Aa

QR đã liên thông, rồi sao nữa?

Thứ Ba, 14/09/2021 - 14:55

Việc thống nhất mã QR liên thông chống dịch là tín hiệu tích cực cho việc hợp sức chống dịch. Nó chính là nền tảng tiến tới kết nối với thế giới để mở cửa trở lại trạng thái bình thường mới, sống chung với Covid-19.

Ngày 13/9/2021, tôi đọc báo và đón nhận tin mừng, phải nói là rất mừng, đó là nước ta đã thống nhất một mã QR cho khai báo y tế. Cụ thể hơn, báo Tuổi trẻ đưa tin: Theo báo cáo sơ kết công tác triển khai công nghệ phòng chống dịch Covid-19 gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 10/9, Bộ Thông tin – Truyền thông cho biết đã thống nhất với Bộ Y tế và Bộ Công an về việc sử dụng một mã QR chung cho từng đối tượng liên thông giữa tất cả các nền tảng, hệ thống, phần mềm để thuận tiện cho công dân trong quá trình khai báo và di chuyển.

Nói là rất mừng, vì chống dịch như chống giặc, dịch lan như lửa cháy mà chỉ riêng cái sự khai báo y tế để theo dõi dịch tễ đã rối như canh hẹ với trên dưới 20 phần mềm phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19, thì quả thực là sự phiền phức không đáng có. Tôi là người không giỏi công nghệ, nhưng cũng không đến mức 0.4, thế mà nhiều lúc cũng hết sức bối rối và lúng túng, thì thử hỏi có biết bao nhiêu người như tôi và có thể công nghệ chưa biết mấy sẽ còn khó khăn để “được khai báo” đến mức nào. Khi đi xe buýt đều được yêu cầu quét mã, đi máy bay được yêu cầu khai báo y tế, đi tiêm vắc-xin cũng khai báo y tế, rồi nhiều việc khác phải khai báo y tế, nhưng quả tình là nhiều lúc cứ thấy rối tinh rối mù cả lên, vì không biết đến đâu thì phải khai trên ứng dụng, nền tảng nào, “Tờ khai y tế” hay “Di chuyển nội địa”, “Sổ sức khỏe điện tử” hay “Bluezone”…

Quét mã QR code khi đến điểm công cộng. Ảnh: LP.
Quét mã QR code khi đến điểm công cộng. (Ảnh: LP/TTXVN)

Trên dưới 20 phần mềm, ứng dụng khai báo y tế, dân mệt mỏi đã đành, mà các cơ quan quản lý cũng chẳng bổ béo gì. Trong thời đại mà Big Data đang càng ngày càng trở nên cực kỳ quan trọng mà dữ liệu phân mảnh, không thống nhất, không đồng bộ như thế thì làm sao có thể nói đến Chính phủ điện tử, làm sao có thể nói đến xã hội số… Nhưng thực tế lại cứ diễn ra như thế, mạnh ai nấy làm, mỗi ngành, mỗi địa phương, đơn vị chỉ biết đến công việc của mình.

Viết đến đây, tỗi bỗng nhớ lại thời còn Liên Xô, có một tạp chí châm biếm tên gọi “Cá sấu” rất nổi tiếng. Trong một số tạp chí có lần đăng tranh châm biếm vẽ cảnh người thứ nhất đi trước lấy xẻng đào hố, tiếp theo người thứ hai đi sau lại lấy xẻng xúc đất đổ xuống hố lấp đi, và chú thích đại ý là: Trong nhóm làm việc đầy đủ có ba người, công việc phân công người thứ nhất đào hố, người thứ hai đặt cây xuống hố và người thứ ba lấp đất để trồng cây. Tuy nhiên, hôm nay người thứ hai nghỉ ốm, nên người thứ nhất và thứ ba cứ công việc của mình mà làm nên gây ra cảnh “kẻ đào người lấp” như thế. (Thực ra thì nửa thế kỷ sau ở nước ta, cái cảnh lòng đường, vỉa hè đào lên lấp xuống, vừa làm mới xong đã lại đào bới nham nhở, cũng chả khác tranh vẽ trên tạp chí Cá sấu là mấy).

***

Những năm gần đây, những người trẻ và các doanh nhân hay nói câu: Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau (tiếng Anh là “If you want to go fast go alone, if you want to go far go together”). Thực sự tôi không biết tường tận câu nói này ra đời trong hoàn cảnh nào, nghe nói là của Warren Buffett, một nhà đầu tư, doanh nhân và là nhà từ thiện người Hoa Kỳ, nhưng tôi rất thích câu nói ấy bởi nó vô cùng chí lý, và càng ngẫm càng khám phá ra những tầng ý nghĩa, nhân sinh rất sâu xa.

