UBND tỉnh Hòa Bình cũ, nay là tỉnh Phú Thọ, đã ban hành Quyết định số 75/QĐ-UBND về việc chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng và sân golf Độc Lập tại xã Độc Lập, TP. Hòa Bình (cũ).
Cụ thể, dự án có quy mô hơn 104ha, gồm sân golf 18 lỗ đạt tiêu chuẩn quốc tế kết hợp với khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp, nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư Duy Anh.

Một sân golf tại tỉnh Phú Thọ. (Ảnh minh họa)
Trong đó, khu vực đầu tư xây dựng sân golf có diện tích khoảng 76,47ha, bao gồm sân golf, sân tập golf, clubhouse, cây xanh cảnh quan, bãi đỗ xe, giao thông nội bộ, công trình hạ tầng, phụ trợ khác.
Khu vực đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng diện tích khoảng 17,8ha, bao gồm: Khu biệt thự nghỉ dưỡng (đất thương mại, dịch vụ), công trình công cộng, cây xanh cảnh quan du lịch, bãi đỗ xe du lịch, đường giao thông nội bộ, đường trục chính kết nối với đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu) và đất mặt nước diện tích khoảng 10,05ha.
Tổng vốn đầu tư hơn 1.536 tỷ đồng. Trong đó, vốn tự có của nhà đầu tư là 230 tỷ đồng (chiếm khoảng 15% tổng vốn đầu tư), còn lại là vốn vay.
Tiến độ thực hiện dự án từ quý II/2025 đến hết quý II/2032 phải thực hiện các thủ tục pháp lý, hoàn thành đầu tư xây dựng toàn bộ Khu sân golf 18 lỗ và và Khu du lịch nghỉ dưỡng theo quy hoạch chi tiết xây dựng được phê duyệt, đưa toàn bộ dự án vào hoạt động kinh doanh.
Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày nhà đầu tư được cấp có thẩm quyền quyết định cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
Theo Quyết định, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Chi cục Thuế khu vực I, UBND TP. Hòa Bình (cũ), UBND xã Độc Lập và các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát và đôn đốc nhà đầu tư thực hiện các thủ tục về đất đai, xây dựng, môi trường, các thủ tục khác... để đầu tư xây dựng theo tiến độ đăng ký.
Sở Nông nghiệp và Môi trường, UBND TP. Hòa Bình (cũ) phối hợp, hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện các thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng, thủ tục đất đai, môi trường...; tham mưu cấp có thẩm quyền phê duyệt các chỉ tiêu sử dụng đất trong kỳ bảo đảm để nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án theo đúng mục tiêu, quy mô, tiến độ được phê duyệt.
Ngày 12/6 vừa qua, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. Theo đó, cả nước còn 34 tỉnh, thành phố, trong đó sáp nhập 3 tỉnh Phú Thọ, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, lấy tên mới là tỉnh Phú Thọ, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại TP. Việt Trì. Sau sáp nhập, tỉnh Phú Thọ mới sẽ có tổng diện tích 9.361,38km2, quy mô dân số hơn 4 triệu người.