Aa

Phương án tăng vốn chưa được duyệt, "Big 4" ngân hàng bị ảnh hưởng thế nào?

Chủ Nhật, 17/11/2019 - 06:23

Uỷ ban Kinh tế Quốc hội vừa hoàn thành báo cáo thẩm tra về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp...

Phương án tăng vốn của các ngân hàng chưa được phê duyệt đã ảnh hưởng tới dư địa tăng trưởng của các ngân hàng như thế nào là vấn đề được Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ làm rõ.

Theo Chính phủ, nâng cao năng lực tài chính là vấn đề trọng tâm lớn của cả khối Ngân hàng thương mại nhà nước - Ảnh minh hoạ.

Uỷ ban Kinh tế vừa hoàn thành báo cáo thẩm tra về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2018, nội dung đã được Chính phủ gửi đến Quốc hội từ đầu kỳ họp.

Tại đây, Chính phủ cho biết, vấn đề nâng cao năng lực tài chính là vấn đề trọng tâm lớn của cả khối Ngân hàng thương mại nhà nước (bốn ngân hàng lớn hay còn gọi là "Big 4 ngân hàng - PV).

Theo đánh giá của Chính phủ, hiện tại phương án tăng vốn của các ngân hàng chưa được phê duyệt đã ảnh hưởng tới dư địa tăng trưởng của các ngân hàng cũng như áp lực tăng chi phí vốn do thực hiện các biện pháp bù đắp nhu cầu nâng cao năng lực tài chính như phát hành trái phiếu thứ cấp, tăng nguồn tiền gửi trung dài hạn.

Cùng thời điểm đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng gửi báo cáo đến Quốc hội. Theo báo cáo này thì đến cuối tháng 8/2019, vốn điều lệ của 4 ngân hàng gồm Agribank, Vietcombank, Vietinbank, BIDV đạt 139 nghìn tỷ đồng, tăng 0,8% so với cuối năm 2018. Tổng tài sản đạt 5.081 nghìn tỷ đồng, tăng 5,29% so với cuối năm 2018, chiếm 43,01% toàn hệ thống; cho vay thị trường 1 đạt 3.652 nghìn tỷ đồng, chiếm 47,9% toàn hệ thống.

Tuy nhiên, khó khăn được Thống đốc nhấn mạnh là việc mở rộng tín dụng của các ngân hàng thương mại nhà nước bị hạn chế do phải đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn trong điều kiện vốn điều lệ của các ngân hàng này chậm tăng trưởng, đặc biệt là đối với Agribank và Vietinbank.

Thống đốc cũng cho biết Ngân hàng Nhà nước đề xuất Chính phủ kiến nghị Quốc hội sửa Nghị quyết số 25/2016/QH14, Nghị quyết số 26/2016/QH14, Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 hoặc ban hành một nghị quyết mới theo hướng cho phép sử dụng ngân sách nhà nước để tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước (không bao gồm 3 ngân hàng mua bắt buộc).

Tuy nhiên, vấn đề này chưa có trong chương trình nghị sự của kỳ họp Quốc hội đang diễn ra.

Tại nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2019 mới phát hành, Chính phủ giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội về phương án tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước.

Trong báo cáo thẩm tra phát hành ngày 14/11, Uỷ ban Kinh tế cho rằng, việc các ngân hàng thương mại nhà nước không được cấp vốn để tăng vốn điều lệ hoặc không được giữ lại lợi nhuận để tăng vốn làm hạn chế việc duy trì vai trò là lực lượng chủ lực, chủ đạo về quy mô, thị phần, khả năng điều tiết thị trường, góp phần thực hiện chính sách tiền tệ, phục vụ mục tiêu ổn định vĩ mô, hỗ trợ cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém.

Uỷ ban thẩm tra đề nghị Chính phủ phân tích và chỉ rõ nguyên nhân của việc phương án tăng vốn của các ngân hàng chưa được phê duyệt đã ảnh hưởng tới dư địa tăng trưởng của các ngân hàng như thế nào, từ đó có hướng khắc phục trong thời gian tới.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top