Aa

Phục hồi niềm tin kinh doanh

Thứ Năm, 18/04/2024 - 10:30

Kể từ thời điểm dịch Covid-19 xảy ra, chưa quý I năm nào hoạt động sản xuất, kinh doanh lại diễn biến thuận lợi như 3 tháng đầu năm 2024.

Trao đổi với PV, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận định: Những “cơn gió ngược” và bất ổn toàn cầu đã suy giảm so với năm 2023. Nhiều tín hiệu lạc quan củng cố niềm tin kinh doanh từ cầu thế giới đã xuất hiện; đơn hàng xuất khẩu đã trở lại trong các lĩnh vực dệt may, đồ gỗ…

PV: Theo ông, đâu là động lực tăng trưởng quý 1 ước đạt 5,66%, cao hơn cùng kỳ bốn năm trở lại đây?

Phục hồi niềm tin kinh doanh- Ảnh 1.

TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR).

TS. Nguyễn Quốc Việt: Đây là chỉ báo tương đối tích cực cho phục hồi sản xuất kinh doanh: xuất khẩu của Việt Nam khá khởi sắc, thu hút vốn FDI tiếp tục thành công; sản xuất công nghiệp tăng trên diện rộng ở hầu khắp các tỉnh, thành góp phần cho kỳ vọng đạt được mục tiêu tăng trưởng chỉ số công nghiệp - một trong những chỉ tiêu chưa đạt được trong năm 2023 mà chúng ta đã trăn trở nhiều trong phiên họp Quốc hội cuối năm vừa qua.

Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, mặt bằng tăng trưởng năm nay cao hơn năm 2023, trong đó khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Đông Nam Á năng động dự báo có nền tảng tăng trưởng tương đối tốt, trong đó, cầu thế giới đang dần phục hồi, nhất là thị trường Mỹ đến thời điểm hiện tại không rơi vào suy thoái như những dự báo trước đó. Những yếu tố này đã và đang củng cố niềm tin tiêu dùng, kinh doanh.

PV: Kinh tế tăng trưởng tốt nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn thấp, số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động và rút khỏi thị trường cao hơn số thành lập mới - khác với quy luật thường thấy. Nghịch lý này cần được nhìn nhận thế nào, thưa ông?

TS. Nguyễn Quốc Việt: Thực tế hoạt động doanh nghiệp hiện nay không chỉ phản ánh khó khăn chung của nền kinh tế mà còn cho thấy phần nào tâm lý bi quan trước môi trường đầu tư kinh doanh chưa thuận lợi được nhìn thấy rõ. Dù mặt bằng lãi suất hiện nay tương đối phù hợp nhưng tăng trưởng tín dụng thấp phản ánh khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong nước còn khó khăn. Thách thức từ trái phiếu doanh nghiệp, nợ xấu trong khi Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước chưa biết có tiếp tục gia hạn hay không có thể tiềm ẩn rủi ro đè nặng lên hệ thống tài chính ngân hàng cũng như tạo áp lực cho chỉ số vĩ mô trong nước. 

Thêm nữa, biến động của địa chính trị toàn cầu dẫn đến những giới hạn về logistics, chi phí bất ngờ tăng cao của nhiều khía cạnh: lưu kho bãi, vận chuyển… khiến cho tâm trạng và sự sẵn sàng chuẩn bị của doanh nghiệp rất hạn chế trong khi đa phần doanh nghiệp trong nước có quy mô vừa và nhỏ, sức cạnh tranh, khả năng thích ứng và chống chọi với sự thay đổi của hoàn cảnh không cao…

Về nguồn lực từ thể chế, Quốc hội đã dự thảo, xem xét thông qua nhiều văn bản pháp lý tạo nền tảng cho nền kinh tế thị trường của Việt Nam phát triển và động lực cho tăng trưởng trong tương lai. Thế nhưng, trong quá trình chuyển đổi, chờ đợi quy định được thông qua, thậm chí với những chính sách pháp lý có hiệu lực, trong quá trình thực thi, sự ngập ngừng của các bộ, ngành, địa phương vẫn có thể tạo ra cú hẫng, không đảm bảo chắc chắn. Bên cạnh áp lực đến từ thị trường, điều này tạo thêm áp lực vô hình cho doanh nghiệp.

PV: Theo ông làm thế nào để tiếp tục phục hồi và củng cố niềm tin kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp?

TS. Nguyễn Quốc Việt: Thứ nhất, ngoài mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,5%, năm 2024 Chính phủ cũng đặt mục tiêu quan trọng: phát triển tối thiểu doanh nghiệp 10% tại Nghị quyết 02. Vì vậy, với nền tảng vĩ mô ổn định, cần cố gắng thúc đẩy hơn nữa sự kiên định trong thực hiện chính sách hỗ trợ phục hồi tăng trưởng nói chung và hỗ trợ doanh nghiệp nói riêng. Chẳng hạn, về đầu tư công, cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn thúc đẩy triển khai các công trình trọng điểm mang tính chất lan toả, tạo cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế và doanh nghiệp trong thời gian tới.

Phục hồi niềm tin kinh doanh- Ảnh 2.

GDP quý 1/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý 1 trong suốt 4 năm gần đây 2020 - 2023. Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Thứ hai, cùng với các giải pháp tối ưu đảm bảo an toàn tín dụng của hệ thống tài chính ngân hàng với khả năng tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp, chúng ta cần tính đến khả năng đa dạng hoá nguồn vốn phù hợp với quy mô đặc thù của doanh nghiệp trong nước như dịch vụ cho thuê tài chính, có cơ chế đảm bảo cho sự phối hợp các nguồn lực gắn với mô hình tăng trưởng xanh, đổi mới sáng tạo, chuyển dịch năng lượng công bằng; tiếp tục có chính sách “cởi trói” để đảm bảo mục tiêu tăng huy động vốn từ trái phiếu trong nền kinh tế.

Thứ ba, thị trường tiêu dùng trong nước có dấu hiệu phục hồi nhưng trên nền tăng trưởng thấp so với trước đại dịch Covid-19 cho thấy sức cầu trong nước vẫn còn yếu, sức mua và thu nhập của người dân hạn chế. Qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy, các nước trong khu vực đều có chính sách hỗ trợ kích cầu tiêu dùng trong nước rất thành công, hỗ trợ cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế khi cầu tiêu dùng bên ngoài suy yếu. Hơn nữa, kích cầu tiêu dùng còn dành cho cả khách nước ngoài để du khách chi tiêu nhiều hơn trong nội địa. 

Vì vậy, VEPR khuyến nghị xuyên suốt là thực hiện chính sách giảm thuế VAT trong năm 2024 và áp dụng đều trong các ngành, các lĩnh vực. Cùng với đó, thực thi hiệu quả các chính sách có thể tác động đến giá của các doanh nghiệp kinh doanh trong nước, hỗ trợ kích cầu tiêu dùng, phục hồi thị trường trong nước.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top