Aa

Hà Nội: 10 chung cư bị cư dân “căng băng rôn” năm 2017

Thứ Ba, 26/12/2017 - 06:01

Khởi nguồn xảy ra tranh chấp tại các chung cư trên địa bàn TP. Hà Nội trong thời gian qua liên quan đến các vấn đề: Sai phạm của chủ đầu tư, quỹ bảo trì, phí dịch vụ, chất lượng công trình, diện tích chung, tiến độ thực hiện dự án, hệ thống PCCC...

Mới đây, Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị TP. Hà Nội và TP.HCM báo cáo về tình trạng dân cư khiếu nại và phản đối chủ đầu tư (CĐT) tại các dự án bất động sản trước 30/11 để cơ quan này tổng hợp, báo cáo Thủ tướng.

Việc báo cáo này xuất phát từ thực trạng gần đây, tình trạng tranh chấp trong các khu chung cư gia tăng tại các thành phố trên. Theo ý kiến của cơ quan chức năng, nếu không có giải pháp hợp tình, hợp lý, tranh chấp ngày càng phức tạp và khó giải quyết.

Chỉ riêng từ đầu năm 2017 đến nay, tình trạng tranh chấp chung cư diễn ra trên diện rộng tại Hà Nội từ những khu chung cư giá rẻ cho đến các dự án chung cư cao cấp. Các vấn đề tranh chấp tập trung vào những nội dung như: bàn giao không đúng tiến độ, tổ chức hội nghị nhà chung cư, bầu ban quản trị, phần diện tích chung – riêng, cách tính diện tích căn hộ, phí dịch vụ, phí bảo trì, chất lượng xây dựng, cơi nới trái phép, vấn đề PCCC…

Tại Hà Nội, Reatimes xin điểm lại một số vụ tranh chấp nổi bật trong năm 2017:

1. Dự án chung cư New Horizon City 87 Lĩnh Nam 

Được biết, dự án Trung tâm thương mại dịch vụ, văn phòng và nhà ở cao tầng New Horizon City, số 87 đường Lĩnh Nam do Công ty cổ phần xây dựng và kỹ thuật Việt Nam (Vinaenco) làm CĐT. Dự án gồm khối 4 tòa có chiều cao từ 19 – 30 tầng, với hơn 1.200 căn hộ.

Tuy nhiên, trong giai đoạn triển khai và hoàn thiện, bàn giao cho khách hàng, nhiều mâu thuẫn giữa cư dân và CĐT đã trở nên căng thẳng. Nhiều hộ dân phải nhận nhà trong tình trạng công trình còn thi công dở dang, đối mặt với những rủi ro nguy. 

Cư dân New Horizon City căng băng rôn phản đối các khoản phí của chủ đầu tư.  

Mới đây nhất, trong 4 ngày (từ 5/11 – 8/11/2017), hàng trăm cư dân sống tại chung cư này đã tập trung đấu tranh bằng hình thức căng băng rôn phải đối các khoản phí trông giữ xe, phí dịch vụ mà CĐT đưa ra.

Trước đó, khoảng năm 2016, khi dự án đi vào phần hoàn thiện, nhiều khách hàng đã đến công trường của dự án căng băng rôn với nội dung: “Yêu cầu CĐT Vinaenco sơn đúng màu sơn như đã quảng cáo; chủ đầu tư Vinaenco lừa dối khách hàng mua nhà”... để phản đối chủ đầu tư tự ý đổi màu sơn mặt ngoài tòa nhà.

Cũng liên quan tới chủ đầu tư Vinaenco, trong quá trình thực hiện Dự án chung cư Horizon Tower - N03 T3&T4 thuộc KĐT Đoàn ngoại giao (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) khách hàng đã nhiều lần phản ánh về tiến độ thi công và thời gian bàn giao nhà nhưng không được chủ đầu tư giải đáp. Sáng ngày 5/12, hàng chục khách hàng đã mua căn hộ tại dự án Horizon Tower đã tập trung tại trụ sở làm việc của Công ty Vinaenco (tầng 17, tòa nhà số 34, đường Láng Hạ) yêu cầu người đại diện của Vinaenco bà Nguyễn Kiều Vân, Chủ tịch HĐQT đối thoại với khách hàng.

