Aa

Quản lý trật tự xây dựng đô thị Hà Nội: Còn nể nang, ngại va chạm

Thứ Ba, 14/04/2020 - 09:01

Sau gần 2 năm thực hiện thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị tại Hà Nội, các đội quản lý này có chứng minh được vai trò nòng cốt của mình trong việc giúp Hà Nội quản lý trật tự xây dựng đô thị?

Lời tòa soạn: Nhiều năm qua, những sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng đã trở thành vấn đề nhức nhối tại Hà Nội. Trước tình trạng này, mới đây chính quyền thành phố đã có những động thái mạnh mẽ, yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục các vi phạm đất đai.

Với mong muốn đồng hành cùng chính quyền Thủ đô trong công cuộc chống sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng, chúng tôi sẽ phản ánh đến độc giả những thông tin trung thực, chính xác nhất về công tác xử lý, khắc phục các vi phạm trên tại địa bàn Hà Nội. Tin rằng, với những hành động quyết liệt từ bộ máy chính quyền thành phố, các sai phạm này sẽ được xử lý triệt để trong thời gian tới.

2 năm thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị

Trước năm 2018, việc quản lý trật tự xây dựng đô thị tại Hà Nội được thực hiện theo Nghị định 26/2013/NĐ - CP ngày 29/3/2013 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành xây dựng.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, mô hình này bộc lộ nhiều vướng mắc và hạn chế như: tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm xảy ra thường xuyên; nhiều vụ việc vi phạm trật tự xây dựng đô thị có diễn biến phức tạp nhưng không được giải quyết triệt để, được báo chí và cơ quan chức năng phát hiện, gây dư luận không tốt trong quần chúng nhân dân...

Do đó đến tháng 08/2018, Thủ tướng đã ký quyết định thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã (sau đây viết tắt là cấp huyện) tại TP Hà Nội với chức năng tham mưu, giúp UBND cấp huyện thực thi các quy định trong lĩnh vực trật tự xây dựng đô thị. Thời gian thực hiện thí điểm là 2 năm từ tháng 8/2018 đến tháng 8/2020.

Thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã

Theo đó, Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị có trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn. Phát hiện, lập hồ sơ xử lý các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng đô thị theo quy định của pháp luật và theo quy định của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội. 

Đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo thẩm quyền.

Ngoài ra, Đội còn có quyền thông báo, kiến nghị và gửi tài liệu có liên quan cho Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát xem xét, khởi tố đối với người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý của Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị theo quy định của pháp luật.

Điều này giúp đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất; hạn chế tình trạng đùn đẩy, né tránh giữa các đơn vị; các hành vi vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội được được phát hiện và xử lý kịp thời. Tuy nhiên, sau gần 2 năm thực hiện thí điểm, Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị liệu đã thực hiện tốt nhiệm vụ và phát huy vai trò của mình trong việc phát triển đô thị ?

Quản lý trật tự xây dựng đô thị: Còn nhiều nể nang, ngại va chạm?

Báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý trật tự xây dựng đô thị năm 2019 và phương hướng nhiệm vụ năm 2020, ông Nguyễn Việt Dũng - Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: “Trong năm 2019, các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị đã kiểm tra 19.697 công trình, đạt 100% có hoạt động xây dựng trên địa bàn. Tỷ lệ công trình có phép, miễn phép chiếm 98,4%. Qua đó, phát hiện và thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm đối với 605 trường hợp (chiếm tỷ lệ 3,07%), giảm 2,15% so với cùng kỳ năm 2018. UBND cấp huyện, cấp xã đã xử lý dứt điểm 293/605 trường hợp (đạt tỷ lệ 78%) và đang tiếp tục giải quyết, xử lý theo thẩm quyền 212 trường hợp. Trong năm 2019, UBND cấp huyện, cấp xã cũng đã ban hành 1.128 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, tổng số tiền xử phạt trên 10 tỷ đồng”.

Ông Nguyễn Việt Dũng - Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội phát biểu tại hội nghị.

Mặc dù báo cáo kết quả là vậy, nhưng trên thực tế, quá trình thí điểm hoạt động của Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc, việc xử lý vi phạm còn chậm. Nhiều công trình xây dựng vẫn ngang nhiên vi phạm mà không giải quyết, xử lý triệt để.

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, đến nay TP còn 37 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng tồn đọng từ các năm 2015 và 2016 thuộc địa bàn 15 quận, huyện. Trong đó, quận Hoàn Kiếm đứng đầu với 8 trường hợp tồn đọng, Hai Bà Trưng (6), Thanh Xuân (5), Ba Đình và Thanh Trì (3)…

Theo ông Nguyễn Việt Dũng – Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội, thẩm quyền xử lý vi phạm trật tự xây dựng đối với các Đội này chỉ dừng lại ở việc lập biên bản vi phạm và báo cáo, đề xuất biện pháp theo quy trình của pháp luật. 

Bên cạnh đó, mặc dù đã có những quy định cụ thể về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quản lý trật tự xây dựng nhưng nhiều UBND các huyện còn chưa thực sự đề cao trách nhiệm, chưa trực tiếp chỉ đạo, điều hành ngăn chặn các vi phạm. Thậm chí, một số bộ phận còn nể nang, ngại va chạm, do đó, dẫn đến việc xử lý vi phạm còn chậm, hiệu quả chưa cao, không dứt điểm, kịp thời.

Nhận thấy những vướng mắc còn tồn đọng của việc quản lý trật tự xây dựng đô thị, tại Hội nghị tổng kết công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý trật tự xây dựng đô thị năm 2019 và phương hướng nhiệm vụ năm 2020, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các cấp chính quyền và sở, ban ngành phải đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, coi quản lý trật tự xây dựng đô thị là nhiệm vụ trọng tâm, gắn với phòng chống tham nhũng và cải cách hành chính.

Đồng thời, thành phố yêu cầu các địa phương phải nghiêm túc xem xét kiểm điểm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm và chịu trách nhiệm trước Thành ủy, UBND thành phố về tình hình trật tự xây dựng cũng như tiến độ xử lý các vi phạm tồn đọng... 

Mới đây nhất, ngày 18/2/2020, Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã ban hành văn bản 1316/SXD-TTr  đề nghị UBND các quận, huyện tập trung chỉ đạo các lực lượng của quận, huyện, UBND các xã, phường xử lý, giải quyết dứt điểm các trường hợp vi phạm tồn đọng. UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm trước UBND TP về tiến độ, thời gian xử lý dứt điểm từng trường hợp vi phạm.

Ngày 26/2, trong buổi làm việc với Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cũng đã liệt kê những vấn đề nóng, phức tạp mà Thủ đô Hà Nội đang gặp phải, trong đó có vấn đề quản lý trật tự xây dựng, quản lý đất đai trên địa bàn. Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, Thành ủy đang chỉ đạo rất quyết liệt. Đây cũng là dịp sàng lọc để đảm bảo không để những người tiêu cực, tham nhũng, có những khuyết điểm nghiêm trọng lọt vào cấp ủy các cấp. 


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top