Aa

“Quan” thanh tra như thế thì... chết dân!

Thứ Sáu, 25/08/2017 - 23:30

Cơ quan Thanh tra Nhà nước vốn là nơi được nhiều người dân gửi gắm sự tin cậy một khi lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, cần thiết phải gửi đơn khiếu nại, tố cáo.

Thanh tra Nhà nước cũng là một cơ quan quan trọng trong bộ máy Nhà nước, có hẳn một Bộ luật riêng để điều chỉnh, đó là Luật Thanh tra. Trong đó, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn ở mỗi cấp, mỗi lĩnh vực là rất rõ ràng.

Thế nhưng, trong thực tiễn, nhiều cán bộ thanh tra hoặc là do non kém về nghiệp vụ, hoặc do thiếu thông tin và hiểu biết, hoặc do văn hóa ứng xử hạn chế, rồi cũng có trường hợp tha hóa về đạo đức... mà khiến lòng tin của người dân vào cơ quan này bị suy giảm. Xin nêu câu chuyện vừa xảy ra mới đây ở thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai làm ví dụ.

Cách đây 2 tháng, Thanh tra thị xã An Khê nhận được đơn tố cáo của bà Vương Thị Hương Lan, sinh năm 1964, địa chỉ cư trú tại tổ 6, phường Ngô Mây, thị xã An Khê, với nội dung: “Chủ tịch UBND phường Ngô Mây chiếm đất của dân”. Mảnh đất tranh chấp thực ra là một cái bàu nước, rộng khoảng hơn 3.000m2, có tên là bàu Bà Lẽ.

Trong đơn, bà Lan trình bày rằng, gia đình bà là người sử dụng hợp pháp thửa đất này từ trước năm 1972.

Bàu Bà Lẽ.

Bàu Bà Lẽ.

Gia đình bà Lan cũng đã cung cấp toàn bộ giấy tờ để chứng minh nguồn gốc sử dụng đất, chứng thư quyền sở hữu cùng với sự làm chứng của bà con hàng xóm láng giềng để thể hiện rằng, gia đình bà đã ở, sử dụng liên tục tại thửa đất này gần 50 năm nay, không có tranh chấp với bất kỳ ai.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, Chủ tịch UBND phường Ngô Mây đã bất chấp lý lẽ, cho người vào cày ủi, san lấp, trồng cỏ trên mảnh đất này và cho rằng đây là đất thuộc UBND phường quản lý và sử dụng. Vì vậy, gia đình bà Vương Thị Hương Lan làm đơn tố cáo.

Quả là trong cuộc sống thường ngày, một người dân bình thường mà “dám” tố cáo vị chủ tịch phường nơi mình đang cư trú là việc cực chẳng đã mới phải làm. Nay, với sự việc nêu trên, với hệ thống pháp luật về đất đai hiện nay, thiết nghĩ sẽ không khó để phân định được bàu Bà Lẽ thuộc quyền sử dụng của ai.

Ngày 24/8/2017, sau khi mời bà Lan lên cơ quan thanh tra thị xã làm việc, ông Vũ Tuấn Khanh, Chánh thanh tra thị xã An Khê đã ký một văn bản với nội dung hướng dẫn bà Lan viết lại Đơn tố cáo vì cho rằng, nội dung tố cáo ông Nguyễn Ngọc An, Chủ tịch UBND phường Ngô Mây, chiếm đất của gia đình bà là không có cơ sở. “Lý do là Bàu Lẽ thuộc quản lý của UBND phường Ngô Mây, đã được bàn giao cho hệ thống chính trị tổ dân phố 6 phụ trách trông coi, tích nước và điều tiết nước phục vụ sản xuất của nhân dân, ông Nguyễn Ngọc An không chiếm dụng và mục đích cá nhân”.

Đúng là “miệng nhà quan có gang có thép”. Việc quản lý Nhà nước và quyền sử dụng đất là hai việc rất khác nhau, không có bất cứ một bằng chứng nào chứng minh, không có cuộc đối chất nào, không có một sự thỏa thuận nào giữa các bên mà “quan” ở An Khê lại phán một câu xanh rờn, chuyển luôn một tài sản lớn của người dân sang một chủ sở hữu khác.

Sau khi đọc kỹ biên bản làm việc giữa Thanh tra thị xã An Khê và gia đình bà Lan mới phát hiện có đoạn viết “Bà Lan là con dâu của bà Nguyễn Thị Lập (tức Bà Lẽ), không phải là người có tư cách pháp lý để đứng ra kiến nghị các vấn đề liên quan đến Bàu Lẽ theo quy định của pháp luật”.

Đến đây, ngoài sự tắc trách đối với tài sản hợp pháp của người dân ra, bắt đầu xuất hiện một “lỗ thủng” về kiến thức pháp luật khi Chánh thanh tra thị xã An Khê xử lý vụ việc này.

Thứ nhất, ông không xác định được đâu là mấu chốt của vụ việc. Quyền sử dụng đất là một tài sản được pháp luật bảo hộ, trong đó có quyền thừa kế. Con dâu có thể không đại diện cho một chủ sở hữu nhưng họ lại có, nếu có giấy ủy quyền. Và trong vụ việc này, bà Lan đã trình ra giấy ủy quyền của chồng bà (là con trai của bà Lẽ, đang bị bệnh, không đến trình được với các cơ quan công quyền), mà thời hạn ủy quyền là cho đến khi được cấp giấy quyền sử dụng đất.

Thứ hai, theo quy định của pháp luật, nếu không có di chúc, những người trong gia đình được quyền thừa kế theo pháp luật. Như vậy, thừa kế quyền sử dụng Bàu Lẽ thuộc về con cháu trực hệ của gia đình người ta chứ không có quy định nào liên quan đến UBND phường Ngô Mây và “hệ thống chính trị tổ dân phố 6”. Trừ khi, trong gia đình của họ có một người có đủ tư cách đại diện của cả dòng họ có văn bản hiến, tặng..., được các cơ quan có thẩm quyền xác nhận đây là sự tự nguyện.

Thứ ba là một lời khuyên, cũng là khuyên theo quy định của pháp luật thôi. Tại Điều 2 trong Luật Thanh tra nói về “Mục đích hoạt động thanh tra”. Ở đây nêu rõ: “Mục đích hoạt động thanh tra nhằm phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”.

Cho nên, phải am hiểu căn kẽ cụm từ “quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân” thì các cơ quan thanh tra, mà đặc biệt trong vụ việc này là thanh tra thị xã An Khê, mới có thể hoàn thành tốt sứ mệnh của mình.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top