Aa

Quá nhiều lợi ích khi đánh thuế nhà, tăng thuế đất!

Yên Trung
Yên Trung huongbt.ajc@gmail.com
Thứ Năm, 19/04/2018 - 06:01

Đóng góp cho sự phát triển đô thị; giúp giảm giá bất động sản; người dân có nhiều cơ hội mua nhà hơn; giảm tình trạng đầu cơ bất động sản; giải quyết được các dự án treo lâu năm;... là những tác động tích cực mà Luật Thuế Tài sản mang lại khi được đưa vào thực thi. Theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nên đánh thuế nhà, tăng thuế đất càng sớm càng tốt.

PV: Dư luận những ngày này có thể nói là đang “sôi sục” vì thông tin dự án Luật Thuế tài sản đang được Bộ Tài chính trình lên Chính phủ, chờ đưa ra Quốc hội xem xét. Trong đó, vấp phải phản ứng dữ dội nhất là câu chuyện tăng thuế đất và đánh thuế nhà từ 700 triệu đồng trở lên. Dường như sắc thuế này là bất hợp lý, thưa ông?

GS.TSKH Đặng Hùng Võ: Tất cả những ý kiến phản đối của dư luận bắt nguồn từ việc không hiểu đúng bản chất của sắc thuế này.

Mục tiêu của thuế nhà không phải đánh vào tài sản nhà ở mà là sự đóng góp của cư dân sinh sống tại một khu vực cho sự phát triển của khu vực đó, để tránh trường hợp cứ phải sử dụng vốn vay để xây dựng, nâng cấp hạ tầng đô thị, công trình công cộng. Rõ ràng là, làm đường đô thị thì người dân phải đóng góp chứ không ai mang tiền ở đâu đến để làm đường, làm hạ tầng cho người dân đô thị tận hưởng, cả các công trình công cộng, công trình văn hóa cũng vậy.

Anh đóng góp càng nhiều thì anh được thụ hưởng càng nhiều. Sở dĩ có việc chúng ta phải sử dụng các nguồn vốn khác để xây dựng, nâng cấp hạ tầng đô thị là bởi mức thuế hiện nay chúng ta thu quá thấp, không đủ. Vậy thì ta phải thu thuế để thể hiện sự đóng góp của tất cả dân cư đô thị. Nếu thu nhập không đủ nộp thuế nhà đất thì nên chuyển ra ngoại vi, về nông thôn sinh sống. Ví dụ như ở Hà Nội, nếu anh tìm kiếm được 1 công việc với 1 thu nhập đủ để đóng thuế thì anh hãy ở đây, còn nếu không thì hãy di dân ra khu vực ngoại vi. Đây cũng là yếu tố thể hiện rằng, việc đánh thuế như vậy còn có thể giúp phân bố được dân cư đô thị.

Ở các nước phát triển, có một nguyên tắc, “thành công là khi sử dụng được nguồn lực đất đai tốt nhất”, mà một trong những phương thức để sử dụng nguồn lực từ đất đai chính là thuế đất, thuế nhà. Đối với nhiều nước trên thế giới, nguồn thu từ nhà đất chiếm tới 30% tổng thu ngân sách nhưng ở Việt Nam, hiện con số này chỉ khoảng 0,04%. Tổng thu từ thuế cũng chỉ khoảng chưa đến 0,4%. Mức thu như vậy là quá thấp, không đủ để xây dựng, nâng cấp hạ tầng đô thị, công trình công cộng.

PV: Vậy là ông đồng ý với sắc thuế mới của Bộ Tài chính?

GS.TSKH Đặng Hùng Võ: Tôi hoàn toàn đồng ý, thậm chí theo tôi đến giờ mới áp dụng đã là quá muộn, là tình trạng “nước đến đầu gối mới nhảy”. Thực tế, từ năm 2002, Bộ Tài chính đã đặt ra vấn đề về việc đánh thuế tài sản, đánh thuế bất động sản. Nhưng cuối cùng, sau một thời gian nghiên cứu quá dài, năm 2010, Quốc hội quyết định chỉ đưa ra áp dụng Luật Thuế Sử dụng đất phi nông nghiệp, mà chưa đánh thuế nhà. Đây là phương án đơn giản nhất được thông qua, có hiệu lực từ năm 2012.

Đến nay chúng ta mới tiếp tục bàn lại việc nâng thuế đất, bắt đầu đánh thuế nhà tôi cho rằng hơi muộn, đáng lẽ chúng ta phải làm sớm hơn từ lâu rồi. Nhưng dù muộn vẫn buộc phải làm.