Xem chi tiết: Tại đây 

2. Dự án KĐT Ngoại giao đoàn

Dự án KĐT Ngoại giao đoàn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) do Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) làm CĐT, với quy mô 62,8ha, nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển khu Đoàn ngoại giao cho Đại sứ quán các nước tại Việt Nam, văn phòng của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, khu nhà ở cho người nước ngoài tại Hà Nội…

Năm 2010, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 368/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, KĐT Đoàn ngoại giao. Theo quy hoạch này, Dự án KĐT Đoàn ngoại giao sẽ có tổng dân số khoảng 9.700 người với các chỉ tiêu cụ thể về quy hoạch kiến trúc. Trong đó, mật độ xây dựng dự án thấp, 30-33%, còn lại 70% là khu công viên cây xanh, hồ điều hòa, công trình công cộng…

Tuy nhiên, sau 7 năm, ngày 22/5/2017, UBND TP. Hà Nội tiếp tục ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết Khu Ngoại giao đoàn. Theo đó, nhiều ô đất được điều chỉnh công năng, tăng mật độ xây dựng làm thay đổi cảnh quan khu đô thị như thiết kế dự kiến ban đầu. 

Cư dân khu Đoàn ngoại giao căng băng rôn, phản đối việc điều chỉnh quy hoạch tại khu này.  

Quá bất ngờ và lo lắng “nơi đáng sống” bị “băm nát” bởi việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch trên, sáng 8/10, hàng trăm cư dân đang sinh sống tại Khu Đoàn Ngoại giao ở phường Xuân Tảo đã cùng nhau tuần hành phản đối chủ đầu tư tăng mật độ xây dựng, giảm diện tích đất công cộng, phản đối điều chỉnh quy hoạch…

Theo phản ánh của người dân, sở dĩ cư dân xuống đường, tuần hành quanh khu đô thị là vì quá bất ngờ trước quy hoạch mới của khu đô thị vừa được Hà Nội phê duyệt mà cư dân không hề được tham vấn ý kiến. Các ô đất được điều chỉnh là các ô có ký hiệu CC2, CC3-4, CC5, ĐMKT1 vốn có chức năng đất công cộng, dịch vụ, đất đầu mối kỹ thuật, có mật độ xây dựng thấp thì nay điều chỉnh đều được tăng mật độ xây dựng lên rất nhiều.

Đến ngày 14/10, cuộc đối thoại giữa cư dân Khu Đoàn ngoại giao, CĐT và đại diện UBND phường Xuân Tảo, UBND quận Bắc Từ Liêm, Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội... đã được tổ chức. Giải đáp thắc mắc về việc thay đổi quy hoạch sao không được tham vấn ý kiến người dân trong khu đô thị, bà Đỗ Thị Hương Chà, Chủ tịch UBND phường Xuân Tảo thừa nhận, 10 người dân được mời cho ý kiến về việc điều chỉnh quy hoạch như trên là cư dân thuộc Tổ dân phố số 1, không phải cư dân mua nhà sinh sống trong Khu Đoàn ngoại giao, chưa đúng đối tượng.

Xem chi tiết: Tại đây

3. Chung cư Sông Đà Urban Tower

Tòa nhà hỗn hợp Sông Đà Urban Tower do Công ty CP Xây dựng và phát triển đô thị Sông Đà (SDU) làm CĐT. Theo thiết kế được phê duyệt, tòa nhà gồm 34 tầng, với 8 tầng cho thuê văn phòng và siêu thị, hơn 200 hộ dân. Tuy nhiên, sau gần 7 năm chuyển về ở, những quyền lợi thiết yếu của hàng trăm hộ dân đang có dấu hiệu bị xâm phạm nghiêm trọng.

