Việc mở rộng địa giới hành chính TP. HCM thông qua sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu mở ra tiềm năng hình thành một "siêu đô thị" ven biển quy mô gần 7.000km2, dân số trên 14 triệu người. Tuy nhiên, khoảng cách, thời gian di chuyển kéo dài và hạ tầng kết nối vùng còn hạn chế đang là những thách thức lớn.
Theo báo Pháp Luật TP. HCM, Công ty Tư vấn Quốc tế enCity là đơn vị tham gia lập quy hoạch cho TP. HCM vừa đề xuất xây dựng tuyến hạ tầng phức hợp nối trung tâm thành phố qua Cần Giờ đến Vũng Tàu. Điểm nhấn của phương án là tuyến đường sắt và đường bộ kết hợp, vận hành đa phương tiện, đồng thời vượt biển bằng công trình phức hợp cầu - hầm, tối ưu chi phí đầu tư và đảm bảo hiệu quả khai thác mà không cản trở luồng tàu biển hiện hữu.

EnCity đề xuất bổ sung đoạn tuyến chiến lược Cần Giờ - Vũng Tàu (cũ) nay là TP.HCM. Nguồn: enCity
Hiện nay, kết nối giữa TP. HCM và khu vực Vũng Tàu trước kia chủ yếu dựa vào đường bộ vòng xa (mất 2–3 giờ) hoặc phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu (8.400 lượt khách/ngày). Trong khi đó, dự báo nhu cầu đi lại giữa hai khu vực này sẽ tăng mạnh, đạt gần 100.000 lượt/ngày vào năm 2035, khi hàng loạt dự án như khu đô thị lấn biển Cần Giờ (2.870ha, dân số dự kiến 228.000), cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (571 ha, 6.000–8.000 việc làm) và khu đô thị – cảng Vũng Tàu đi vào hoạt động.
Ông Nguyễn Đình Nên – chuyên gia cao cấp về quy hoạch giao thông tại enCity cho rằng, mạng lưới đường sắt xuyên suốt, đồng bộ là chìa khóa để vận hành siêu đô thị hiệu quả, giảm thời gian di chuyển xuống dưới 60 phút, kết nối các đầu mối quan trọng như cảng biển, sân bay, khu công nghiệp, đồng thời hình thành hành lang phát triển chiến lược ven biển.
Theo ông Nên, bài học từ công trình Øresund nối Copenhagen (Đan Mạch) và Malmö (Thụy Điển) kết hợp cầu và hầm, giảm thời gian di chuyển từ 1 giờ phà xuống 35 phút bằng tàu cho thấy mô hình kết hợp này vừa khả thi, vừa tạo ra lợi ích kinh tế – xã hội lớn.

Theo chuyên gia, xây dựng cầu/hầm vượt biển Cần Giờ là ý tưởng táo bạo nhưng cần thiết. Ảnh minh họa
Hiện TP. HCM đã có định hướng tuyến metro tốc độ cao từ Quận 7 đến Cần Giờ, do Vingroup nghiên cứu, với tổng vốn hơn 4 tỷ USD. Tuyến dài gần 49km, thiết kế hoàn toàn trên cao, tốc độ tối đa 250km/h, dự kiến rút ngắn thời gian từ Phú Mỹ Hưng đến Cần Giờ còn 16 phút, năng lực vận chuyển 30.000–40.000 hành khách/giờ/hướng. Dự án dự kiến khởi công năm 2026.
Từ đó, enCity đề xuất kéo dài tuyến đường sắt này từ Cần Giờ đến Vũng Tàu, chạy trên công trình vượt biển kết hợp cầu và hầm. Công trình này tích hợp cả đường sắt và đường bộ, đáp ứng nhu cầu vận tải đa dạng, tạo trục giao thông huyết mạch mới, đồng thời rút ngắn hành trình từ TP. HCM đi Vũng Tàu khoảng 40km so với quy hoạch hiện tại.
Ngoài tuyến đường sắt, TP. HCM cũng đã quy hoạch tuyến đường ven biển dài hơn 56km, trong đó đoạn đi qua TP dài 45,5km, nối Gò Công Đông (Tiền Giang) – Cần Giờ – Đồng Nai – Vũng Tàu. Một phương án đầu tư đáng chú ý là kết hợp đường ven biển với cầu vượt biển nối thẳng Cần Giờ - Vũng Tàu, tổng vốn ước tính khoảng 62.000 tỷ đồng.
Theo báo Pháp Luật TP. HCM, TS Võ Kim Cương – nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP. HCM nhận định, xây dựng cầu/hầm vượt biển Cần Giờ là ý tưởng táo bạo nhưng cần thiết, giúp đưa Cần Giờ trở thành động lực tăng trưởng mới, đồng thời tạo điều kiện hình thành một quần thể đô thị - cảng - logistics - dịch vụ - du lịch liên hoàn, nâng cao năng lực cạnh tranh của TP. HCM ở tầm khu vực và quốc tế.