Theo ông Nguyễn Trọng Ninh, gần đây, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản đã gọi điện nhắc nhở, các sở cho biết đang trình xin ý kiến và sắp tới sẽ có báo cáo.
Trước đó, Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị UBND TP. Hà Nội, TP. HCM báo cáo về tình trạng dân cư khiếu nại và phản đối chủ đầu tư tại các dự án bất động sản trước ngày 30/11/2017.
Việc báo cáo này xuất phát từ thực trạng gần đây tình trạng tranh chấp trong các khu chung cư gia tăng tại các thành phố trên. Theo ý kiến của cơ quan chức năng, nếu không có giải pháp hợp tình, hợp lý, tranh chấp ngày càng phức tạp và khó giải quyết.
Đây là cơ sở để rà soát lại quy định của pháp luật, từ đó kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quy định không còn phù hợp trong việc giải quyết những vụ tranh chấp chung cư, khiếu nại và phản đối chủ đầu tư.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, chỉ riêng năm 2017 đến nay, tình trạng tranh chấp chung cư diễn ra trên diện rộng tại Hà Nội và TP.HCM, từ những khu chung cư giá rẻ cho đến các dự án chung cư cao cấp. Các vấn đề tranh chấp, dân phản đối tập trung vào những nội dung như: Bàn giao không đúng tiến độ, tổ chức hội nghị nhà chung cư, bầu ban quản trị, phần diện tích chung – riêng, cách tính diện tích căn hộ, phí dịch vụ, phí bảo trì, chất lượng xây dựng, cơi nới trái phép, vấn đề PCCC, quảng cáo lừa dối hay việc chủ đầu tư không thực hiện đúng quy hoạch, thiết kế mà điều chỉnh thay đổi,…
Điển hình như, căng thẳng tại chung cư New Horizon City 87 Lĩnh Nam thuộc phường Mai Động (Hoàng Mai, Hà Nội) suốt nhiều tháng qua khi mâu thuẫn quyền lợi, cam kết với chủ đầu tư không được thống nhất. Nhiều cư dân bức xúc cho rằng, chủ đầu tư Công ty CP Kỹ thuật và Xây dựng Việt Nam (Vinaenco) đã quá coi thường cư dân liên quan tới việc: Vi phạm hợp đồng mua bán, thu phí dịch vụ khi công trình chưa được hoàn thiện, thu phí trông giữ xe cao, không tôn trọng ý kiến cư dân…
Đặc biệt, mâu thuẫn tại chung cư Golden West tại số 2 Lê Văn Thiêm (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng đã kéo dài suốt thời gian qua. Cư dân đã nhiều lần tập trung căng băng rôn, yêu cầu chủ đầu tư Công ty Cổ phần phát triển thương mại Việt Nam (Vietradico) phải nhanh chóng khắc phục phần sai phạm tại dự án và thực hiện đúng cam kết với cư dân. Thế nhưng, sau nhiều tháng trôi qua, mâu thuẫn giữa cư dân và chủ đầu tư vẫn chưa được giải quyết.
Ngoài ra, trong năm 2017 vừa qua, hàng loạt các vụ tranh chấp tại chung cư diễn ra tại các khu chung cư từ giá rẻ đến cao cấp. Thực tế, các tranh chấp được giải quyết rất ít so với trường hợp xảy ra.
Liên quan đến công tác quản lý vận hành chung cư, tại Hội nghị của Sở Xây dựng vừa qua, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, hiện nay trên địa bàn đang có nhiều mô hình, nhiều cách quản lý nhà chung cư khác nhau nhưng còn nhiều bất cập, dẫn đến tranh chấp khiếu kiện.
Trong đó, có những mô hình quản lý chung cư của các tập đoàn xây dựng cả một số nhóm nhà chung cư, rồi những nhóm chung cư của các dự án nhà đơn lẻ, nhà tái định cư, nhà ở xã hội. Nhưng những năm vừa qua, chính sách quản lý này đang có bất cập.
Cũng theo ông Chung, thời gian tới, phải nghiên cứu xem những mô hình quản lý tới đây như thế nào để đề xuất những cơ chế đặc thù thậm chí phải có những biện pháp đưa ra các cuộc thảo luận để đưa ra mô hình quản lý phù hợp.
Liên quan tới vấn đề tranh chấp tại các chung cư như hiện nay, TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, cần có luật quy định những vấn đề liên quan đến tranh chấp chung cư để giải quyết được tận gốc vấn đề. Bởi thực tế, không ít chủ đầu tư thường tìm các lỗ hổng về pháp lý để lách luật, “cò quay” và không giải quyết dứt điểm quyền lợi chính đáng của cư dân.
Thực tế, có một số chủ đầu tư còn thách thức khách hàng kiện ra tòa vì cho rằng, một vụ kiện thường kéo dài, tốn kém, người mua nhà không đủ nhân lực và tài chính để theo đuổi đến cùng./.