Theo ông Đỗ Thái Sảng, Trưởng Ban quản trị (BQT) tòa nhà, 1 năm nay (kể từ khi được thành lập và công nhận), BQT đã nhiều lần yêu cầu SDU công khai, bàn giao quỹ bảo trì và hồ sơ tòa nhà theo quy định nhưng không nhận được phản hồi từ CĐT. Thậm chí, ngay cả khi UBND quận có văn bản 1449 yêu cầu CĐT bàn giao quỹ bảo trì và hồ sơ cho BQT muộn nhất là 30/7, nhưng BQT vẫn chưa nhận được hợp tác từ CĐT. 

Ngoài ra, theo ông Sảng, chất lượng xây dựng kém, không đúng và không đủ các hạng mục theo tiêu chuẩn thiết kế (PCCC, vệ sinh…), không phân biệt rõ và sử dụng trái phép một số diện tích chung của Tòa nhà, không bố trí không gian cho người già và trẻ nhỏ... 

Quá bức xúc, cư dân chung cư Sông Đà Urban Tower phải "xuống đường" đòi quyền lợi...  

Bức xúc trước việc chây ì bàn giao quỹ bảo trì, vận hành tòa nhà... cư dân chung cư Sông Đà Urban Tower đã “xuống đường” đấu tranh phản đối chủ đầu tư. Ngày 5/8, Công an quận Hà Đông, CA phường Văn Quán đã họp với BQT và đại diện Công ty TNHH MTV Quản lý và kinh doanh dịch vụ SDU nhằm “hạ hỏa” bức xúc của cư dân. Tuy nhiên, đến ngày 8 và 9/9, cư dân lại tiếp tục đấu tranh bằng hình thức căng băng rôn, tố cáo sai phạm của chủ đầu tư.

Xem chi tiết: Tại đây

4. Chung cư BMM thuộc phường Phúc La

Tòa nhà chung cư BMM thuộc phường Phúc La (Hà Đông, Hà Nội) do liên doanh Công ty TNHH sản xuất thương mại BMM (Công ty BMM) và Công ty CP Sông Đà 12 làm CĐT. Chủ đầu tư chính thức bàn giao nhà cho khách hàng từ tháng 1/2014, nhưng hơn 3 năm qua, cư dân đã nhiều lần tố cáo CĐT với hàng loạt sai phạm trong việc bàn giao và quản lý tòa nhà. 

Cư dân chung cư BMM tập trung, phản đối đòi chủ đầu tư trả lại quyền lợi cho cư dân đúng theo quy định.  

Theo phản ánh cư dân và BQT tòa nhà chung cư BMM, Công ty BMM coi thường quyền lợi, tính mạng cư dân, có hành vi lừa đảo. Đơn cử như, Hợp đồng giữa khách hàng và CĐT đã quy định rõ các phần diện tích sở hữu chung bao gồm diện tích và hệ thống hạ tầng kỹ thuật như: hành lang, cầu thang bộ, cầu thang máy, lối đi chung, lối thoát hiểm, nơi để xe của tòa nhà chung cư BMM (có bố trí một tầng hầm làm nơi để xe, hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên ngoài nhưng được kết nối với nhà chung cư…

CĐT còn chiếm dụng nhiều phần diện tích chung để cho thuê, trục lợi hàng tỷ đồng gây bức xúc trong cư dân. Tầng hầm gửi xe, hệ thống hạ tầng tiện ích bên ngoài, tiến hành kẻ vạch thu phí trông giữ xe trong nhiều năm qua... đang được chủ đầu tư quản lý.

Ngoài ra, theo phản ánh của cư dân, chủ đầu tư còn cố tình trì hoãn, chây ì không bàn giao 2% phí bảo trì khiến nhiều hạng mục tòa nhà bị hư hỏng không được sửa chữa, gây nguy hiểm, lo lắng cho người dân. CĐT còn không bàn giao đầy đủ hồ sơ nhà chung cư để BQL vận hành theo quy định...

