Chẳng biết tự bao giờ, hoa phượng được gán cho tuổi học trò, cái tuổi ngây thơ, hồn nhiên trong trắng. Mà tôi cũng chả biết, phượng với thời áo trắng, ai đẹp hơn ai…
Ấy là theo lối nói ước lệ vậy thôi, chớ cái thời học sinh chúng tôi, ngay cả đám con gái cũng lấy đâu ra áo trắng. Mà có áo trắng cũng chẳng dám mặc, kỷ luật phòng không thời chiến ngày ấy nghiêm lắm, mặc áo trắng máy bay địch dễ phát hiện ra, nên ngay đến cái nón trắng đi làm đồng cũng phải làm cho nó bớt trắng đi, phải bôi phẩm xanh hay gài lá cây ngụy trang nữa là…
Ấy vậy mà không hiểu sao, cứ nói đến tuổi học trò là nghĩ đến tà áo trắng bay bay trong gió thu, chẳng biết có phải ám ảnh bởi câu hát “ngày khai trường áo lụa gió thu bay”, hay bởi cái tuổi học trò trong sáng, lúc nào cũng trong veo như nắng mai…
Và cứ nhìn thấy tà áo trắng với cánh phượng hồng, là lại cồn cào nỗi nhớ… Và đôi môi mấp máy:
Nếu có ước muốn trong cuộc đời này
Hãy nhớ ước muốn cho thời gian trở lại
Bên nhau tháng ngày, cho nhau những hoài niệm
Để nụ cười còn mãi lắng trên hàng mi, trên bờ môi…
(Mong ước kỷ niệm xưa – Nguyễn Xuân Phương)
Thực ra, cái lứa học trò tuổi tôi ở nông thôn ngày ấy chưa biết gì đến phượng. Lớp vỡ lòng thì học ở chùa làng với ông giáo làng sáng dạy học chiều lại dắt trâu đi cày ruộng. Lên cấp 1 cấp 2 thì cũng vẫn là lớp học sơ tán tản ra các đình, chùa, nhà thờ để tránh bom. Một mặt là tránh máy bay, một mặt là do hợp tác lúc ấy cũng nghèo, đỡ được tiền xây dựng trường lớp tí nào hay tí ấy. Và có lẽ trong thâm tâm của người lớn khi ấy cũng có tâm lý muốn nhờ sự chở che của Thần Phật nữa…
Rồi lên cấp 3, năm đầu vẫn học trong trường sơ tán lẫn vào thôn xóm, cả tuần đi học đến chủ nhật lại lao động quần quật gánh đất đổ nền dựng lên ngôi trường mới. Rồi khi người lớn dựng nhà xong thì tự tay chúng tôi lại hì hụi lấy bùn trát vách cho chính ngôi nhà của lớp mình… Học chưa ấm chỗ đã đến ngày thi. Sân trường chưa có bóng cây, lấy đâu ra phượng.
Ấy vậy mà phượng như đã in vào tâm khảm… Để rồi lúc chưa kịp nhận giấy gọi đại học, mới chỉ kịp nghe ban tuyển sinh huyện báo đủ điểm đi học nước ngoài thì tôi đã lên đường nhập ngũ. Để rồi lúc chia tay ngôi trường thân thương, cũng biết “ngọng nghịu đứng làm thơ”:
Cái tuổi học sinh là vòm lá xanh
Rất nhiều mơ ước
Cháy đỏ lên là chùm hoa phượng
Tiếng trống trường náo nức những mùa thi…
Để rồi trên đường hành quân, thoáng gặp cánh phượng hồng là lại nôn nao nhớ… Cái nắng mùa khô miền Tây như rang, cả ngày lăn trên bãi tập; buổi trưa nếu không hành quân cũng phải chui vào gầm giường tránh nắng, lại còn dấp ướt chiếu trải lên trên giường cho bớt nóng, vẫn nghe tiếng mái tôn nổ lanh tanh… Vậy mà cái màu hoa đỏ cứ cháy lên rừng rực, cháy thao thiết hết mình… Vậy mà vẫn lén nhặt cánh phượng hồng ép vào cuốn sổ…
Để rồi mãi sau khi đã yên ấm cửa nhà, sự nghiệp, bỗng nhớ đến nhau và mỗi lần họp lớp vào 30/4, lại rủ nhau vào quán karaoke, nghêu ngao Phượng hồng:
Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng
Em chở mùa hè của tôi đi đâu
Chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi mười tám
Thủa chẳng ai hay thầm lặng mối tình đầu…