Trong khi đó, tôi cũng được biết, các chuyên gia và nhà quản lý, cả nước ngoài và Việt Nam, hầu như đều đánh giá, người trẻ nói riêng và người Việt nói chung chỉ giỏi làm việc một mình, nhưng khi làm việc nhóm thì rất khó, thậm chí rất kém. Và các chuyên gia tổng kết, khả năng, kỹ năng làm việc nhóm của người Việt vừa thiếu vừa yếu. Tôi cũng được nghe mọi người lan truyền câu nói: “Một người Việt làm việc bằng 3 người Nhật nhưng 3 người Việt mới bằng 1 người Nhật”, và nguyên nhân là người Việt làm việc nhóm kém.

Tôi không phải chuyên gia kinh tế, chuyên gia tâm lý hay nhà quản lý, nhưng đủ hiểu tư duy, kỹ năng làm việc nhóm, sự phối hợp trong công việc ở thời đại ngày nay là vô cùng quan trọng. Thế giới trong kỷ nguyên số này không phải là phẳng nữa, mà là “siêu phẳng”, nó kết nối từng cá nhân, từng gia đình, từng khu vực, từng địa phương, từng quốc gia và kết nối cả thế giới. Không ai có thể đứng ngoài. Cũng không ai có thể tách riêng mà có thể phát triển, có thể thành công.

Chẳng nói đâu xa, cứ nhìn ngay vào đại dịch Covid-19 thì thấy rõ. Từ một điểm xuất phát ban đầu ở Vũ Hán, Trung Quốc, chớp mắt nó đã lan ra toàn thế giới. Rồi mỗi khi có biến chủng mới xuất hiện, nó lại lan nhanh ra toàn cầu như thuốc súng bén lửa. Không ai có thể đứng ngoài, không nước nào có thể đứng ngoài, dù phát triển hay lạc hậu. Và cũng không nước nào có thể một mình chống lại dịch. Cả thế giới phải cùng hợp sức mới có thể chống dịch, càng hợp sức, càng thống nhất, càng đồng bộ thì chống dịch càng hiệu quả. Bởi nếu không, từ một điểm nhỏ nó lập tức lại bùng phát thành dịch lớn. Chính vì vậy, những nước giàu, những nước phát triển cũng nhận thức được không thể chỉ một nước tiêm phủ vắc-xin mà chống được dịch, mà phải là phủ vắc-xin toàn cầu.

***

Ấy thế mà, đại dịch bùng phát đã gần 2 năm mà nước ta vẫn loạn mã QR theo dõi dịch, vẫn loạn tờ khai y tế, trong khi “Khai báo y tế” là một trong những việc làm quan trong của chiến lược 5K. Mà không phải trình độ các chuyên gia của nước ta không thể làm được một phần mềm, một ứng dụng thống nhất, liên thông, dùng chung cho quốc gia. Và chắc cũng không phải các nhà quản lý của chúng ta không đủ tư duy để nghĩ ra cái sự cần thiết phải có một mã QR thống nhất. Báo chí nói nhiều, các chuyên gia lên tiếng, và đến người dân bình thường cũng kêu ca về sự rối rắm, bất cập ấy thì chẳng lẽ các nhà quản lý không nhận ra. Nguyên nhân do tinh thần làm việc nhóm kém, tinh thần hợp tác kém, "tư duy số" đang có vấn đề, hay do cả ba?

Và thế là, một việc hiển nhiên như thế, đơn giản như thế, nhưng cũng chỉ khi Thủ tướng phải đích thân nhắc thì mới được triển khai, thực hiện.

Nói đến sự nhắc nhở của người dứng đầu Chính phủ, lại nhớ đến điểm dịch ở Thanh Xuân Trung, Hà Nội. Một điểm dịch bùng phát khá mạnh, phức tạp, nhưng cũng chỉ đến khi Thủ tướng đích thân đi kiểm tra (ngày 31/8), mà là kiểm tra đột xuất, mới phát hiện ra lỗ hổng là Sở chỉ huy tiền phương của UBND phường Thanh Xuân Trung không có người trực. Thủ tướng yêu cầu phường cho xem quyết định thành lập và quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 của phường, nhưng phải chờ sau 20 phút cán bộ mới trình ra được Quyết định thành lập, còn quy chế làm việc thì không có. Chủ tịch UBND phường cũng cho biết, phường đang khuyết Bí thư phường đã hơn 1 tháng. Thủ tướng phê bình nghiêm khắc Bí thư Quận ủy Thanh Xuân, thế là ngay ngày hôm sau (1/9), Quận ủy Thanh Xuân đã lập tức kiện toàn công tác nhân sự với chức vụ Bí thư Đảng ủy phường Thanh Xuân Trung. Đó là chưa nói đến việc, cũng điểm nóng này, sáng 25/8, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng đã đến kiểm tra nhưng không phát hiện ra vấn đề gì (?!).

