Aa

Chưa đưa việc tăng vốn cho “Big 4” ngân hàng vào nghị quyết

Thứ Hai, 11/11/2019 - 17:12

Như vậy, hướng bố trí ngân sách nhà nước để tăng vốn cho nhóm ngân hàng này đã có thông tin từ diễn đàn Quốc hội.

Sáng nay (11/11), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh báo cáo trước khi Quốc hội thông qua nghị quyết kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2020, trong đó có nội dung về việc tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước.

Ông Thanh cho biết, quá trình góp ý dự thảo nghị quyết có ý kiến đề nghị bổ sung giải pháp tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước vào dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, việc tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước là việc hệ trọng, đang được thẩm tra, báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo đúng quy trình. Do vậy, xin chưa thể hiện nội dung trên trong dự thảo nghị quyết.

Ảnh minh họa.

Liên quan đến nội dung này, tại cả hai kỳ họp Quốc hội trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước đều kiến nghị cho phép sử dụng ngân sách nhà nước để tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước.

Tại báo cáo trước thềm kỳ họp này, Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng, việc nâng cao năng lực tài chính thông qua tăng vốn điều lệ của ngân hàng thương mại nhà nước nhằm đảm bảo vai trò chủ đạo của các ngân hàng này trên thị trường tài chính tiền tệ thời gian qua gặp nhiều khó khăn.

Tổng số vốn cần đầu tư, bổ sung cho các ngân hàng thương mại nhà nước là khá lớn để đảm bảo đáp ứng yêu cầu tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo Basel II trong khi nguồn lực Nhà nước có thể được sử dụng để tăng vốn cho các ngân hàng này cũng hết sức hạn chế.

Nhằm tạo điều kiện triển khai có hiệu quả Nghị quyết 42 và Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đề xuất Chính phủ kiến nghị Quốc hội sửa Nghị quyết số 25/2016/QH14, Nghị quyết số 26/2016/QH14, Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 hoặc ban hành một Nghị quyết mới theo hướng cho phép sử dụng ngân sách nhà nước để tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước (không bao gồm 3 ngân hàng mua bắt buộc).

Mặc dù chưa thực hiện giải pháp như đề nghị của Thống đốc, nhưng nghị quyết của Quốc hội vẫn đưa ra yêu cầu liên quan đến lĩnh vực ngân hàng.

Cụ thể, định hướng từ Quốc hội nêu yêu cầu tiếp tục triển khai cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, quyết liệt xử lý các ngân hàng yếu kém; tăng cường sự phối hợp của các cơ quan hữu quan trong quá trình xử lý nợ xấu; tăng cường hiệu quả, hiệu lực hoạt động thanh tra, giám sát tổ chức tín dụng; phát triển công nghệ ngân hàng hiện đại và thanh toán điện tử.

Cùng đó, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp đồng bộ, hiệu quả với chính sách tài khóa, phấn đấu kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020; nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế; phấn đấu tăng dự trữ ngoại hối nhà nước.

Như vậy, về vấn đề bố trí ngân sách nhà nước để tăng vốn cho “Big 4” ngân hàng thương mại nhà nước (gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV) trước mặt vẫn chưa thể thực hiện.

Theo đó, dự kiến hai trường hợp là Agribank và VietinBank sẽ gặp khó khăn trong tăng vốn điều. Agribank hiện 100% vốn nhà nước, đang xúc tiến kế hoạch cổ phần hóa. VietinBank thì hiện đã sử dụng hết các giới hạn về tăng vốn như tỷ lệ sở hữu nhà nước đã giảm tối đa, tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài cũng đã được lấp đầy.

Còn Vietcombank và BIDV, hai thành viên này đã lần lượng tăng vốn điều lệ thành công thời gian gần đây; trong đó BIDV vừa thực hiện chào bán xong 15% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài và thu về khoản thặng dư lớn cùng vốn điều lệ tăng thêm.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top