Theo lộ trình, để dự án Luật này được Quốc hội thông qua, có lẽ phải đến năm 2020 mới có thể đưa vào áp dụng. Nhưng tôi cho rằng Quốc hội nên coi đây là một luật đặc biệt quan trọng, cần xem xét gấp rút để có thể thực hiện càng sớm càng tốt.

Tuy nhiên, trước mắt nên chỉ đánh thuế ở khu vực đô thị, được quy hoạch thành đô thị và vùng ngoại vi, còn vùng nông thôn và miền núi thì chưa cần. Vì ở đó, nhà, đất của người dân có thể rộng nhưng giá trị không nhiều và cơ sở hạ tầng còn kém, chưa phát triển. Họ không được thụ hưởng nhiều thì không nên bị đánh thuế.

PV: Hiện mức thuế đất mà người dân đang phải nộp hàng năm là 0,03%, nếu dự án Luật Thuế tài sản được đưa vào thực thi, con số này sẽ khoảng 0,3 - 0,4%, tăng khoảng 10 lần. Liệu có quá cao không thưa GS?

GS.TSKH Đặng Hùng Võ: Một lần nữa tôi khẳng định, tôi đồng ý với mức thuế đất trong dự án Luật Thuế tài sản mà Bộ Tài chính mới đề xuất.

Một trong những kinh nghiệm tốt nhất trên thế giới là nên tách thuế đất và thuế nhà riêng. Tức là thuế đất chỉ đánh dựa trên giá trị đất đai bởi vì đấy là cách đánh dễ nhất, nó thể hiện được sự chênh lệch giá trị đất đai giữa các khu vực, thành thị với nông thôn, trung tâm đô thị với vùng ven đô,... Ở nông thôn giá trị đất thấp thì thu thuế thấp, đô thị càng phát triển giá trị đất càng cao thì thu thuế cao.

Hiện chúng ta đã làm được điều đó, thu thuế đất theo giá trị đất và tách thành 1 sắc thuế riêng, không gộp chung với thuế nhà và không đánh thuế theo đơn vị bất động sản. Điều này thuận cho sự phát triển. Tuy nhiên, mức thuế đang áp dụng hiện nay là quá thấp, 0,03%, thậm chí người dân có khi không có khái niệm về việc nộp thuế. Mức thuế này không đủ để làm gì cả, không ngăn chặn được đầu cơ, không đủ để dùng cho đầu tư phát triển hạ tầng, công trình công cộng.

Đề xuất tăng thuế đất lên 0,3 - 0,4% là hoàn toàn phù hợp. Bởi với mức thuế này, sẽ tạo được nguồn thu lớn, có thể ngăn chặn được đầu cơ đất đai, làm cho thị trường lành mạnh hơn và quan trọng nhất là các đô thị có ngân sách để nâng cấp hạ tầng.

Nếu cả gia đình, bám trụ ở trung tâm đô thị phát triển, nhưng thu nhập cả nhà không đủ để nộp thuế nhà đất, tức là không đóng góp được gì cho việc phát triển hạ tầng khu vực gia đình đó đang sinh sống, thế thì họ nên chuyển đến những khu vực mà thuế thấp hơn, để đảm bảo nghĩa vụ nộp thuế. Hoặc là tìm cách kinh doanh trên chính nhà, đất mình đang có như cho thuê… như vậy sẽ làm cho hiệu quả sử dụng nhà cao hơn.

PV: Ông vừa nói là ông đồng tình với đề xuất tăng thuế đất của Bộ Tài chính, nhưng còn một sắc thuế nữa là thuế nhà thì sao?

GS.TSKH Đặng Hùng Võ: Tương tự với thuế đất, Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế nhà cũng dựa trên giá trị. Nhưng theo tôi, cách này sẽ làm cho thị trường nhà ở bị “teo” lại. Sẽ không còn ai muốn đầu tư cho ngôi nhà của mình nữa, bởi càng đổ tiền chăm chút cho ngôi nhà của mình thì càng phải chịu thuế cao.

Hơn nữa, trong khi chúng ta đang ngày càng hướng đến mục tiêu xây dựng các khu đô thị thông minh, để góp phần phát triển một đô thị hiện đại, với những ngôi nhà thông minh thì việc đánh thuế nhà dựa trên giá trị sẽ làm triệt tiêu các sản phẩm bất động sản như vậy. Hệ quả là, tạo nên một thành phố ngày càng manh mún.

