Aa

PVCombank: “Chìm thuyền” vì cổ đông không đoàn kết?

Thứ Hai, 09/04/2018 - 11:02

Mặc dù cổ đông rất quyền lực nhưng vì sự kết nối lỏng lẻo chính là mấu chốt của những rắc rối về tài chính, cổ phần hóa khó và cũng là nguyên nhân "vùi chết" dự án đất vàng của ngân hàng PVCombank.

Tại sao một cổ đông được quyền nắm 52% vốn?
Tính đến ngày 6/4, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) vẫn đang là cổ đông lớn nhất, nắm giữ 52% vốn tại Ngân hàng TMCP Đại Chúng (PVcomBank). Tuy nhiên, đây là điều vô lý.

Luật các Tổ chức tín dụng quy định, ngân hàng thương mại cổ phần tối thiểu phải có 100 cổ đông, trong đó ít nhất 3 pháp nhân. Cổ đông cá nhân chỉ được nắm giữ tối đa 5% vốn điều lệ; cổ đông tổ chức được nắm giữ tối đa 15% vốn điều lệ; cổ đông và những người có liên quan không được sở hữu vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Như vậy, PVN đang nắm gấp 3,5 lần so với quy định.

Chưa kể, với số lượng cổ phần mà một cổ đông lớn nắm quyền chi phối quá lớn, PVcombank đang phải đối mặt với quá nhiều rủi ro. Đặc biệt, cổ đông lớn này lại đã từng “dìm sống” Oceanbank.

Ngày 10/3/2016, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận tiếp tục thực hiện tái cơ cấu PVcomBank giai đoạn 2016 - 2020 và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiếp nhận đại diện chủ sở hữu phần vốn của PVN tại ngân hàng này sau khi hoàn thành Đề án tái cơ cấu PVcomBank (Đề án này đã được NHNN phê duyệt chính thức vào ngày 3/6/2016). Nếu cổ phần tại PVcombank của PVN được đưa về NHNN, PVCombank chưa rõ có hấp dẫn hay không khi IPO!

 

Long đong” với đất vàng vì cổ đông “lũng đoạn”?

Theo ghi nhận của phóng viên, cho tới thời điểm hiện tại, hơn 3000m2 đất tại số 1A Láng Hạ vẫn đắp chiếu nhiều năm nay. Tại dự án này, PVcombank vẫn còn nhiều liên đới bị hớ hàng trăm tỷ đồng, vướng vòng kiện cáo, con nợ khó đòi,… cũng chỉ vì sự lũng đoạn của nhóm cổ đông lớn.

Ngày 22/10/2011, Western Bank đã tổ chức lễ khởi công dự án Western Bank Tower tại 1A Láng Hạ - sẽ là trụ sở của Ngân hàng với diện tích đất rộng 3.709m2. Western Bank (sau khi sáp nhập với PVFC trở thành PVCombank bây giờ) đã mua lại công ty sở hữu miếng đất này từ cổ đông lớn (nhóm cổ đông liên quan đến ông Đặng Thành Tâm và Kinh Bắc) với giá gấp 3 lần chỉ sau 3 năm. Năm 2008, trong đợt tăng vốn từ 200 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng của Western Bank, các bên liên quan tới Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (Mã cổ phiếu: KBC) của ông Đặng Thành Tâm đã tham gia đầu tư vào Western Bank, với tỷ lệ nắm giữ công khai có lúc gần 1/3.

hơn 3000m2 đất tại số 1A Láng Hạ vẫn đắp chiếu nhiều năm nay.

Ô đất tại số 1A Láng Hạ "biến tướng" thành bãi gửi xe.

Tháng 9/2009, Kinh Bắc cùng hai công ty con mua lại toàn bộ cổ phần Công ty CP Đầu tư Láng Hạ - chủ đầu tư dự án 1A Láng Hạ - với giá chuyển nhượng 357,02 tỷ đồng. Sau nhiều lần được KBC làm phép, đến tháng 6/2011, Western Bank lại mua gần hết cổ phần tại Công ty CP Đầu tư Láng Hạ (chủ đầu tư dự án 1A Láng Hạ) với tổng giá trị thương vụ là 1.003,9 tỷ đồng. Như vậy, cổ đông của Western Bank bỏ túi gần 700 tỷ đồng từ mảnh đất 1A Láng Hạ.

Theo thông tin trên tờ Nhà Đầu tư, Western Bank sau đó đã nhượng lại dự án cho một công ty con của ông Đặng Thành Tâm (Công ty CP Đầu tư và Phát triển Nhà máy điện Sài Gòn Bình Thuận) với đúng giá mua. Ngoài ra, Sài Gòn - Bình Thuận đồng thời cam kết mua lại toàn bộ 4 khoản góp vốn khác của Western Bank vào các công ty liên quan tới ông Đặng Thành Tâm, với tổng giá trị 700 tỷ đồng. Ở diễn biến cùng chiều, Kinh Bắc bắt đầu ứng trước tiền mua cổ phần cho PVCombank, với số dư tới cuối năm 2016 là 191,7 tỷ đồng, tăng lên 211,8 tỷ đồng cuối năm 2017.

Trong trường hợp thực hiện đúng cam kết, tập đoàn của ông Đặng Thành Tâm sẽ đối mặt với sức ép tài chính không nhỏ trong năm 2018 (trả thêm khoảng 1.500 tỷ đồng, chưa kể lãi và phạt).

Tại ngày 30/9/2015, theo Đề án tái cơ cấu PVCombank giai đoạn 2016-2020, PVCombank được giữ nguyên nhóm nợ của các bên liên quan tới Western Bank, với dư nợ 2.180 tỷ đồng dù đã quá hạn và phải chuyển nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn.

Vào cuối năm 2015, PVCombank có số dư đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp 5.563 tỷ đồng, trong đó có trái phiếu của nhóm khách hàng là các bên liên quan của Western Bank, được PVCombank phân loại vào nhóm nợ đủ tiêu chuẩn theo Đề án tái cơ cấu được phê duyệt; Ngoài ra còn có khoản uỷ thác đầu tư vào nhóm cổ đông cũ của Western Bank với số tiền 538,5 tỷ đồng và lãi phải thu 260 tỷ đồng cũng được giữ nguyên trạng thái nợ dù không đủ tiêu chuẩn.

Hiện PVCombank là chủ nợ lớn nhất của Kinh Bắc. Một phần không nhỏ các khoản nợ có lịch sử từ thời Western Bank và đã và đang được tái cơ cấu thời gian trả nợ gốc và lãi.

Tới cuối năm 2017, Kinh Bắc còn dư nợ gốc gần 600 tỷ đồng với PVCombank. Số dư lãi vay cũng ở mức khá cao: 1.032 tỷ đồng, chủ yếu là lãi trái phiếu phải trả cho PVCombank. Nợ gốc và lãi đã được gia hạn đến năm 2020.

PVCombank cũng “hết hơi” với dự án này, năm 2015 và 2017, nhà thầu chính của dự án là Công ty Kumho Industrial của Hàn Quốc đã khởi kiện đòi thanh toán cho phần việc đã thi công. Toà án Nhân dân TP. Hà Nội tháng 8/2017 đã chấp thuận phương án PVCombank trả cho Kumho nợ gốc 1,4 triệu USD và lãi chậm trả 184.224 USD./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top