Cũng theo cư dân, sau nhiều lần cam kết hợp tác để giải quyết vấn đề, đại diện CĐT BMM vẫn “phớt lờ” ý kiến của cơ quan chức năng, chây ì bàn giao quỹ bảo trì và thực hiện các nội dung khác theo quy định của pháp luật. 

Ngày 20/8/2017, hàng trăm cư dân chung cư BMM đã tập trung căn băng rôn, khẩu hiệu tố cáo sai phạm của chủ đầu tư. Đồng thời, cư dân chung cư này cũng mong muốn cơ quan chức năng sớm vào cuộc, bảo vệ quyền lợi chính đáng của cư dân.

Xem chi tiết: Tại đây

5. Chung cư VP3 Linh Đàm

Bức xúc do mất nước liên tục nhiều ngày, sáng ngày 3/6, hàng trăm hộ dân chung cư VP3 (Khu đô thị mới Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã tập trung căng băng rôn yêu cầu chủ đầu tư là Tập đoàn Mường Thanh phải khắc phục tình trạng thiếu nước, đảm bảo sinh hoạt cho cư dân. 

Căng băng rôn yêu cầu chủ đầu tư cấp nước cho cư dân.  

Nội dung băng rôn phản đối chủ đầu tư với những biểu ngữ đầy bức xúc: "SOS…cư dân chung cư VP3 đang chết khát”, “Yêu cầu Tập đoàn Mường Thanh cải tạo hệ thống cấp nước sạch cho người dân”, "Yêu cầu Tập đoàn Mường Thanh trả lại quyền quản trị cho cư dân V3”.

Buổi đấu tranh của cư dân được khép lại khi CĐT, cư dân và chính quyền địa phương tổ chức đối thoại.

Xem chi tiết: Tại đây 

6. Dự án chung cư Golden West số 2 Lê Văn Thiêm

Chung cư Golden West ở số 2 Lê Văn Thiêm, phường Nhân Chính (Thanh Xuân, Hà Nội) do Công ty Cổ phần phát triển thương mại Việt Nam (Vietradico) làm CĐT. Trong quá trình triển khai và bàn giao căn hộ cho khách hàng, chủ đầu tư đã mắc phải nhiều sai phạm, khiến bức xúc cư dân kéo dài.

Theo thiết kế được duyệt vào năm 2014, dự án chung cư Golden West được thiết kế có 58 ô thoáng nằm rải rác ở các tầng tòa nhà. Nhưng trong khi thực hiện, Vietradico đã cố tình đổ kín sàn bê tông ô thoáng các tầng với mục đích biến ô thoáng thành căn hộ để bán.

Sai phạm của Vietradico đã kéo dài nhưng không được giải quyết triệt để.  

Sai phạm này của Vietradico từng được nêu rõ trong Công văn 4054/SXD-TTr ngày 23/5/2016 của Sở Xây dựng Hà Nội. Dự án bị đình chỉ thi công, xử phạt 90 triệu đồng vì vi phạm sai thiết kế công trình. Sau đó, Vietradico ra Công văn 0608/2016 /CV-CT ngày 8/6/2016 cam kết giữ toàn bộ các ô thoáng làm tiện ích sinh hoạt chung của tòa nhà.

Tuy nhiên đến khi bàn giao căn hộ cho khách hàng, chủ đầu tư lại có đấu hiệu biến các ô thoáng sai phạm trên làm căn hộ để bán.

Thêm nữa, thời điểm dự án đã có người dân vào ở nhưng công trình vẫn còn ngổn ngang. Đặc biệt là hệ thống PCCC chưa được nghiệm thu, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Bức xúc trước những tồn tại, sai phạm của chủ đầu tư tại dự án này, nhiều lần cư dân yêu cầu chủ đầu tư đối thoại nhưng không được giải đáp. Sáng 20/5, hàng trăm cư dân chung cư Golden West (số 2 Lê Văn Thiêm, Thanh Xuân, Hà Nội) đã “xuống đường” căng băng rôn phản đối những vi phạm của Vietradico.

