Lời tòa soạn: Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại Thủ đô Hà Nội đã xảy ra và lặp đi lặp lại trong suốt một thời gian dài. Dù thành phố đã đưa ra nhiều biện pháp xử lý nhưng ý thức của một số bộ phận người dân còn mang tính chống đối đã khiến hiệu quả của “cuộc chiến giành lại vỉa hè” chỉ mang tính thời điểm.
Vỉa hè bị chiếm dụng vì mục đích tư lợi - nếu còn tồn tại sẽ dần trở thành “điểm đen”, gây nguy cơ về mất an toàn giao thông và là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) thương tâm xảy ra do người dân phải đi bộ dưới lòng đường vì vỉa hè bị lấn chiếm nhưng không bị xử lý “đến nơi, đến chốn”.
Chính vì thế, chúng tôi khởi đăng tuyến bài về những vấn đề bất cập còn tồn đọng liên quan đến việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để thông qua đó chung tay cùng các cấp chính quyền Thủ đô trong việc tuyên truyền, xử lý triệt để các sai phạm; lập lại trật tự công cộng, trật tự đô thị cho từng địa bàn dân cư.
Các cơ quan chức năng đã và đang làm gì khi vỉa hè lòng đường bị xâm lấn bất chấp quy định pháp luật.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 35 Luật Giao thông đường bộ 2008, pháp luật không cho phép lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, chỉ được sử dụng ngoài mục đích giao thông trong một số trường hợp và phải có sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền.
Căn cứ Điều 12, Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định: Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ; mức phạt thấp nhất là “Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm: Bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng”; và cao nhất là "Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với các tổ chức thực hiện xây dựng trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ"
Theo ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội chia sẻ tại buổi Tọa đàm "Vỉa hè, chống ùn tắc và trách nhiệm công dân" cuối tháng 3/2017, có nhiều người đang kinh doanh, làm giàu trên vỉa hè, nhưng cũng có nhiều người mưu sinh nhờ vỉa hè. Có nhiều đối tượng khác nhau nên chúng ta ứng xử phải tuỳ trường hợp cụ thể và không làm máy móc.
Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng từng nêu quan điểm về vấn đề này: “Khi vỉa hè bị chiếm giữ, đồng nghĩa với mất luôn phần ngăn cách giữa hoạt động sinh sống, kinh doanh dọc theo các tuyến phố với hoạt động giao thông, dẫn đến mất trật tự ATGT, gây ùn tắc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây TNGT do người dân không có môi trường đi bộ để tiếp cận được với dịch vụ giao thông công cộng”.
Liên quan đến tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 09/2018/QĐ-UBND quy định về quản lý, khai thác và bảo trì hệ thống đường đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội và Quyết định số 24/2019/QĐ-UBND sửa đổi Điều 14 Quyết định 09/2018, tại 2 văn bản này đã điều chỉnh các quy định về việc sử dụng lòng đường, vỉa hè ngoài mục đích giao thông trên toàn địa bàn TP Hà Nội.
Thế nhưng, bằng cách nào đó tình trạng lấn chiếm vỉa hè vẫn xảy ra nhiều, thậm chí phổ biến tại Hà Nội.
Dư luận đặt ra nhiều câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan chức năng đã và đang làm gì khi vỉa hè lòng đường bị xâm lấn bất chấp quy định pháp luật? Có chăng sai phạm tồn tại nên bàn đi bàn lại không ai đủ năng lực xử lý?
Thực trạng hoạt động có dấu hiệu vi phạm, sai phạm tồn tại ở các điểm trông giữ xe tại TP Hà Nội vẫn là một vấn đề nhức nhối. Nổi cộm về vi phạm quy định sử dụng vỉa hè phải kể đến điểm trông giữ xe thuộc Công ty Hà Nội Bốn Mùa nằm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.
Nhức nhối vi phạm quy định pháp luật tại điểm trông giữ xe thuộc Công ty Hà Nội Bốn Mùa.
Công ty Hà Nội Bốn Mùa đang “thâu tóm” toàn bộ vỉa hè có vị trí trắc địa tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Không quá khó để ghi nhận những hoạt động trông giữ xe có dấu hiệu vi phạm, sai phạm của công ty này.
Điểm trông giữ xe thuộc Công ty Hà Nội Bốn Mùa nằm ngay trên dải phân cách làn đường tuyến phố Đinh Tiên Hoàng. Tại điểm trông giữ xe này tận dụng luôn phần lòng đường sát dải phân cách làm nơi trông thêm các phương tiện ô tô. Mức phí gửi xe tại đây bị "hét" 10.000đ/2 giờ, nếu quá thời gian sẽ thu thêm phí.
Qua tìm hiểu thông tin từ người dân khu vực này được biết, điểm trông giữ xe của Công ty TNHH Hà Nội Bốn Mùa đã tồn tại từ lâu, việc thu phí trông giữ xe “đồng giá” 10.000 đồng cả ngày và đêm. Người dân cũng cho biết, nếu gửi xe ngày cuối tuần, ngày lễ giá gửi tại đây sẽ được thu phí từ 15.000 đồng đến 20.000 đồng/xe máy.