(Phượng hồng – Vũ Hoàng và Đỗ Trung Quân)
Để rồi khi đã làm ông làm bà, chạnh lòng nhớ chút tình thủa học trò, các bà các cô ghiền phim ngôn tình và nhạc bolero lại lẩm bẩm một mình:
Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn
Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương
…Màu hoa phượng thắm như máu con tim
Mỗi lần hè sang kỷ niệm
Người xưa biết đâu mà tìm…
(Nỗi buồn hoa phượng – Thanh Tuyền)
Thực ra là hát theo thói quen vậy thôi, là hát theo ca từ nghe riết thành quen, chớ cứ nghĩ đến cái “thủa chẳng ai hay thầm lặng mối tình đầu”, “giữa giờ chơi mang đến lại mang về” thì chỉ có là tủm tỉm cười một mình. Cái màu áo trắng ấy, dẫu chỉ là trong tâm tưởng và cái màu hoa đỏ cháy đến hết mình với khát vọng dâng hiến ấy, tất cả đều trong veo một hoài niệm, ai mà buồn cho được…
Bây giờ, hình như lớp trẻ dự cảm được điều ấy, nên chúng cứ hồn nhiên mà cháy hết mình trong cái thời áo trắng. Nào là picnic, nào là kỷ yếu, gần đây lại còn cả cổ trang… Nhưng chụp gì thì chụp, vẫn không thể thiếu phượng hồng. Sân trường không có phượng, hay phượng không đẹp, thì đến cây phượng cổ thụ trong công viên Thống Nhất…
Thế là, nhớ thời áo trắng, nhớ cánh phượng hồng, cứ hè đến là tôi hay vác máy ra công viên Thống Nhất chụp hoa phượng, may gặp được tốp nữ sinh đi chụp kỷ yếu thì bắn ké vài kiểu. Và tôi thường gặp một anh thợ ảnh đi chụp kỷ yếu, rất nhiệt tình hướng dẫn các nữ sinh tạo dáng, khi chụp xong lại nhường tôi góc đẹp…, dù chẳng quen biết nhau. Rồi tôi chợt nghĩ, trước những cánh phượng thao thiết cháy kia, trước những tà áo “trắng cả giấc mơ” ấy, ai chẳng nâng niu…
Năm nay, hè về đúng lúc dịch bùng phát dữ dội trong cả nước. Bản tin sáng tối trên truyền hình cứ sôi sùng sục, nơi này giãn cách, nơi kia cách ly, học sinh phải học online hết đợt này đến đợt khác, đến lớp còn chả được đến, lấy đâu ra chụp ảnh kỷ yếu.
Như đàn cò kếu nhớ mùa di trú, tôi tha thẩn ra công viên Thống Nhất cho đỡ cuồng chân, nhưng công viên cũng đóng cổng để tránh tập trung đông người. Một chiều, tôi lang thang đến khu trường gần nhà… Bỗng giật mình…
Phượng năm nay xơ xác… Tôi giơ máy chụp mà thấy xót xa.
Lòng lại thì thầm:
Cánh phượng hồng ngẩn ngơ
Mùa hè đến trường khắc nỗi nhớ trên cây
Và mùa sau biết có còn gặp lại
Ngày khai trường áo lụa gió thu bay…
(Phượng Hồng)
Và, tôi lại thấy thấp thoáng bóng những nữ sinh xứ Huế nổi tiếng với tà áo dài và chiếc nón bài thơ:
Những nàng kiều nữ sông Hương,
Da thơm là phấn, môi hường là son.
Tựu trường san sát chân thon,
Lao xao nón mới màu sơn sáng ngời.
Gió thu cứ mãi trêu ngươi,
Đôi thân áo mỏng tơi bời bay lên.
Dịu dàng những ngón tay tiên,
Giữ hờ mép áo làm duyên qua đường.
(Tựu trường – Nguyễn Bính)
Thiếu phượng sẽ không thành mùa hè. Nhưng vắng những tà áo trắng cũng không còn là phượng… Sân trường hiu hắt. Những cây phượng già ngơ ngác.
Chỉ mong cho dịch chóng qua. Để phượng lại thắm sân trường, để những tà áo trắng lại bay bay trong gió thu…
*Trong bài có sử dụng một số hình ảnh chụp trước giai đoạn hạn chế tập trung đông người vì dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp*