GDP quý III/2023 tiếp tục phục hồi nhẹ, với mức tăng 5,33% so với cùng kỳ; chế biến, chế tạo và nhóm tiêu dùng đóng góp lớn nhất vào mức tăng trưởng. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, GDP tăng 4,24%, với xuất khẩu ròng đóng góp gần 50%, tiêu dùng cuối cùng và tích lũy tài sản tăng thấp.
Một số nhóm ngành chiếm tỷ trọng cao trong GDP quý III đều có diễn biến không quá tích cực như chế biến, chế tạo tăng 5,6% so với cùng kỳ, nhưng chỉ số sản xuất công nghiệp ở các sản phẩm chủ lực vẫn ở mức yếu như điện tử, vi tính (tăng 3,2%), dệt may (tăng 5%); bán buôn, bán lẻ tăng 8,15% so với cùng kỳ, nhưng tăng trưởng doanh thu bán lẻ danh nghĩa ở mức 7,3%, do tiêu dùng yếu và đóng góp doanh thu từ ngành du lịch chậm lại. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh bất động sản chưa cho thấy sự cải thiện khi giảm 1% (quý II giảm 1,1%) so với cùng kỳ.
Kỳ vọng, GDP quý IV sẽ tích cực hơn, một trong những động lực là đầu tư công đang được đẩy mạnh khi giá trị giải ngân trong tháng 9 tăng 34% so với tháng 8 và tăng 21% so với cùng kỳ. Tính đến hết tháng 9/2023, tỷ lệ giải ngân đầu tư công đạt 51,4% kế hoạch Thủ tướng giao và tăng 43,5% so với cùng kỳ. Chính phủ đặt mục tiêu giải ngân 95% (hơn 676.000 tỷ đồng) kế hoạch đầu tư công trong năm nay (hơn 711.000 tỷ đồng, tăng 23% so với kế hoạch năm ngoái).
Tuy nhiên, tỷ giá USD/VND có thể tiếp tục chịu áp lực, dù đã tăng tới 3,1% trong tháng 9, do đồng USD mạnh lên (chỉ số DXY tăng 3,2%). So với đầu năm, tỷ giá tăng 2,8%, cao hơn mức tăng của DXY (2,6%).
Đồng USD mạnh lên nhờ kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian lâu hơn, tạo áp lực cho VND, dù nguồn cung ngoại tệ vẫn tích cực như FDI giải ngân 9 tháng đạt 15,9 tỷ USD (tăng 2,2% so với cùng kỳ), cán cân thương mại tính đến hết tháng 9 thặng dư gần 21,7 tỷ USD (cùng kỳ là 6,9 tỷ USD). Bởi lẽ, Ngân hàng Nhà nước vẫn đang thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng, hỗ trợ kinh tế tăng trưởng.
Nhằm ổn định tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước đã mở lại kênh tín phiếu để hút tiền về kể từ ngày 18/9 đến nay (thay vì tăng lãi suất điều hành hay bán ngoại tệ). Việc này có thể giúp tìm ra điểm cân bằng tối ưu giữa tỷ giá và lãi suất thị trường 2, đồng thời hạn chế tác động lên lãi suất trên thị trường 1, nhất là khi hệ thống ngân hàng dư thừa thanh khoản.
Tính đến ngày 20/9/2023, cung tiền (M2) tăng 4,75% so với đầu năm (cùng kỳ tăng 2,49%), huy động tăng 5,8% (cùng kỳ tăng 4,04%), tín dụng tăng 5,75% (cùng kỳ tăng 10,54%). Theo đó, mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục giảm, về lại mức thấp trong lịch sử (như giai đoạn giữa năm 2021). Mặt bằng lãi suất cho vay cũng giảm, nhưng với tốc độ chậm hơn.
Tuần này bước vào mùa cao điểm công bố kết quả kinh doanh quý III/2023 của các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán. Nhiều khả năng, mức suy giảm của tổng lợi nhuận tiếp tục thu hẹp (tổng lợi nhuận quý II giảm 12,9% so với cùng kỳ), sau đó sẽ tăng trưởng vào quý IV, khi áp lực nền so sánh cao giảm rõ rệt nếu nhìn vào mức tăng trưởng âm 33,5% ở quý IV năm ngoái.
Một số nhóm ngành đang có tín hiệu tích cực như phân bón (giá urê tăng), khu công nghiệp (dòng vốn FDI tích cực), chứng khoán (thanh khoản thị trường cải thiện), dệt may, thủy sản (đơn đặt hàng có triển vọng hồi phục)…
Với thông điệp của Fed trong tháng 9 là mức lãi suất có thể “cao hơn và kéo dài hơn”, cùng biến số từ cuộc họp chính sách vào ngày 1/11 tới, thị trường chứng khoán trong ngắn hạn dự kiến vẫn có những thách thức và biến động mạnh. Thị trường chỉ thật sự cân bằng cho đến khi vấn đề tỷ giá, lạm phát được kiểm soát và nền kinh tế lấy lại động lực tăng trưởng rõ nét.
Trong bối cảnh đó, nhóm cổ phiếu đáng quan tâm là cổ phiếu của các doanh nghiệp đầu ngành, lợi nhuận quý III khả quan và có triển vọng tăng trưởng trong các quý tiếp theo./.