Aa

Quản lý vốn nhà nước: Cần hành lang pháp lý lấp "lỗ hổng" chính sách

Thứ Bảy, 09/07/2022 - 06:18

Các quy định pháp luật hiện hành quy định về quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống chưa rõ ràng và thuận tiện cho việc giám sát, quản lý.

Công tác quản lý vốn tại các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống hiện còn khá nhiều hạn chế do chủ yếu các quyết định phải thông qua đại hội đồng cổ đông, các cổ đông sẽ quyết định mục tiêu và định hướng phát triển của doanh nghiệp.

Vai trò Nhà nước còn mờ nhạt

Ông Lê Minh Nam, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh mục tiêu Nhà nước đầu tư vốn vào doanh nghiệp nhằm thực hiện định hướng, điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô mang tính chiến lược trong từng thời kỳ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Song, thực tế cho thấy các doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống thì vai trò của Nhà nước rất hạn chế nếu doanh nghiệp hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.

Cụ thể, cổ đông Nhà nước chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp và tham gia quản lý doanh nghiệp dưới vai trò cổ đông (thông qua quyền biểu quyết tương ứng với tỷ lệ vốn góp theo quy định của Luật Doanh nghiệp).

Hơn nữa, ông Nam cho biết các quy định pháp luật hiện hành quy định về quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống chưa thật sự cụ thể, rõ ràng và thuận tiện cho việc thực hiện quản lý và giám sát hiệu quả vốn Nhà nước.

Ông Nam dẫn chứng Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định về tiêu chí xác định doanh nghiệp Nhà nước "là doanh nghiệp trong đó Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ” và Luật Kiểm toán Nhà nước hiện hành quy định đơn vị được kiểm toán của là doanh nghiệp Nhà nước. Điều này có thể dẫn tới những quan điểm cho rằng Kiểm toán Nhà nước chỉ có thể thực hiện kiểm toán đối với các doanh nghiệp Nhà nước (do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ) còn những doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu dưới 50% không phải là đối tượng thuộc diện kiểm toán.

Trong khi đó, thực tế cho thấy tại một số doanh nghiệp Nhà nước sở hữu vốn điều lệ với tỷ lệ % thấp nhưng giá trị số tuyệt đối lại cao. Vì vậy, ông Nam chỉ ra nếu chỉ nhìn vào quy mô vốn đầu tư Nhà nước vào doanh nghiệp. Hơn nữa, việc quản lý, điều hành mà không có những thông tin đầy đủ, toàn diện, dễ tạo nên việc buông lỏng, thiếu kiểm soát và thiếu góc nhìn cụ thể.

“Thực trạng đó đòi hỏi công tác quản lý Nhà nước đối với các doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống phải được cải thiện cũng như đổi mới cơ chế quản lý người đại diện, đánh giá lại mục tiêu hoạt động và cơ chế đầu tư hiện đang là nút thắt lớn đối với sự phát triển của các đơn vị này” ông Nam nói.

Cụ thể hơn, ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng ban, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp chỉ ra hiện nay chưa có bức tranh tổng thể tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa, vì vậy chưa có đánh giá tổng thể về việc các mục tiêu sau cổ phần hóa có được thực hiện hay không; trong đó có các vấn đề về sử dụng tài sản, đất đai và lực lượng lao động sau cổ phần hóa.

"Bên cạnh đó, các cấp quản lý lại rất khó khăn để tiếp cận các doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ để đánh giá tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh" ông Long nói.

Về vấn đề này, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định Luật Kiểm toán Nhà nước 2015 đã mở rộng hơn diện đối tượng kiểm toán. Theo đó với những công ty cổ phần Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ. Kiểm toán Nhà nước không kiểm tra toàn bộ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mà là kiểm tra xem vốn Nhà nước nằm ở đây có an toàn không, có được sử dụng hiệu quả hay không.

