Tôi không sinh ra ở Hà Nội, cũng không lớn lên ở Hà Nội. Tôi là một người nhà quê chính hiệu, chất nhà quê đặc sệt đến tận bây giờ. Nhưng ngày trước, cứ nghỉ hè là ông và cậu tôi lại về quê, một vài tháng sau thì quay lên Hà Nội. Năm tôi chín, mười tuổi thì cậu tôi dắt tôi theo, “lên Hà Nội chơi với bà”, vì bà tôi không bao giờ về quê.
Nhà bà tôi ở dốc Cầu Giấy, thụt sâu xuống dưới, nóc nhà chỉ ngang mặt đường, có cái hầm tăng xê tránh bom ngay cạnh gốc cây quất hồng bì mà ở quê chị em tôi gọi là cây nhâm. Phía cuối đường tàu điện, ngay góc phố có cái máy nước công cộng mà mỗi khi theo bọn trẻ con hàng phố nhà bà tôi vào chơi trong công viên Thủ Lệ về, tôi thường ghé vào vòi nước tu một hơi cho bõ cơn khát. Quá góc phố ấy một chút là bãi than cám. Ngày ấy các bếp ăn tập thể thường đun bằng bếp than, bà tôi cùng bà Hai cạnh nhà làm nghề chở than thuê cho các trường như Tuyên giáo, Sư phạm… Tôi nhớ như in hình bóng bà tôi với chiếc nón đã sờn đội đầu, mặc áo cánh nâu và ngang lưng buộc chiếc khăn moi đen, ngày này sang ngày khác lầm lũi kéo xe than nuôi các dì, các cậu ăn học…
Ngày ấy, tôi cũng hay theo trẻ con hàng phố nhảy tàu điện lên Bờ Hồ, chơi quanh quẩn một lúc rồi về. Khi về thường ghé xuống Cửa Nam, mua một que kem đậu xanh rồi đứng góc phố ăn kem, mát đến tận gan ruột. Thi thoảng có buổi tối, dì út lại đưa tôi đi ăn ốc xu. Không phải là ốc mít, ốc đá như bây giờ, mà là những con ốc to bằng đầu đũa, dài cỡ ngón tay út, vặn… xoắn chôn ốc. Dì hay dắt tôi vào mẹt ốc của một bà già gần Bờ Hồ, chỗ góc phố Hàng Gai - Tô Tịch. Khi ăn, lấy đồng 5 xu có lỗ ở giữa bẻ chôn ốc rồi mút lấy ruột. Ruột ốc tí xíu chỉ nhỉnh hơn đầu tăm có dải màu xanh, nhai giòn giòn, sần sật và hơi có vị đăng đắng. Tôi thường thích thú khi hít hà cái vị chua chua, ngòn ngọt, thơm dìu dịu của nước ốc hơn…
Sau, máy bay Mỹ bắn phá miền Bắc ác liệt, u không cho tôi theo cậu lên Hà Nội nữa. Ông tôi định đưa tôi lên nhập khẩu thành phố để lấy sổ gạo, phiếu vải “cho đỡ đói rách”, nhưng u tôi cũng không chịu…
Bây giờ, cái quầy kem Cửa Nam không còn nữa. Hàng ốc xu cũng không còn nữa, nhưng sáng sáng vẫn có một bà già ngồi góc phố Tô Tịch trước cửa hiệu “Tinh Hoa khắc dấu”, cùng gánh bánh cuốn Thanh Trì với thức chấm nước mắm cà cuống đặc trưng không thể trộn lẫn. Mấy năm nay không thấy bà già gánh bánh cuốn đi bán nữa, thay vào đó là một cô gái chân quê, nhưng góc đường bên kia lại có thêm một anh hàng tào phớ…