Tới nay, những sai phạm của chủ đầu tư vẫn chưa được khắc phục, dự án vẫn đang trong quá trình đình chỉ thi công.

Xem chi tiết: Tại đây

7. Chung cư Helios Tower 75 Tam Trinh

Được biết, dự án Tổ hợp thương mại siêu thị văn phòng và nhà để bán Helios Tower địa chỉ 75 Nguyễn Tam Trinh, phường Mai Động (Hoàng Mai, Hà Nội) do Công ty CP đầu tư xây dựng NHS làm chủ đầu tư. Dự án được bàn giao căn hộ cho khách hàng từ cuối năm 2016. Tuy nhiên, kể từ ngày nhận nhà, cư dân luôn phải sống trong cảnh bức xúc, lo lắng về an toàn tính mạng bởi sự thờ sơ, sai phạm của chủ đầu tư.

Cụ thể, theo phản ánh cư dân, để đối phó với việc chậm bàn giao và tránh phải trả tiền phạt lãi suất, trong khi hệ thống hạ tầng kỹ thuật tòa nhà chưa hoàn thiện, NHS đã “ép” cư dân ký một cam kết đồng ý nhận nhà sớm khi chưa đủ điều kiện an toàn.

Cư dân chung cư Helios Tower tập trung tố cáo hàng loạt các sai phạm của CĐT. 

Hệ thống PCCC đến nay vẫn tiếp tục được sửa chữa chắp vá. Hiện tượng báo cháy giả liên tục xảy ra, trong khi một số vụ cháy nhỏ trong buồng rác thì hệ thống lại không phát hiện.

Theo thiết kế được duyệt thì từ tầng 1 đến tầng 4 tòa nhà được sử dụng làm trung tâm thương mại, dịch vụ cho thuê, bể bơi, phòng tập. Tuy nhiên, thực tế quan sát cho thấy tầng 3 và tầng 4 tại hai tháp A,B đã bị chủ đầu tư ngăn chia thành các căn hộ hoàn chỉnh. 

Ngoài ra, chủ đầu tư cũng đã mở toàn bộ các cửa thang máy cư dân vào các tầng 3,4 để sẵn sàng phục vụ cho các căn hộ “biến tướng” nêu trên.

Đặc biệt, chủ đầu tư còn “ngang nhiên” xây thêm tầng 4A (vượt 1 tầng thương mại so với GPXD được cấp: chỉ có 4 tầng thương mại) khi chưa được cơ quan chức năng phê duyệt và không tham vấn cư dân.

Bên cạnh việc thay đổi thiết kế, xây dựng vượt tầng, chủ đầu tư còn “cho phép” các căn hộ lấn chiếm không gian sử dụng chung làm không gian sử dụng riêng.

Vào ngày 9/4 đã xảy ra sự cố bục đường ống nước thải gây ngập toàn bộ hầm B1 và tràn xuống hầm B2. Tiếp đến, ngày 28/4, nước bể mái tràn xuống toàn bộ tháp B và tràn vào toàn bộ hệ thống thang máy tháp B, ảnh hưởng tới chất lượng căn hộ đã bàn giao.

Hiện, việc thi công xây dựng tại tầng 3, tầng 4, tòa nhà A, B tại dự án Helios Tower vẫn đang được UBND phường Mai Động ra quyết định đình chỉ.

Xem chi tiết: Tại đây

8. Chung cư Mipec Riverside Long Biên

Khoảng 17 giờ chiều ngày 8/5/2017, hàng trăm cư dân sống tại chung cư Mipec Riverside Long Biên (số 2 Long Biên, Hà Nội) đã tập trung trước sảnh tòa nhà treo băng rôn, hô khẩu hiệu để phản đối những vướng mắc sau một thời gian ngắn chuyển về sinh sống.

