Nửa cuối năm 2013, Tổng công ty CP Tài chính Dầu khí (PVFC) và Ngân hàng Phương Tây (WTB - Western Bank) hợp nhất thành Ngân hàng TMCP Đại chúng (PVCombank), với kỳ vọng sẽ giúp cả hai thoát khỏi cảnh khó khăn.
Vào thời điểm đó, PVFC và WTB là những tổ chức tín dụng yếu kém trong hệ thống, với nợ xấu cao và tình trạng sở hữu chi phối của các cổ đông lớn; ở PVFC là Tập đoàn Dầu khí PVN (78%) và Morgan Stanley (10%), trong khi ở WTB là nhóm ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Tập đoàn Kinh Bắc.
Cho đến nay, báo cáo tài chính được công bố của PVCombank cho thấy nhà băng này vẫn chưa thoát khỏi những khó khăn trong quá khứ, trong bối cảnh ngành ngân hàng nói chung đang hoạt động khởi sắc.
Năm 2016, PVCombank lãi sau thuế 65,5 tỷ đồng, con số khiêm tốn với vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng. Dù vậy, khoản lãi này vẫn chưa phản ánh thực trạng chính xác của 'con lai' giữa PVFC và WTB.
Thu nhập lãi của PVCombank trong năm 2016 là 5.608 tỷ đồng, tuy nhiên báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho thấy số thực thu chỉ là 4.118 tỷ đồng, thấp hơn số báo cáo gần 1.500 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí lãi đã thanh toán là 4.472 tỷ đồng, không chênh nhiều so với chi phí lãi ghi nhận trên bảng kết quả kinh doanh (4.782 tỷ đồng).
Thực trạng này đã kéo dài suốt nhiều năm qua, cho thấy PVCombank cho vay tiền nhưng không thu được lãi, trong khi vẫn phải thanh toán lãi đối với các khoản tiền gửi tương ứng. Nguyên nhân là nợ xấu (tiềm ẩn) không những không được xử lý hiệu quả mà còn tăng lên.
Số dư Tài sản có khác, bao gồm các khoản phải thu, lãi, phí phải thu của PVCombank đã tăng 20% trong năm 2016, lên mức 21.389 tỷ đồng thời điểm cuối năm, chiếm gần 1/5 tổng tài sản (113.958 tỷ đồng); trong đó, lãi phí phải thu tăng từ 8.536 tỷ đồng lên 10.025 tỷ đồng.
Vén màn bí mật các nhóm cổ đông
Ngoài PVN (52%) và Morgan Stanley (6,67%), một báo cáo vừa qua của PVCombank hé lộ thêm các nhóm cổ đông sở hữu đa số phần vốn còn lại của nhà băng này.
Nhóm số 1 gồm Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) có 41,9 triệu cổ phần, tương đương 4,66% vốn PVCombank; Công ty TNHH BĐS HA Quận Ba có 17 triệu CP (1,89%); Lê Minh Tuấn có 14,9 triệu CP (1,66%) và Lê Xuân Học giữ 21 triệu CP (2,34%).
Nhóm số 2 gồm Công ty TNHH Cốc hoá Tây Giang có 44,7 triệu CP (4,97%), Công ty CP Cốc hoá Tây Giang Cao Bằng 42 triệu CP (4,67%) và Cao Hùng Cường giữ 14,4 triệu CP (1,6%).
Nhóm số 3 gồm Công ty CP Đầu tư Địa Việt sở hữu 43,4 triệu CP (4,83%); Trần Quốc Tuấn giữ 1,5 triệu CP (0,17%); Nguyễn Nam Định 25,4 triệu CP (2,83%) và Đỗ Mạnh Tùng 20,2 triệu CP (2,24%).
3 nhóm cổ đông nêu trên sở hữu 31,86% vốn PVCombank. Nếu cộng cả PVN và Morgan Stanley thì con số này lên tới 90,53% - tỷ lệ cô đặc bậc nhất trong hệ thống ngân hàng TMCP hiện nay của Việt Nam.
Đặc biệt, theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, phần lớn các pháp nhân và cá nhân trong 3 nhóm cổ đông trên đều có liên quan đến nhau.
Cụ thể, Công ty CP Cốc hoá Tây Giang Cao Bằng từng là công ty con, do Công ty CP Tập đoàn Tây Giang - một tập đoàn công nghiệp khai khoáng có tiếng ở khu vực phía Bắc - giữ 90% vốn.
Ông Nguyễn Xuân Học, người nắm 21 triệu CP PVCombank, hiện cũng là cổ đông của Cốc hoá Tây Giang Cao Bằng.
Tương tự, Công ty Cốc hoá Tây Giang cũng từng là công ty con của Tập đoàn Tây Giang.
Hiện nay người giữ 55% vốn của Cốc Hoá Tây Giang là bà Trịnh Thị Hà, 2 cổ đông còn lại là Trần Quốc Bảo (40%) và Trần Quốc Tuấn (5%). Ông Trần Quốc Tuấn chính là nhà đầu tư đang sở hữu 1,5 triệu CP PVCombank (nhóm cổ đông số 3).
Bà Trịnh Thị Hà cũng là cái tên liên quan tới nhiều pháp nhân trong 3 nhóm cổ đông của PVCombank.
Bà Trịnh Thị Hà và ông Trần Quốc Tuấn (nhóm cổ đông số 3) đều từng là cổ đông của Công ty TNHH BĐS HA Quận Ba - pháp nhân đang sở hữu 17 triệu CP PVCombank.
Bà Trịnh Thị Hà cũng là người đại diện theo pháp luật của Công ty CP Đầu tư Địa Việt - đơn vị nắm 43,4 triệu CP PVCombank.
Tập đoàn Tây Giang có sự liên quan nhất định đến Maritime Bank - nhà băng đang nắm 41,9 triệu CP, tương đương 4,66% vốn của PVCombank.
Tập đoàn Tây Giang và Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam (VID Group) - nơi Chủ tịch Hội đồng sáng lập Maritime Bank, cựu ĐBQH Nguyễn Thị Nguyệt Hường từng là Chủ tịch HĐQT - là các cổ đông sáng lập của Công ty CP Khai thác chế biến khoáng sản Việt (VMPCO).
VMPCO từng nắm trong tay khoảng 40 mỏ khoáng sản với trữ lượng lớn ở khu vực phía Bắc. Doanh nhân Trần Anh Tuấn – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Maritime Bank, chồng bà Nguyệt Hường, có thời kỳ còn trực tiếp giữ ghế Chủ tịch HĐQT của VMPCO.