Aa

Phú Thọ: Phát triển cụm công nghiệp bền vững

Thứ Năm, 25/04/2024 - 13:30

Thời gian qua, tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý và phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn, từ đó hạ tầng kỹ thuật các CCN từng bước được đầu tư đồng bộ, tạo quỹ đất sạch, thu hút đầu tư sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Phú Thọ: Phát triển cụm công nghiệp bền vững- Ảnh 1.

Công ty TNHH găng tay Dongwon Việt Nam (CCN làng nghề Hoàng Xá, xã Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy) sản xuất găng tay bảo hộ lao động xuất khẩu.

Thực hiện công tác quản lý nhà nước về công nghiệp, Sở Công Thương tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với các sở, ngành liên quan, các địa phương bám sát, nắm bắt tình hình, rà soát tiến độ đầu tư, hiệu quả hoạt động của các CCN trên địa bàn đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, hiệu quả sử dụng đất và tuân thủ các quy định của pháp luật, nhất là quy định về bảo vệ môi trường, đất đai, xây dựng. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện đầu tư hạ tầng CCN trên địa bàn tỉnh và thu hút các nhà đầu tư thứ cấp, đồng thời Sở đã thực hiện việc theo dõi tình hình sản xuất của các doanh nghiệp, kịp thời tham mưu đề xuất, tháo gỡ khó khăn trong quá trình sản xuất.

Để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư vào các CCN, các huyện chú trọng làm tốt công tác cung cấp thông tin quy hoạch, chỉ dẫn địa lý, vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đến đầu tư, đồng thời tăng cường gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, đẩy mạnh cải cách hành chính, quảng bá, xúc tiến đầu tư, trên cơ sở đó chọn lọc thu hút các dự án đầu tư chất lượng, có tính bền vững.

Thời gian qua, kết cấu hạ tầng ngoài CCN được chú trọng đầu tư, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối với các tuyến đường cao tốc, quốc lộ và tỉnh lộ, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển. Trên địa bàn tỉnh đã thu hút, mời gọi được một số nhà đầu tư triển khai các dự án đầu tư hạ tầng CCN. Một số hạng mục công trình hoàn thành, cơ bản đáp ứng yêu cầu thiết yếu, phục vụ lộ trình đầu tư, sản xuất của các doanh nghiệp.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 27 CCN được thành lập, mở rộng và triển khai thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng, thu hút các dự án sản xuất, kinh doanh vào các CCN. Tổng mức vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các CCN trên địa bàn theo đăng ký trên 14.600 tỷ đồng. Các CCN đang hoạt động thu hút được 164 dự án đầu tư, trong đó có 99 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký trên 10.000 tỷ đồng; 65 dự án có vốn FDI, vốn đăng ký trên 755 triệu USD. Đến nay, đã có 118 dự án đi vào hoạt động, tạo việc làm ổn định cho trên 27.000 lao động. Tỷ lệ lấp đầy đất công nghiệp trong các CCN trên địa bàn đạt trên 55%.

Theo đồng chí Nguyễn Việt Dũng- Giám đốc Sở Công Thương, để phát triển các CCN thời gian tới, Sở Công Thương phối hợp với các sở, ngành, địa phương tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả khâu đột phá về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức vị trí, vai trò của công nghiệp là ngành quan trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách của tỉnh, giải quyết việc làm cho lao động địa phương... Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN dễ dàng tiếp cận các chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhà đầu tư trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, thủ tục thành lập CCN.

Song hành với đó, vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách nhằm huy động tối đa các nguồn vốn đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển CCN, tạo điều kiện cho người lao động, người sử dụng lao động dễ dàng tiếp cận với nhau khi có nhu cầu. Tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các doanh nghiệp, yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường, phấn đấu cơ bản đến năm 2025 các CCN có hệ thống xử lý nước thải công nghiệp đạt chuẩn như kế hoạch đề ra.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top