Nguyên nhân dẫn tới bức xúc là do cư dân tại chung cư này phải chịu mức phí gửi xe ô tô là 1,8 triệu đồng/tháng và 80 ngàn đồng/xe máy/tháng. Với mức phí gửi xe ô tô như thế này tại chân cầu Long Biên là quá cao, thậm chí cao gấp đôi so với nhiều nơi. 

Cư dân tập trung phản đối việc thu phí dịch vụ và phí gửi xe quá cao.  

Bên cạnh đó, tại chung cư này, rất nhiều cư dân cũng bức xúc về việc CĐT áp dụng phí dịch vụ chưa tương ứng với lợi ích cư dân được hưởng. “Phải đóng 10 ngàn đồng/m2/tháng là quá cao trong khi gần như chưa có bất cứ một tiện ích gì: Khuôn viên không có, cây xanh cũng không hề có nốt, bể bơi thì chưa xong...”.

Nhiều cư dân cho biết, họ đã nhiều lần kiến nghị tới chủ đầu tư nhưng không được giải quyết. Để đấu tranh đòi quyền lợi, cư dân sẽ tiếp tục căng băng rôn phản đối CĐT trong nhiều ngày.

Được biết, dự án chung cư Mipec Riverside Long Biên là tổ hợp Trung tâm thương mại và căn hộ tọa lạc tại vị trí cạnh cầu Long Biên. Dự án do Công ty Cổ phần Hóa dầu Quân đội (MIPEC) làm CĐT. 

Xem chi tiết: Tại đây

9. Dự án Chung cư Hồ Gươm Plaza

Dự án Trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở cao cấp Hồ Gươm Plaza do Công ty Cổ phần may Hồ Gươm là CĐT. Chung cư gồm 3 khối nhà A, B, C cao 29 tầng, trong đó tòa nhà A, B từ tầng 6 - 29 là căn hộ chung cư cao cấp.

Theo Hợp đồng mua bán căn hộ, CĐT cam kết bàn giao nhà vào Quý IV/2013, tuy nhiên, công trình đã phải chậm tới Quý II/2014 mới bắt đầu bàn giao. Thời điểm cư dân về ở, công trình khi đó vẫn còn ngổn ngang nhiều hạng mục như thang máy, khu vui chơi trẻ em…

Cư dân chung cư Hồ Gươm Plaza đội mưa phản đối các sai phạm chủ đầu tư.  

Cư dân chung cư Hồ Gươm Plaza đội mưa phản đối các sai phạm chủ đầu tư.

Theo phản ánh của cư dân Hồ Gươm Plaza, những bức xúc chủ yếu trong việc xây dựng tòa nhà, dịch vụ quản lý, hạ tầng và tiện ích. Cụ thể, tòa A theo thiết kế ban đầu được duyệt căn hộ chung cư cao cấp từ tầng 6 - 29, mỗi tầng 14 căn hộ nhưng CĐT đã xây thêm 2 căn hộ mini diện tích dưới 40m2 tại mỗi tầng để bán cho khách hàng.

Tòa C theo thiết kế được duyệt là văn phòng từ tầng 6 - 29 nhưng đến nay, chủ đầu tư đã xây dựng và chuyển đổi từ tầng 14 - 29 để chia nhỏ thành những căn hộ dưới 60m2.

Ngoài ra, liên quan tới vấn đề phí dịch vụ, Ban đại diện dân cư đã làm việc với chủ đầu tư nhiều lần nhưng 2 bên không đạt được tiếng nói chung. Theo cư dân, việc thu phí dịch vụ với giá 6.500 đồng/m2 ở đây không tương xứng với các dịch vụ mà họ đáng ra phải được hưởng.

Bên cạnh đó, cư dân còn bức xúc bởi trạm điện kỹ thuật gây tiếng ồn, mùi thức ăn chế biến từ nơi kinh doanh của Big C, sự bất hợp lý trong việc xử lý rác thải, hệ thống PCCC và việc bàn giao quỹ bảo trì 2% chậm chễ...