Tôi cho rằng, đánh thuế nhà dựa trên giá trị là một chiến lược sai lầm.  

PV: Nếu đã là sai lầm vậy theo GS đâu là phương pháp hợp lý?

GS.TSKH Đặng Hùng Võ: Nên chuyển hướng đánh thuế nhà theo diện tích bình quân đầu người.  Trong trường hợp này, chúng ta cũng vẫn có thể miễn thuế đối với những căn nhà mà diện tích bình quân quá thấp, nhưng chỉ trong một giai đoạn nhất định. Còn về nguyên tắc, tất cả những ai ở đô thị thì cùng đều phải đóng thuế. Bởi như đã nói ở trên, bản chất của thuế nhà, đất là sự đóng góp cho sự phát triển hạ tầng đô thị nên mọi người có vai trò như nhau trong việc nộp thuế.

PV: Có thể thấy rằng, nguyên nhân lớn nhất khiến dư luận phản ứng với sắc thuế mới là vì e ngại tình trạng thuế chồng thuế, theo GS, liệu điều này có xảy ra?

GS.TSKH Đặng Hùng Võ: Thuế chồng thuế, nếu có, chỉ xảy ra đối với trường hợp sắc thuế mới đánh vào những nhà, đất đưa vào cho thuê cũng như cơ sở kinh doanh nhà hàng, dịch vụ. Bởi nhóm đối tượng này đã phải chịu thuế thương mại, là thuế môn bài hoặc thuế thu nhập doanh nghiệp. Vậy câu hỏi đặt ra là đánh thuế thế nào để tránh thuế chồng thuế?

Trên thế giới, có một số quốc gia áp dụng là nếu đã thu thuế nhà thì không thu thuế thu nhập doanh nghiệp nữa, và ngược lại. Vậy ở Việt Nam, chúng ta phải lựa chọn. Hoặc là thuế nhà, hoặc là thuế thương mại. Ta phải lựa chọn 1 trong 2, nếu không thì sẽ xảy ra tình trạng thuế chồng thuế.  

PV: Thưa GS, sau sắc thuế này, chắc chắn thị trường bất động sản trong nước sẽ chịu nhiều tác động. Giá bất động sản ở nước ta hiện nay vốn đã khá cao, nhu cầu của người dân đang rất lớn nhưng chưa đủ năng lực tài chính để mua được nhà, liệu việc tăng thuế đất, đánh thuế nhà có làm cho ước mơ sở hữu nhà ở của người dân càng xa tầm tay với?

GS.TSKH Đặng Hùng Võ: Đó là một quan niệm sai lầm. Lần này, chúng ta đề xuất tăng thuế đất và có đánh thuế nhà sẽ làm cho thuế bất động sản cao hơn. Nhưng một trong những nguyên lý bất di bất dịch của thị trường bất động sản đó là thuế cao thì giá thấp còn thuế thấp thì giá sẽ cao. Họ nghĩ rằng đánh thuế nghĩa là cộng tiền vào một bất động sản, làm tăng giá bất động sản đó nhưng thực tế ngược lại.

Chúng ta tăng thuế lên thì sẽ có tác động rất tích cực lên thị trường bất động sản. Tức là giá từng bước sẽ giảm, chi phí đầu vào về đất đai giảm, chi phí cho quá trình sản xuất sẽ thấp đi, nghĩa là hàng hóa cũng sẽ được giảm giá. Đánh thuế cao sẽ làm hãm lại khả năng mua tích trữ nhà, mà chỉ còn những giao dịch bình thường của người có nhu cầu ở thực thì thị trường sẽ bình ổn hơn.

Tổng quan hơn thì là năng lực cạnh tranh quốc gia sẽ tốt hơn. Những người ít tiền cũng có thể tiếp cận được nhà ở. Tất cả những yếu tố này sẽ tạo ra được ngữ cảnh phát triển tốt hơn cho thị trường bất động sản.

Dự án luật của Bộ Tài chính còn có một nội dung là đánh thuế đối với nhà, đất lâu không sử dụng cao hơn hẳn. Điều luật này sẽ tác động trực tiếp đến các dự án treo. Thay vì Nhà nước phải thu hồi lại, mang đấu giá thì bằng sắc thuế này, doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án họ phải tự giải quyết. Hoặc là nhanh chóng thúc đẩy đưa dự án vào sử dụng hai là bán đi. Đây là một phương pháp rất tốt để điều chỉnh thị trường bất động sản vốn đang có rất nhiều dự án treo. 

- Xin trân trọng cảm ơn GS!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top