Tại kết luận số 558 về Dự án Nhà máy Nhiệt điện sông Hậu 1, Thanh tra Bộ Xây dựng đã nêu rõ, trong việc lập, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng công trình; PVN không lấy ý kiến các cơ quan liên quan. Đối với dự án này, cần có ý kiến các bên về khả năng thu xếp vốn, nguồn vốn và khả năng cấp vốn theo tiến độ, phương án hoàn trả vốn để thẩm định dự án trước khi quyết định phê duyệt dự án đầu tư.
Thực tế, tại Dự án Nhà máy Nhiệt điện sông Hậu 1, chi phí quản lý dự án tăng hơn 19,5 tỷ đồng do áp sai hệ số khu vực khó khăn. Chi phí thẩm tra thiết kế kỹ thuật, thẩm tra dự toán, tư vấn quản lý dự án, thẩm tra hồ sơ yêu cầu gói thầu EPC, ban quản lý dự án, tổng thầu là hơn 430,1 tỷ đồng, lớn hơn chi phí tính theo hệ số tỷ lệ. Nhưng dự án không được lập và phê duyệt dự toán chi tiết chi phí ban quản lý dự án, tổng thầu.
Dự án nhà máy nhiệt điện cũng bị tính sai tăng khối lượng tại một số hạng mục công trình, áp giá vật liệu, giá ca máy, áp định mức và tính một số chi phí chưa phù hợp dẫn tới giá trị dự toán được duyệt sai tăng số tiền hơn 210,6 tỷ đồng.
Không những vậy, Thanh tra Bộ Xây dựng còn chỉ rõ, do thực hiện dự án đầu tư chậm, không đáp ứng yêu cầu tiến độ đã được phê duyệt tại Quyết định số 2824/QĐ-DKVN ngày 5/4/2011 về vận hành thương mại tổ máy số 1 vào tháng 4/2015, tổ máy 2 vào tháng 10/2015. Là một trong những nguyên nhân khiến PVN phải phê duyệt điều chỉnh tăng thêm tổng mức đầu tư 10.457 tỷ đồng.
Dự án được khởi công xây dựng vào tháng 5/2015. Theo tiến độ tại Quyết định 2415 ngày 11/12/2013 của Thủ tướng, sẽ phát điện tổ máy 1 vào năm 2018, tổ máy 2 vào năm 2019. Báo cáo của Ban Quản lý dự án điện lực dầu khí Sông Hậu 1 đến tháng 9/2017 cho thấy dự án bị chậm tiến độ 25,65%, tương ứng 15 tháng so với yêu cầu.
Thanh tra Bộ Xây dựng đề nghị Bộ Công Thương ban hành khung giá bán điện trong giai đoạn chạy thử để có cơ sở tính toán giá trị thu hồi trong tổng mức đầu tư của các dự án; chỉ đạo PVN nghiêm túc thực hiện kết luận, tổ chức kiểm điểm, xác định và xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân do đã có những vi phạm, sai sót được nêu trong kết luận thanh tra, báo cáo kết quả thanh tra, có biện pháp khắc phục. PVN cần điều chỉnh giảm dự toán số tiền hơn 230,1 tỷ đồng.
Thực tế, Dự án Nhà máy Nhiệt điện sông Hậu 1 cũng đã có nhiều tai tiếng lùm xùm. Được biết, hồi tháng 8/2017, Bộ Công thương đã ban hành văn bản thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình.
Tháng 7/2017, Bộ trưởng Công thương ban hành quyết định số 2957/QĐ-BCT thành lập đoàn xác minh khiếu nại về lựa chọn nhà thầu cung cấp cho hệ thống khử lưu huỳnh, gói thầu M05 thuộc hợp đồng xây dựng nhà máy chính Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1.
Bộ Công thương cũng yêu cầu Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) chỉ đạo Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) tạm ngừng việc thực hiện hợp đồng với nhà thầu cho đến khi có kết luận và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, ngày 13/2/2017, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ Công thương đề nghị xem xét một số thông tin báo chí phản ánh đến việc đấu thầu gói thầu M05 – Hệ thống khử lưu huỳnh thuộc dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1.
Văn bản cũng nêu rõ, về việc này, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình giao Bộ Công thương kiểm tra, làm rõ nội dung tố cáo và thông tin báo chí nêu liên quan đến gói thầu M05. Đồng thời, Bộ Công thương có trách nhiệm báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính Phủ trước ngày 10 tháng 3 năm 2017.
Nhà máy nhiệt điện thuộc Trung tâm Điện lực Sông Hậu đặt tại ấp Phú Xuân, thị Trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, có tổng công suất 1.200 MW gồm 2 tổ máy (2x600MW), diện tích xây dựng 115,2 ha do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm Chủ đầu tư, Ban QLDA Điện lực Dầu Khí Sông Hậu 1 là đại diện Chủ đầu tư chịu trách nhiệm quản lý dự án và Tổng công ty Lắp máy Việt Nam làm Tổng thầu EPC. |
Reaitmes sẽ tiếp tục thông tin.