Aa

PVD và những dự báo ít lạc quan

Thứ Năm, 30/08/2018 - 15:00

Mặc dù kết quả kinh doanh quý III, IV còn ở phía trước nhưng các công ty chứng khoán lại tỏ ra lo ngại cho tương lai của cổ phiếu PVD khi dự báo về việc làm ăn thua lỗ của doanh nghiệp này.

Hiện, cổ phiếu PVD của Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí đang ở quanh mức 15.000 đồng/cổ phiếu. Đây là mức giá ở tầm cao so với thời điểm 8 tháng đầu năm 2018. Tuy nhiên, khi dự báo về tình hình kinh doanh của công ty này thời điểm cuối năm, đa phần giới phân tích đều tỏ thái độ không mấy lạc quan.

Đánh giá về Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí, CTCK Bản Việt (VCSC) cho rằng khả năng năm 2018, công ty này sẽ lỗ 500 tỷ đồng. VCSC đưa ra 3 lý do cho luận điểm này.

Thứ nhất, giá thuê ngày giàn khoan tự nâng ở mức thấp. Dữ liệu của IHS Petrodata cho biết, tiền thuê ngày giàn khoan tự nâng đã phục hồi lên 50.000USD trong tháng 6, sau khi giảm xuống 43.000USD trong tháng 4 do tình trạng dư cung kéo dài tại khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, giá thuê ngày trung bình giàn khoan tự nâng trong 6 tháng đầu năm vẫn tiếp tục thấp. Do đó, VCSC giữ nguyên dự báo giá thuê ngày giàn khoan tự nâng năm 2018 bình quân ở mức 55.000USD, giảm 5% so với năm 2017.

Có nhiều yếu tố bất lợi sẽ tác động đến kết quả kinh doanh năm 2018 của PVD

Có nhiều yếu tố bất lợi sẽ tác động đến kết quả kinh doanh năm 2018 của PVD (Ảnh minh họa) 

Thứ hai, chi phí hoạt động cao ảnh hưởng lợi nhuận. Hiệu suất trong 6 tháng đầu 2018 đạt 80%, thấp hơn so với dự báo khiến VCSC điều chỉnh giảm dự báo cả năm từ 90% xuống 85,6%.

Nguyên ngân là các hợp đồng khoan dầu khí hiện nay chỉ là hợp đồng ngắn hạn (2 tuần đến 3 tháng) nên giàn khoan không hoạt động liên tục. Trong khoảng thời gian trống giữa các hợp đồng, các giàn khoan vẫn phải trong tình trạng sẵn sàng hoạt động nên chi phí lớn. Vì vậy, hạn chế thời gian giữa các hợp đồng và tăng cường hiệu suất là ưu tiên hàng đầu của PVD.

Ngoài ra, triển vọng ký hợp đồng cho giàn khoan tiếp trợ nửa nổi nửa chìm (TAD) còn hạn chế. Dự án Cá Rồng Đỏ đã bị tạm ngưng do yếu tố bất khả kháng. Trong khi đó, một số chuyên gia trong ngành cho biết dự án Sao Vàng – Đại Nguyệt cần giàn khoan bán tiếp trợ hoặc tự nâng với chân hỗ trợ dài thay vì giàn khoan TAD. Vì vậy, CTCK dự báo từ nay đến năm 2021, PVD sẽ không ký được hợp đồng nào với giàn TAD.

Chưa kể, khả năng PVD sẽ không có lợi nhuận ngoài hợp đồng kinh doanh từ thu hồi nợ xấu nhưng lại phải ghi nhận 8 triệu USD chi phí dự phòng dành cho nợ xấu của Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), tăng 54% so với năm 2017. VCSC cho rằng, công ty sẽ thu hồi 5,4 triệu USD nợ xấu (30% nợ xấu) năm 2019 và 10,8 triệu USD (60%) năm 2020.

Dù vậy, PVD đã tái cơ cấu thành công nợ liên quan đến giàn khoan PVD VI trong quý II. Thời hạn được điều chỉnh từ 7 năm lên 13 năm, do đó thời điểm đáo hạn là năm 2030, giảm áp lực đối với dòng tiền của PVD trong ngắn và trung hạn.

Trong nhận định mới đây, Công ty Chứng khoán HSC cũng cùng quan điểm, năm 2018 PVD sẽ ghi nhận lợi nhuận âm.

Nhìn lại kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, doanh thu 6 tháng đầu năm của PVD tăng đáng kể, đạt 88% so với cùng kỳ, đạt 2.726 tỷ đồng nhờ số ngày làm việc của các giàn khoan tự nâng nhiều hơn và doanh thu dịch vụ giếng khoan, thương mại tăng mạnh. Tuy nhiên PVD hiện vẫn đang chịu lỗ khi lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là âm 307 tỷ đồng (tăng 21% so với cùng kỳ).

Với giả định giá dầu WTI bình quân là 62 USD/thùng (tăng 22% so với năm ngoái), HSC dự báo lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2018 âm 348 tỷ đồng. Dự báo mảng dịch vụ khoan đạt doanh thu 1.763 tỷ đồng (tăng trưởng 0,1%). Lỗ gộp của mảng này dự báo là 363 tỷ đồng (tăng 144%). Giá thuê ngày bình quân dự báo là 55.000 USD và tỷ lệ sử dụng công suất giàn khoan tự nâng dự báo đạt 85% (tương đương năm 2017).