Ơ hay! Lại đến cả việc kiện toàn Bí thư Đảng ủy phường, việc ban hành cái quy chế làm việc của Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 phường, cũng cứ phải Thủ tướng nhắc thì mới làm sao?

Đó mới chỉ là một vài ví dụ cụ thể mà báo chí đã công khai hết cả, thử hỏi còn bao nhiêu việc chồng chéo, bao nhiêu lỗ hổng khác nữa chưa được chỉ ra?

Nói thế để thấy, cả hệ thống chính trị đang dồn lực cho cuộc chiến chống Covid-19. Chính phủ rốt ráo, sốt sắng, làm việc cật lực, dồn mọi nguồn lực cho tuyến đầu, mở mọi mặt trận để lo nguồn vắc-xin; đội ngũ y tế, quân đội, công an quên ăn quên ngủ lăn lộn nơi tuyến đầu giành giật từng sinh mệnh với tử thần và bảo vệ an toàn, an sinh cho người dân; nhưng đây đó vẫn còn không ít bất cập về sự hợp tác giữa các bộ ngành, không ít lỗ hổng từ các cấp cơ sở, còn không ít sự lúng túng, lơ là, lỏng lẻo từ lãnh đạo địa phương. Trong khi chống Covid-19 thực sự phải là một cuộc chiến toàn dân, toàn diện và cấp cơ sở là tối quan trọng. Nếu từ cơ sở không được củng cố vững chắc, không thật tích cực, chủ động, thì mọi chủ trương, biện pháp có đúng đắn đến mấy, nguồn lực đổ vào có lớn đến mấy cũng vô ích, chẳng khác gì như các cụ thường nói là “đem giỏ thủng chôn đi mò”.

Các nhà khoa học đã cảnh báo Covid-19 cực kỳ nguy hiểm và dự báo cuộc chiến chống Covid-19 còn trường kỳ, gian khó và phải tính tới phương án sống chung với dịch. Muốn thế, cần phải có giải pháp tổng thể, toàn diện với nhiều kịch bản, phương án cho từng tình huống, phải có những biện pháp cụ thể trên nhiều phương diện và liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau; trong đó tôi nghĩ có hai yếu tố quan trọng là khoa học công nghệ và tuyến cơ sở, để vừa có thể khống chế, kiểm soát dịch bệnh vừa đảm bảo an sinh, trên cơ sở đó mà phát triển sản xuất, chuyển sang trạng thái bình thường mới.

Nhìn rộng ra, công nghệ số, kinh tế số, xã hội số hóa là xu hướng tất yếu của nhân loại, dù ta có muốn hay không, có thích hay không. Và thế giới càng phẳng, xã hội càng phẳng, càng cần sự hợp tác, cộng đồng trách nhiệm. Chống dịch trong một thế giới phẳng cũng cần như vậy; mở cửa trong trạng thái bình thường mới, càng cần đến công nghệ số, mà cái mã QR nói trên là một ví dụ.

Nhưng QR đã liên thông, rồi sao nữa?

Thực ra, việc thống nhất sử dụng một mã QR chung cho từng đối tượng liên thông giữa tất cả các nền tảng, hệ thống, phần mềm, tạm gọi là mã QR dịch tễ, rất quan trọng nhưng mới chỉ là sự mở đầu. Hy vọng từ việc thống nhất được mã QR chung trong công tác chống dịch này, chúng ta sẽ tiến tới nhiều cái “chung” hơn để kết hợp được sức mạnh của các bộ ngành, của các địa phương và sức mạnh toàn dân, nhất là từ tuyến cơ sở, tạo thành sức mạnh tổng hợp to lớn, không những đẩy lùi, chung sống được với dịch, mà còn trở lại với cuộc sống bình thường mới, tiếp tục phát triển sản xuất. Từ cái “chung” trong nước, sẽ tiếp tục kết nối tạo được nhiều cái “chung” với thế giới, để sớm áp dụng hộ chiếu vắc-xin, mở cửa du lịch vừa đảm bảo chặt chẽ, an toàn, vừa tạo sự thông thoáng, tiện lợi, để chúng ta không tự loại mình ra ngoài trong một thế giới ngày càng phẳng này./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top