Góc phố nhỏ chếch cửa nhà bà tôi cũng không còn nữa. Dốc Cầu Giấy giờ mở rộng thênh thang, trở thành một nút giao thông hiện đại. Các cậu tôi chuyển vào tái định cư ở khu 17 héc ta. Nhà bà tôi còn sót một mảnh nhỏ, giờ cậu em con dì tôi mở phòng khám Tai – Mũi – Họng. Bà tôi không còn nữa, nhưng tôi vẫn nhớ dáng bà kéo xe than với chiếc nón đã sờn và chiếc khăn moi đen buộc ngang lưng… Tôi lại càng nhớ cái góc phố thân thương có cái máy nước công cộng mà buổi chiều khi xếp hàng lấy nước, dì và cậu tôi vẫn thường tranh luận về cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967 trên bán đảo Sinai, còn tôi thì cứ nghếch mặt lên hóng mà chả hiểu đầu cua tai nheo ra sao…
Nhớ góc phố xưa, bây giờ tôi hay lang thang ra khu phố cũ, lên khu phố cổ, khác chăng là có cái máy ảnh trong tay để “thích gì thì chụp”. Cũng không hiểu sao, tôi lại cứ thích chụp các góc phố. Những góc phố ngày xưa thường có cái máy nước công cộng là một chiếc ụ bằng xi măng, đầu trên uốn vòng như tấm bia, trông lại nhác giống cột cây số, có cái vòi nước chìa ra cho cả một khu phố dùng chung. Thường thì đây là nơi đông vui nhộn nhịp nhất phố, đến tận khuya nhiều khi vẫn còn có người ra giặt quần áo. Và có không ít mối tình nảy nở sau những lần gặp gỡ nơi nguồn nước này.
Bây giờ không còn sót lại chiếc máy nước công cộng nào. Nhưng tại các góc phố vẫn còn đó những cây cột điện, bằng bê tông của thời mới có, cả cây cột bằng sắt từ thời Pháp thuộc cũng có, với chằng chịt dây điện như mạng nhện và cả đôi loa phường chõ về hai phía sáng chiều liên tục thông báo về Covid-19 và nhắc nhở thực hiện 5K để phòng chống dịch. Góc phố bây giờ lại có lợi thế của “hai mặt đường”, nhưng vẫn tíu tít các món quà sáng và tinh khôi những giọt nắng mai. Và vẫn là nơi dừng chân của những cô hàng rong dịu dàng uốn cong đòn gánh hay chiếc xe đạp kĩu kịt mùa nào thức nấy, thích nhất là những chiếc xe đạp rong rực rỡ bốn mùa hoa mà tưởng như chỉ Hà Nội mới có…
Thế rồi, tôi lại bỗng thấy tiêng tiếc khi biết quận Hoàn Kiếm có kế hoạch hạ ngầm các đường cáp điện, dây viễn thông… trong khu phố cổ. Không còn “mạng nhện” chằng chịt, phố xá phong quang hơn, văn minh hơn, sạch sẽ hơn, nhưng người Hà Nội cũ sẽ thấy thiêu thiếu một cái gì đó làm nên hồn cốt của những góc phố dịu dàng. Thế là tôi cứ thầm ước, thôi thì “mạng nhện” cứ dọn dẹp, đường dây cứ hạ ngầm, nhưng nên chăng ở một con phố, hay chí ít ở một góc phố như Hàng Bạc hay Tạ Hiện… chẳng hạn, thành phố giữ lại, hay phục dựng tái hiện lịch sử với hai cây cột điện bằng bê tông và bằng sắt tượng trưng cho hai giai đoạn, cùng đôi loa phường đặc trưng và mớ “mạng nhện” chằng chịt, nếu có thêm cái máy nước công cộng càng tốt, để làm di sản. Như vậy, chẳng những góc phố ấy sẽ trở thành điểm check-in thú vị của du khách khi về Hà Nội với ba mươi sáu phố phường, mà còn là nơi để các thế hệ sau hình dung được rõ ràng về một giai đoạn lịch sử của ông cha.
Và trong lòng những người yêu Hà Nội sẽ mãi còn một góc phố dịu dàng, cả trong ký ức và hiện hữu trong cuộc sống hằng ngày…