Tuy nhiên chi phí hoạt động giàn khoan tự nâng dự báo tăng 20% lên 40.800 USD/ngày do lượng công việc tại thị trường nước ngoài (có chi phí cao hơn) tăng.

Trong khi đó, giàn khoan TAD dự báo vẫn sẽ tạm ngừng hoạt động trong năm nay, vẫn trong quá trình bảo dưỡng tại PV Shipyard, với chi phí là khoảng 11.000 USD/ngày. Dự kiến giàn khoan TAD chỉ hoạt động trở lại trong năm 2020. Lưu ý là khi giàn khoan TAD hoạt động trở lại trong tương lai, PVD sẽ cần khoảng 30 triệu USD để tái khởi động giàn khoan này từ chế độ ngừng hoạt động hiện nay.

Dự báo doanh thu mảng dịch vụ giếng dầu là 2.173 tỷ đồng (tăng trưởng 25%). Lợi nhuận gộp dự báo là 413 tỷ đồng (tăng trưởng 25%). Theo đó tỷ suất lợi nhuận gộp là 19% (tương đương năm 2017). Lợi nhuận của mảng này ổn định trong nhiều năm và ít bị ảnh hưởng của biến động giá dầu thô.

Doanh thu mảng thương mại dự báo đạt 1.609 tỷ đồng (tăng trưởng 300%). Lợi nhuận gộp dự báo đạt 48 tỷ đồng (tăng trưởng 75%). Theo đó, tỷ suất lợi nhuận gộp là 3% (năm 2017 là 7%). Mặc dù đóng góp lớn vào doanh thu nhưng mảng thương mại không đóng góp nhiều lợi nhuận do biên lợi nhuận mỏng. Và để tăng doanh thu thì biên lợi nhuận thậm chí còn giảm tiếp.

Chi phí bán hàng và quản lý dự báo là 582 tỷ đồng (giảm 1% so với năm 2017), tương đương 11% tổng doanh thu (năm 2017 là 16%). HSC dự báo chi phí dự phòng nợ xấu giảm trong năm 2018. Thu nhập khác dự báo đạt 122 tỷ đồng (giảm 81% so với năm 2017).

Công ty Chứng khoán HSC dự báo PVD sẽ hoàn nhập kỹ thuật xấp xỉ 100 tỷ đồng từ Quỹ Khoa học (số dư đầu kỳ năm 2018 của Quỹ này là 379 tỷ đồng). PVD còn có khoản nợ có vấn đề là 451 tỷ đồng từ PVEP. Tuy nhiên, khả năng thu hồi khoản nợ xấu này trong năm 2018 hiện là thấp. Từ tất cả những giả định trên, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2018 là âm 348 tỷ đồng (năm 2017 là 45 tỷ đồng).

Nếu kết quả kinh doanh cuối năm đi xuống như dự báo, cổ phiếu PVD có thể sẽ bị mất giá trong thời gian tới, đặc biệt lo ngại trong trường hợp nhà đầu tư hoang mang bán tháo.

Trong năm 2019, HSC kỳ vọng PVD sẽ đạt được mục tiêu không lỗ, với tổng doanh thu dự phóng đạt 6.400 tỷ Đồng (tăng 15% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 5 tỷ Đồng. Các giả định chính của công ty như sau:
• Giá dầu thô WTI đạt mức trung bình 65 đô / thùng
• HSC kỳ vọng hoạt động thăm dò khai thác tại Việt Nam và Đông Nam Á sẽ bắt đầu tăng lên khi mặt bằng giá dầu đã được giữ ổn định tại mức cao và có thể tạo nhiều lợi nhuận
• Các dàn khoan tự nâng dự báo có giá thuê ngày bình quân là 62.000 USD (tăng 13% so với năm trước) và tỷ lệ hoạt động là 90% (cao hơn 6% so với năm trước). Chi phí hoạt động của các giàn khoan tự nâng được dự báo sẽ giảm đáng kể 20% xuống khoảng 34.000 USD / ngày, chủ yếu đến từ kỳ vọng dự án Block B - Ô Môn sẽ chính thức khởi công trong năm 2019 và đem lại cho PVD khối lượng công việc thực hiện trong thị trường nội địa cao hơn.
• PVD có thể sẽ thu hồi được 141 tỷ Đồng (khoảng 30% tổng nợ xấu từ PVEP). Với các giả định trên, chúng tôi dự báo lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 5 tỷ Đồng (so với mức lỗ 348 tỷ đồng trong năm 2018), tương đương với EPS là 14 Đồng và BVPS là 30.062 đồng. Ở mức giá cổ phiếu hiện tại, tỷ lệ P/B dự phóng năm 2019 của PVD là 0,51 lần. HSC ước tính giá trị hợp lý của cổ phiếu là 20.000đ, tương đương P/B dự phóng là 0,7 lần.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top