Tại điểm trông giữ xe của Công ty Hà Nội Bốn Mùa, các tấm biển ghi mức giá thu rất rõ ban ngày 5.000 đồng, đêm 8.000 đồng. Bảng niêm yết giá là vậy, nhưng nhân viên trông giữ xe tại đây “vô tư” phát giá với khách hàng. Những tấm biển dường như được bày ra chỉ mang tính tượng trưng, hoặc để qua mặt cơ quan quản lý?!
Tại Thông tư số 25/2014/TT- BTC ngày 17/02/2014 của Bộ Tài chính và quyết định lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ nhưng không được cao hơn mức giá thành phố quy định, tránh gây tác động ảnh hưởng đời sống nhân dân. Giá dịch vụ trông giữ xe đạp (kể cả xe đạp điện) tại địa bàn các quận; tại các điểm danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa (không phân biệt theo địa bàn) là: Ban ngày 3.000 đồng, đêm 5.000 đồng. Giá dịch vụ trông giữ xe máy (xe máy điện) là ban ngày 5.000 đồng, đêm 8.000 đồng. Vậy mức thu phí ngày cũng như đêm gấp hai đến ba lần, tự ý quy định quá giờ gửi xe mất thêm phí của nhân viên Công ty TNHH Hà Nội Bốn Mùa là trái với quy định.
Bên cạnh đó, hệ luỵ từ điểm trông giữ xe của Công ty Hà Nội Bốn Mùa đã đẩy người tham gia giao thông xuống lòng đường bất chấp nguy hiểm; khiến tình hình giao thông trở nên lộn xộn; cảnh quan không gian đô thị nhếc nhác.
Liệu rằng Công ty Hà Nội Bốn Mùa có biết việc nhân viên trông giữ xe tự hét giá hay không? Với số tiền chênh lệch thu từ khách gửi xe sẽ về túi ai? Đáng nói những khoản thu nếu không được minh bạch thì việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của Công ty Hà Nội Bốn Mùa được thực hiện ra sao?
Trước những thông tin về vấn nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm nói chung và hoạt động của trông giữ xe có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật của Công ty Hà Nội Bốn Mùa nói riêng, PV đã liên hệ đến UBND quận. Tuy nhiên, đã hơn 01 tháng qua, UBND quận Hoàn Kiếm chưa có bất cứ phản hồi chính thức nào.
Thực trạng hoạt động có dấu hiệu vi phạm, sai phạm tồn tại ở các điểm trông giữ xe nêu trên vẫn ung dung. Dư luận đặt ra nhiều câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan chức năng đã và đang làm gì khi vỉa hè lòng đường bị xâm lấn bất chấp quy định pháp luật? Có chăng sai phạm tồn tại nên bàn đi bàn lại không ai đủ năng lực xử lý?.
Nói về vấn nạn lấn chiếm vỉa hè, sử dựng vỉa hè để kinh doanh, nhà nghiên cứu văn hóa, TS. Nguyễn Ánh Hồng đã bày tỏ quan điểm: "Vấn đề nhức nhối này đã xảy ra rất nhiều năm, chúng ta đang phải đặt ra câu hỏi chính quyền sở tại có đang dung túng, bao che cho hành vi này hay không? Chính quyền các cấp cần phải mẫn cán, quyết liệt trong việc xuống tận địa bàn từng hoàn cảnh hộ dân. Đồng thời, cần liên kết với các doanh nghiệp trên địa bàn giải quyết việc làm cho những người bán hàng rong. Chỉ có như vậy thì tình trạng này mới chấm dứt bởi ai cũng cần có việc làm để mưu sinh cả.
Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp, cửa hàng tận dụng vỉa hè làm nơi để phương tiện hay lấn chiếm kinh doanh thì cần xử lý thật nghiêm. Đây là vấn đề rất nhức nhối, nếu các cơ quan chức năng không quyết liệt thì tình trạng này sẽ kéo dài mãi" .
Có thể thấy rõ, vỉa hè ở các đường phố khu trung tâm - không chỉ có một chức năng dành cho người đi bộ. Thực tế ở bất cứ nước nào, vỉa hè cũng được xem là một nguồn “vốn xã hội” được chính quyền quản lý sao cho có lợi về kinh tế và về văn hóa - xã hội. Quản lý tốt thì lợi ích kinh tế và lợi ích văn hóa - xã hội không mâu thuẫn mà còn là điều kiện cho nhau phát triển.
Song, khai thác vỉa hè để phát triển kinh tế mà quên đi quyền và lợi ích của người dân thì cần cân nhắc kỹ lưỡng. Mặt khác, công tác quản lý chưa đủ năng lực, thiếu tinh thần trách nhiệm sẽ gây ra nhiều hệ luỵ, thậm chí tạo ra các tiền lệ xấu trong việc tổ chức, quy hoạch đô thị.
Để chấm dứt vấn nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường thành nơi trông giữ xe, thu phí trái quy định, UBND quận Hoàn Kiếm nói riêng và TP Hà Nội nói chung cần làm rõ các hoạt động kinh doanh với các đơn vị trong công tác quản lý địa điểm trông giữ xe. Đồng thời UBND các phường quản lý trực tiếp cũng cần xử lý triệt để các đối tượng vi phạm bằng các biện pháp mạnh, tăng cường lực lượng tuần tra, lực lượng an ninh, bảo vệ quyền lợi cho nhân dân, cho người tham gia giao thông.