Đến nay, sau gần 3 năm kể từ khi bàn giao, cư dân Hồ Gươm Plaza luôn tỏ ra bức xúc và đã nhiều lần phản đối quyết liệt chủ đầu tư bằng hình thức căng băng rôn.

Xem chi tiết: Tại đây

10. Chung cư C14 Bắc Hà

Sáng ngày 15/1/2017, hàng chục hộ dân đang sinh sống tại tòa nhà CT1 và CT2, thuộc chung cư C14 phường Trung Văn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã tập trung và căng băng rôn dưới khuôn viên tòa nhà, phản đối việc chủ đầu tư tự ý cắt nước.

Được biết, Dự án nằm trong tổng thể quy hoạch Khu đô thị mới Trung Văn - Hà Nội. Dự án bao gồm 02 khối nhà CT1, CT2 cao 32 tầng với các chức năng như chung cư cao cấp, văn phòng cho thuê, siêu thị, khu vui chơi giải trí, công viên… Dự án do Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Bắc Hà (Công ty Bắc Hà) làm CĐT.

Cư dân buộc phải xuống đường để đòi quyền lợi khi Ban quản lý tự ý cắt nước, chủ đầu tư chây ì trả phí bảo trì...

Tuy nhiên, cư dân đã về 2 tòa nhà CT1, CT2 trong một thời gian dài, CĐT không bàn giao công tác quản lý, vận hành tòa nhà cho BQT tòa nhà và tự ý cắt nước của người dân. Sáng ngày 15/1/2017, hàng chục hộ dân đang sinh sống tại đây đã tập trung và căng băng rôn dưới khuôn viên tòa nhà, phản đối việc chủ đầu tư tự ý cắt nước.

Nguyên nhân được cư dân phản ánh là do, từ ngày 13/1/2017, Ban quản lý tòa nhà là Công ty Friendly (công ty con của Công ty Bắc Hà) đã cắt nước của 2 hộ gia đình. Những hộ gia đình này đều có chồng thường xuyên đi vắng và có con nhỏ.

Không dừng lại ở đó, Ban quản lý còn nói sang tới ngày 20/1/2017 sẽ cắt hết nước của toàn bộ các hộ gia đình. Trước việc làm của Công ty Friendly, cư dân tại đây đang rất hoang mang, lo lắng. Theo phản ánh, nhiều người đã xuống nộp tiền nước thì Ban quản lý không thu…

Bên cạnh đó, hàng trăm hộ dân sinh sống tại đây cũng đã nhiều lần làm đơn gửi tới các cơ quan chức năng, phản ảnh việc chủ đầu tư có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quá trình xây dựng dự án, quản lý, sử dụng chung cư; có dấu hiệu sai phạm trong quá trình quản trị vận hành tòa nhà, có dấu hiệu sai phạm trong quá trình quản trị vận hành tòa nhà.

Đặc biệt, trong đơn gửi cơ quan chức năng, BQT toàn cụm chung cư (được thành lập từ năm 2014) đã nhiều lần gửi văn bản yêu cầu Công ty Bắc Hà phải chuyển trả 2% phí bảo trì theo quy định của Luật Nhà ở, nhưng tới nay doanh nghiệp vẫn chưa có bất kỳ động thái gì…

Ngoài ra, cư dân tại đây cũng phản ánh thêm, trong suốt 2 năm kể từ thời điểm chủ đầu tư và Công ty Friendly quản lý vận hành không thực hiện nghĩa vụ báo cáo tài chính cho Ban quản trị theo quy định của Luật Nhà ở và các văn bản hướng dẫn thi hành. Việc thu phí quản lý dịch vụ của cư dân chỉ có phiếu thu, không xuất hóa đơn VAT, có dấu hiệu vi phạm pháp luật về kế toán tài chính./. 

Xem chi tiết: Tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top