Aa

Kích đầu tư, đôn đốc giải ngân để thúc tăng trưởng

Thứ Ba, 09/04/2024 - 06:21

Đầu tư công ở thời điểm hiện tại vẫn là một động lực tăng trưởng quan trọng, cần thúc đẩy để nền kinh tế có thể đạt mức tăng trưởng 6,5% trong năm nay.

Kích đầu tư, đôn đốc giải ngân để thúc tăng trưởng- Ảnh 1.

Cắt giảm vốn nếu không phân bổ hết vốn

Danh sách các bộ, ngành, địa phương chưa phân bổ chi tiết 100% kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước, cũng như chi tiết tỷ lệ giải ngân của các bộ, ngành, địa phương tính đến cuối tháng 3/2024 đã được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Việc này đã liên tục được thực hiện thời gian gần đây, khi Chính phủ muốn “điểm mặt, chỉ tên” các bộ, ngành, địa phương còn chậm phân giao và giải ngân vốn đầu tư công.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, các tỉnh Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Quảng Nam, TP.HCM, Đồng Nai, Cần Thơ, Sóc Trăng… đều nằm trong danh sách này.

Trung tuần tháng 3/2023, sốt ruột trước tình trạng phân bổ chi tiết và giải ngân vốn đầu tư công chưa được như kỳ vọng, Thủ tướng Chính phủ đã ra công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương “khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 theo đúng quy định, không để tiếp tục chậm trễ”. Thủ tướng cũng nêu rõ, việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn phải bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, phù hợp với khả năng thực hiện, giải ngân và đúng các quy định pháp luật về đầu tư công.

Kích đầu tư, đôn đốc giải ngân để thúc tăng trưởng- Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Báo Chính phủ

Vậy nhưng, theo số liệu được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, tính đến cuối tháng 3/2024, vẫn còn khoảng 32.000 tỷ đồng trên tổng số gần 657.349 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2024 vẫn chưa được phân bổ chi tiết. Trong đó, vốn ngân sách trung ương là 9.500 tỷ đồng của 21/44 bộ, cơ quan và 24/63 địa phương, vốn cân đối ngân sách địa phương là 22.500 tỷ đồng của 25/63 địa phương.

“Chúng tôi đang phối hợp với Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ trình cấp có thẩm quyền cắt giảm kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2024 với các đơn vị chưa phân bổ chi tiết”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các bộ, ngành, địa phương chưa thể phân bổ hết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước từ nguồn ngân sách trung ương năm 2024, trong đó chủ yếu là do các dự án khởi công mới còn chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định để đủ điều kiện giao kế hoạch vốn hằng năm, song rõ ràng, chuyện không phân bổ hết vốn không phải lần đầu tiên xuất hiện.

Năm ngoái, trong tổng nguồn lực hơn 711.599 tỷ đồng, vẫn còn hơn 19.326 tỷ đồng chưa được phân giao chi tiết. Cộng với hơn 30.50s0 tỷ đồng đã được phân bổ chi tiết nhưng chưa được giải ngân (năm 2023, giải ngân vốn đầu tư công hơn 661.500 tỷ đồng, đạt 93% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao - PV), thì có gần 50.000 tỷ đồng đã không được sử dụng hiệu quả.

Đành rằng, một phần trong số này được chuyển tiếp sang năm 2024, nhưng nếu nguồn lực vốn đầu tư công được phân bổ và giải ngân hết, thì hiệu quả đầu tư sẽ cao hơn, tác động tích cực hơn tới tăng trưởng kinh tế năm 2023 và tạo nền tảng tốt hơn cho phát triển giai đoạn sau.

Đốc thúc giải ngân

Năm 2023, giải ngân vốn đầu tư công là khá tích cực, nhưng cũng vẫn không đạt mục tiêu 95%. Năm nay, ngưỡng 95% tiếp tục được đặt ra. Để đạt mục tiêu này, ngay từ đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đốc thúc chuyện “tiêu tiền”. Các tổ công tác của Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình. Thủ tướng Chính phủ đã có các công điện để đốc thúc. Và mới đây, một phiên họp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy giải ngân vốn ODA cũng được tổ chức.

Nhờ những nỗ lực trên, 3 tháng đầu năm nay, giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục xu hướng tích cực, ước đạt 89.874,751 tỷ đồng, bằng 13,67% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2023 cả về số tương đối (năm ngoái là 10,35%) và tuyệt đối (cao hơn 16.500 tỷ đồng).

Tuy nhiên, tính theo tỷ lệ giải ngân, trong khi có 4 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương đạt tỷ lệ giải ngân cao (trên 20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), thì vẫn còn tới 38 bộ, cơ quan trung ương và 26 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công dưới mức trung bình của cả nước. Thậm chí, có 15 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân là 0%, dù 1/4 chặng đường của năm 2024 đã qua đi.

Đáng nói là, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, khó khăn cũng phát lộ, khi tại nhiều dự án cao tốc, đường giao thông trọng điểm, nhất là tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực phía Nam bị thiếu cát san lấp nền, ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án. Việc cấp phép các mỏ cát mới còn chậm, gặp nhiều vướng mắc. Điều này, cùng với các khó khăn mang tính cố hữu khác, như giải phóng mặt bằng chậm, thủ tục đầu tư chưa kịp thời, năng lực nhà thầu còn hạn chế…, sẽ ảnh hưởng tới tốc độ giải ngân vốn đầu tư công của năm nay.

Kích đầu tư, đôn đốc giải ngân để thúc tăng trưởng- Ảnh 7.

Ảnh minh họa: Báo Đại đoàn kết

Năm 2024, tổng nguồn lực đầu tư công thấp hơn đáng kể so với năm ngoái (gần 657.349 tỷ đồng, so với 711.599 tỷ đồng), do vậy nhiệm vụ giải ngân để thúc tăng trưởng càng quan trọng hơn bao giờ hết.

“Các bộ, ngành, địa phương phải đẩy mạnh phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, phải kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc về nguồn cung cát, đá... để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, như sân bay, cảng biển, đường cao tốc, dự án liên vùng, liên tỉnh, hạ tầng năng lượng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Tinh thần này đang được “truyền lửa” xuống các bộ, ngành, địa phương. Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thắng, năm 2024, Bộ phấn đấu giải ngân 100% số vốn được giao, chứ không chỉ là 95% như năm trước. Năm 2024, Bộ Giao thông - Vận tải được giao gần 57.000 tỷ đồng vốn kế hoạch. Số vốn này đã được giao chi tiết và tính đến cuối tháng 3/2024, đã giải ngân được khoảng 10.700 tỷ đồng, đạt 19,2% kế hoạch.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, đến nay, Nghệ An đã phân bổ chi tiết 100% kế hoạch và giải ngân được hơn 20% kế hoạch. “Chúng tôi quyết tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong năm nay”, ông Trung nói và cho biết, thời gian qua, Nghệ An đã rất nỗ lực làm việc với chủ đầu tư các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp để đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy giải ngân.

Tinh thần này cũng được Hà Nội, TP.HCM, Khánh Hòa, Quảng Ninh… quán triệt. Với những nỗ lực đó, kỳ vọng giải ngân vốn đầu tư công sẽ tích cực hơn trong thời gian tới, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đầu tư công, theo các chuyên gia kinh tế, vẫn là một động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế Việt Nam./.

Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước hàng năm vẫn là khâu yếu, chưa sát với khả năng thực hiện, tỷ lệ giải ngân chưa đạt theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Chưa kể, còn có tình trạng cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không thực hiện đầy đủ chức năng, quyền hạn trong thực thi công vụ, gây ách tắc trong công tác tổ chức thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top