Sáng 9/7, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt đã chủ trì phiên họp trực tuyến lần thứ 3 của Ban Chỉ đạo.
Hiện cả nước đang triển khai nhiều dự án đường sắt trọng điểm, gồm: tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; tuyến Hà Nội - Lạng Sơn và Hải Phòng - Móng Cái; dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; cùng các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. HCM.
Tại phiên họp thứ 2 trước đó, Thủ tướng đã giao 48 nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương để đẩy nhanh tiến độ các dự án.
Đến nay, 23 nhiệm vụ đã hoàn thành; 17 nhiệm vụ thường xuyên đang được thực hiện; 7 nhiệm vụ chậm tiến độ và 1 nhiệm vụ chưa đến hạn. Nhiều nội dung quan trọng đã hoàn tất, như trình Quốc hội thông qua Luật Đường sắt; trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 106/NQ-CP, 127/NQ-CP và Nghị định số 123/2025/NĐ-CP về cơ chế, tiêu chuẩn kỹ thuật của một số dự án đường sắt.
Các cơ quan cũng đã trình dự thảo Nghị quyết triển khai Nghị quyết số 188/2025/QH15 về cơ chế đặc thù phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP. HCM; trình Quốc hội bổ sung các hình thức đầu tư vào dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (Nghị quyết số 227/2025/QH15).

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt, chủ trì Hội nghị trực tuyến phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Song song, các địa phương đang hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi, triển khai giải phóng mặt bằng cho tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và tuyến Bắc - Nam tốc độ cao, chuẩn bị khởi công tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng vào tháng 12/2025.
Tại phiên họp, các Bộ, ngành, địa phương báo cáo tiến độ cụ thể về các nội dung: lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật, giải phóng mặt bằng, xây dựng tiêu chuẩn quốc gia cho đường sắt tốc độ cao, lựa chọn phương thức đầu tư… Nhìn chung, tiến độ được đánh giá tích cực.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận nỗ lực của các thành viên Ban Chỉ đạo, các Bộ, ngành, địa phương - đặc biệt là Bộ Xây dựng trong triển khai nhiệm vụ. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra một số tồn tại, yêu cầu Ban Chỉ đạo tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc thống nhất chủ trương, trong khi các Bộ, ngành, địa phương phải cụ thể hóa, ban hành quyết định theo đúng pháp luật, đảm bảo tiến độ, hiệu quả, bám sát thực tiễn. Những vấn đề vượt thẩm quyền phải kịp thời báo cáo cấp trên.
Thủ tướng yêu cầu Hà Nội và TP. HCM triển khai các dự án theo cơ chế đặc thù của Quốc hội, nếu gặp vướng mắc ngoài thẩm quyền thì báo cáo Chính phủ.
Ông nhấn mạnh vai trò của các dự án đường sắt trong việc mở ra không gian phát triển mới, giảm chi phí logistics, hiện đại hóa đất nước, thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm và sinh kế cho người dân.
Thủ tướng quán triệt tinh thần “làm đến nơi đến chốn, việc nào dứt việc đó”, vừa làm vừa điều chỉnh, không cầu toàn, không nóng vội, làm chắc, hiệu quả, khoa học, an toàn, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; triển khai nhiều nhiệm vụ nhưng phải có thứ tự ưu tiên rõ ràng.
Cụ thể, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng hoàn thành xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước ngày 20/7/2025; Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, công bố các tiêu chuẩn trước ngày 10/8/2025 dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng. Các phương án đầu tư sẽ được đề xuất theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Hồ Đức Phớc.
Đối với giải phóng mặt bằng đã được tách khỏi dự án đầu tư, Thủ tướng yêu cầu địa phương chủ động chỉ đạo các cấp xã, phường, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Ông yêu cầu chuẩn bị, khảo sát địa chất, xây dựng hướng tuyến chủ động, không trông chờ, tổ chức ra quân đồng loạt giải phóng mặt bằng cho tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và tuyến Bắc - Nam tốc độ cao vào dịp 19/8/2025, hoàn thành muộn nhất cuối năm 2026.
Thủ tướng cũng giao Bộ Ngoại giao đẩy nhanh tổ chức cuộc họp Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam - Trung Quốc để thúc đẩy các dự án kết nối đường sắt hai nước; các Bộ, ngành chủ động chuẩn bị phương án, huy động tài chính cho các dự án; đồng thời giao Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc về vốn ODA, đảm bảo cơ chế thông thoáng, ưu tiên hậu kiểm thay vì tiền kiểm.