu vùng trung du và miền núi phía Bắc
Có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ. Hình thành chuỗi liên kết khu vực động lực của vùng tại vành đai Bắc Giang - Thái Nguyên - Phú Thọ. Từng bước hình thành các trung tâm phát triển về du lịch, y tế, giáo dục và đào tạo, thương mại và logistics của tiểu vùng Tây Bắc.
Về kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt từ 10,5%/năm trở lên. GRDP bình quân theo đầu người năm 2030 đạt 6.000 - 6.200 USD. Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thời kỳ 2021 - 2030 đạt từ 800 nghìn tỷ đồng trở lên, trong đó tỷ trọng vốn FDI chiếm 19 - 20%.
Về xã hội, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 100%. Số bác sĩ trên 10.000 dân đạt 17 bác sĩ; số giường bệnh trên 10.000 dân đạt khoảng 57 giường bệnh (không bao gồm giường bệnh trạm y tế). Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 85% và nông thôn mới nâng cao đạt 40%.
Về môi trường, đến năm 2030, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt thu gom được xử lý khu vực đô thị đạt khoảng 90% - 100%, khu vực nông thôn khoảng 80% - 95%. 100% chất thải nguy hại được xử lý đạt tiêu chuẩn kỹ thuật môi trường…
Về văn hóa, khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực và phát huy bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng. Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vùng Đất Tổ với hai di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Phát triển thành phố Việt Trì trở thành thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.
Quy hoạch tỉnh Phú Thọ có 1 trung tâm, 2 hành lang kinh tế, 3 đột phá phát triển, 4 nhiệm vụ trọng tâm
Một trung tâm: Xây dựng và phát triển Việt Trì trở thành thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam. Là đô thị trung tâm vùng trung du và miền núi phía Bắc, đạt tiêu chuẩn đô thị loại I.
Hai hành lang kinh tế: (i) Hành lang kinh tế dọc tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai; (ii) Hành lang kinh tế dọc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây. Trọng tâm là hình thành các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng, khu du lịch, dịch vụ có quy mô lớn. Từ đó, tạo đột phá đối với sự phát triển của tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ba đột phá phát triển: (i) Đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng then chốt: Giao thông liên vùng, hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đô thị và du lịch; (ii) Phát triển nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật; (iii) Cải cách hành chính và nâng cao năng lực quản trị địa phương; tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số.
Bốn nhiệm vụ trọng tâm: (i) Phát triển nhanh công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch; đổi mới mô hình, tổ chức sản xuất trong nông, lâm nghiệp theo hướng hiện đại; (ii) Thu hút nguồn vốn ngoài tỉnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác, thu hút và quản lý đầu tư; (iii) Bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa vùng Đất Tổ; (iv) Xây dựng Phú Thọ trở thành Trung tâm của tiểu vùng Tây Bắc ở các lĩnh vực: Du lịch, y tế, giáo dục và đào tạo, thương mại, logistics.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 10,5%/năm thời kỳ 2021 - 2030, Phú Thọ dự kiến huy động vốn đầu tư phát triển khoảng 800.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư của khu vực kinh tế Nhà nước khoảng 140.000 tỷ đồng, chiếm 17,5%. Vốn đầu tư tư nhân khoảng 500.000 tỷ đồng, chiếm 62,5%. Và 20% vốn FDI, tương đương 160.000 tỷ đồng (6,5 tỷ USD)./.