Nhằm tạo cơ sở pháp lý và khuôn khổ nghề nghiệp để tổ chức các công việc trong một cuộc kiểm toán, các hoạt động của đoàn kiểm toán và kiểm toán viên nhà nước đối với cuộc kiểm toán doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống, mới đây Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành Quyết định số 22/QĐ-KTNN ngày 6/1/2021 về Hướng dẫn kiểm toán doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống.

Hướng dẫn nhằm đảm bảo tính thống nhất trong việc tổ chức, thực hiện, quản lý hoạt động kiểm toán và kiểm soát chất lượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, đoàn kiểm toán, thành viên đoàn kiểm toán đối với cuộc kiểm toán doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống.

“Lỗ hổng” từ chuyển đổi mục đích sử dụng đất

Ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng ban, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cũng chỉ ra giai đoạn hậu cổ phần hóa còn nhiều sai sót cả về xử lý tài chính cũng như công tác quản lý, sử dụng tài sản công; đặc biệt là đất đai, như chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở các khu đất có giá trị lợi thế thương mại cao, không phù hợp quy hoạch, không qua đấu giá, đã gây thất thoát ngân sách Nhà nước đồng thời làm sai lệch mục tiêu cổ phần hóa.

“Việc tính tiền thuê đất 1 lần vào giá trị doanh nghiệp và cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất là ‘lỗ hổng’ để các doanh nghiệp tư nhân tham gia cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chiếm quyền sử dụng các khu đất ‘vàng’ để xây dựng nhà ở, trung tâm thương mại” ông Long nhấn mạnh.

Theo ông Long, chính điều này làm thất thoát tiền sử dụng đất vì định giá đất không sát giá thị trường đồng thời là nguyên nhân cản trở quá trình phát triển nền kinh tế, gây nên tình trạng giải thể doanh nghiệp, làm người lao động thất nghiệp sau cổ phần hóa do sau khi “thâu tóm” doanh nghiệp thì chuyển đổi mục đích sử dụng đất, bán máy móc, thiết bị, cho công nhân nghỉ việc.

Do đó, ông Long cho rằng các báo cáo kiểm toán là một nguồn thông tin bổ sung cho các cấp, các ngành nhìn nhận, đánh giá hiệu quả của công tác cổ phần hóa mang lại.

Mặt khác, tiến sỹ Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế chỉ ra việc giám sát của Quốc hội nói riêng và giám sát nói chung đối với quản lý phần vốn nhà nước tại khu vực doanh nghiệp này bị hạn chế rất nhiều do chưa có quy định về thực hiện kiểm toán Nhà nước để làm căn cứ đánh giá hiệu quả quản lý vốn của doanh nghiệp (trong đó có phần vốn Nhà nước, người đại diện vốn, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn tại doanh nghiệp).

Theo đó, ông Ánh kiến nghị cần mở rộng và đẩy mạnh kiểm toán Nhà nước đối với những doanh nghiệp có vốn nhà nước dưới 50% là yêu cầu cần thiết và cấp bách trong quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

“Kết quả kiểm toán Nhà nước sẽ cung cấp những cơ sở quan trọng để hoàn thiện các quy định cụ thể về quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, về quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu cũng như người đại diện vốn Nhà nước tại doanh nghiệp,” ông Ánh nói./.

Từ khi Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015 có hiệu lực đến 30/6/2021, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện kiểm toán và phát hành 4 cuộc kiểm toán độc lập và 23 cuộc kiểm toán đối với doanh nghiệp có vốn Nhà nước dưới 50% và kiến nghị tăng thu ngân sách Nhà nước 82 tỷ đồng.

Kiểm toán Nhà nước chỉ ra các sai sót chủ yếu là các khoản thu còn chưa chuẩn xác trong việc kê khai, xác định thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất… các đơn vị chưa thực hiện đúng theo các quy định của Luật Thuế và các quy định của Nhà nước có liên quan.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top