Là địa phương có tỷ lệ giải ngân nằm trong tốp đầu của cả nước
Điểm nhấn nổi bật năm 2023 đầu tiên của tỉnh Phú Thọ là tăng trưởng kinh tế tỉnh Phú Thọ đạt 7,58%, nằm trong nhóm 15 địa phương có tốc độ tăng cao, đứng thứ 03/14 tỉnh Vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 17,6% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước tăng 37,8% so với dự toán. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,7%. Tiến độ triển khai, giải ngân vốn đầu tư công đạt mức cao, là địa phương có tỷ lệ giải ngân nằm trong tốp đầu của cả nước.
Nhiều dự án được tháo gỡ vướng mắc, thu hút 218,1 triệu USD đăng ký đầu tư
Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại Phú Thọ được thực hiện đồng bộ, quyết liệt, tháo gỡ được nhiều vướng mắc trong triển khai các dự án. Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Công tác xúc tiến đầu tư được chú trọng, đã chủ động tổ chức xúc tiến đầu tư trực tiếp với các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới. Thu hút mới, bổ sung vốn 102 dự án, trong đó 83 dự án đầu tư trong nước với vốn đăng ký gần 6.900 tỷ đồng, 19 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký 218,1 triệu USD. Thành lập mới 920 doanh nghiệp; đến nay, toàn tỉnh có 11,5 nghìn doanh nghiệp, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, hạ tầng khu công nghiệp được tăng cường
Năm 2023, Phú Thọ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các địa phương liên quan đẩy nhanh và thực hiện vượt tiến độ 18/20 tuyến đường giao thông trọng điểm. Qua đó, hình thành mạng lưới giao thông đường bộ kết nối liên vùng và kết nối với hệ thống giao thông quốc gia.
Đồng thời, tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp. Đặc biệt, Phú Thọ thành lập mới 4 Cụm công nghiệp: Nam Đoan Hùng, Phú Hộ, Đồng Phì, Ngọc Quan. Hạ tầng điện được đầu tư đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Nhờ hạ tầng được chú trọng, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 17,3% so cùng kỳ, đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố, đứng thứ 2/14 tỉnh trong Vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Tỉnh cũng đưa vào hoạt động, thu hút nhiều dự án đầu tư quy mô lớn về chế biến, chế tạo, sản xuất năng lượng mới...
Một số động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới có thể kể đến: dự án pin năng lượng mặt trời VSUN (200 triệu USD); nhà máy sản xuất gạch Granite, ngói tráng men (1.646 tỷ đồng); nhà máy sản xuất viên gỗ nén MH Việt Nam (378 tỷ đồng); nhà máy sản xuất đồ nội thất dân dụng MEHOMES (300 tỷ đồng)...
Tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa, thể thao cấp quốc gia, quốc tế
Năm 2023, Phú Thọ đã xây dựng hình ảnh, ấn tượng tốt đẹp về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, con người Đất Tổ. Thông qua việc tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa, thể thao cấp quốc gia, quốc tế. Trong đó, có Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2023.
Cũng năm 2023, lần đầu tiên Phú Thọ tổ chức Liên hoan các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh. Ngoài ra, có các Hội thảo quốc tế về phát huy giá trị của di sản văn hóa; Liên hoan văn hóa ẩm thực Đất Tổ và hội chợ du lịch Tây Bắc; Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc; Vòng loại thứ hai bảng A - Giải bóng đá nữ U20, vòng loại Giải bóng đá nam U23 Châu Á...Huyện Thanh Thủy tổ chức thành công “Tuần Du lịch Thanh Thủy - Mùa thu năm 2023”.
Nhờ những khởi sắc về mặt hình ảnh, doanh thu du lịch tỉnh Phú Thọ tăng 27%, lượng khách lưu trú tăng 13,3%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 15,4%. Giá trị xuất khẩu đạt 10,4 tỉ USD, đứng thứ 09/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Năng lực cạnh tranh tiếp tục cải thiện
Năng lực cạnh tranh của tỉnh tiếp tục được cải thiện, đi vào thực chất, đảm bảo việc quản lý, điều hành giữa các cơ quan Nhà nước từ tỉnh đến xã trên môi trường số. Chỉ số PCI xếp thứ 24/63 tỉnh, thành phố, đứng thứ 4/14 vùng; chỉ số PAR INDEX đứng thứ 18/63 tỉnh, thành phố, đứng thứ 6/14 vùng; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công - PAPI đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố; chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính SIPAS đứng thứ 8/63 tỉnh, thành phố, tăng 5 bậc so với năm 2021; đã triển khai đánh giá xếp loại chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI).
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được triển khai tích cực, đã cấp trên 1,2 triệu thẻ căn cước công dân, trên 928,4 nghìn tài khoản định danh điện tử; tỷ lệ hài lòng của người dân và doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính các cấp được nâng lên.