Aa

Đường ta rộng thênh thang... không muốn bước

Thứ Ba, 22/08/2017 - 12:00

BOT liên quan đến sinh kế của rất nhiều người dân, liên quan đến rất nhiều lĩnh vực của đời sống và xã hội. Nói thẳng ra là việc xử lý BOT, vào thời điểm này, đã liên quan đến vấn đề đại tồn vong!

LTS: Có lẽ nhà văn Nguyễn Thành Phong đã mạn phép hương hồn nhà thơ Tố Hữu mà nhắc lại câu thơ này với một tâm cảm trĩu nặng bởi những trạm thu phí BOT hiện nay trên khắp các nẻo đường. Ở đấy, đường rộng hơn xưa rất nhiều nhưng thật khó lòng nảy ra một ý thơ, dù là rất mỏng. Ở đấy, thiếu tiếng cười vui, thiếu lòng tin, thiếu niềm tự hào… Ở đấy, thừa sự ám ảnh, thừa nỗi tức giận, thừa sự áp đặt…

Dự án BOT Cai Lậy đang trở thành vấn đề nóng. Ảnh: Việt Tường/Zing

Dự án BOT Cai Lậy đang trở thành vấn đề nóng được dư luận quan tâm. Ảnh: Việt Tường/Zing

“Ta đi giữa ban ngày
Trên đường cái, ung dung ta bước
Đường ta rộng thênh thang tám thước”…

Đây là mấy câu thơ mở đầu bài thơ “Ta đi tới” của nhà thơ Tố Hữu, sáng tác vào tháng 8/1954, thời điểm sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, miền Bắc lập lại hòa bình, nhân dân ta tiến vào công cuộc xây dựng xã hội mới. Bài thơ này đã rất nổi tiếng và quen thuộc, được ngâm, được đọc nhiều lần trên đài, trên tivi, được in trong nhiều tuyển tập, được chọn vào sách giáo khoa, nhiều lần đi vào đề thi văn. Rất nhiều người trong chúng ta đã đọc, đã thuộc, đã thấy mình trong đó…

Ngành giao thông vận tải có thể tự hào vì bài thơ này. Ngoài hình tượng thơ “Đường cách mạng dài theo kháng chiến” diễn tả tâm thế và lòng tự hào dân tộc được tự do đi trong hòa bình sau bao nhiêu hy sinh và máu xương đã đổ xuống, thì đây chính là một bài thơ mô tả thật hay, thật đẹp và xúc động mạng lưới huyết mạch giao thông lan tỏa khắp đất nước, từ núi rừng, trung du đến đồng bằng, biển cả: “Đường Bắc Sơn, Đình Cả Thái Nguyên/Đường qua Tây Bắc, đường lên Điện Biên”, rồi: “Đến hôm nay đường xuôi về biển/Mới tinh khôi màu đất đỏ tươi/Đẹp vô cùng, Tổ quốc ta ơi!/Rừng cọ đồi chè, đồng xanh ngào ngạt /Nắng chói sông Lô, hò ô tiếng hát/Chuyến phà dào dạt bến nước Bình Ca”, rồi tiếp đến là những gọi mời náo nức: “Ai qua Phú Thọ /Ai xuôi Trung Hà /Ai về Hưng Hoá /Ai xuống khu Ba /Ai vào khu Bốn”. Còn nhiều nữa, trong bài thơ, những con đường “dằng dặc khúc ruột miền Trung”, lên Tây Nguyên, vào thành phố mang tên Bác, vào bưng biền Đồng Tháp, đến Mũi Cà Mau…

Cái gì hay, nhiều người thuộc, nhiều phẩm bình, thì hay sinh ra giai thoại. Câu thơ “Đường ta rộng thênh thang tám thước”, là một câu thơ hay, cất cánh từ hiện thực đất nước, vừa đi trong đêm đen trên những nẻo đường mòn trong rừng ra ban ngày trên những con đường cái lớn ngày đó. Sau này, ta làm được và được đi trên nhiều con đường rộng hơn, thế mới không bằng lòng với từ “tám thước” của nhà thơ, mới đổi ra là “Đường ta rộng thênh thang ta bước”.

Thậm chí còn có cả giai thoại là nhà thơ thần đồng Trần Đăng Khoa đã vô tư và “táo tợn” góp ý đổi ra như thế với nhà thơ hàng đầu của cách mạng và được ông vui vẻ chấp nhận. Thật ra không phải thế. Trần Đăng Khoa không dám thế và còn khẳng định “Đường ta rộng thênh thang tám thước” vẫn là câu thơ hay tuyệt và là hình tượng thi ca đầy thuyết phục. Tuy nhiên, câu chuyện giai thoại này là câu chuyện hay, hợp lý, nói lên cảm giác phơi phới của người dân ta đi trên con đường của ta trước đây.

Bây giờ, thì người ta lại muốn đổi câu thơ ấy thành: “Đường ta rộng thênh thang… không muốn bước”.

Đấy là câu chuyện liên quan đến BOT, đến hệ thống đường giao thông của ta bây giờ cùng các chính sách về thuế và phí đường bộ. Câu chuyện BOT, thuế phí liên quan đến giao thông, báo chí đề cập từ khá lâu rồi, nhưng trong tuần qua đã trở nên hết sức nóng bỏng. Rồi không chỉ trên báo chí, mà cả mạng xã hội và dư luận khắp ngõ cùng hẻm tận. Đường giao thông giờ đã thênh thang hơn rất nhiều lần. Đường vẫn là “Đường ta”, ở trên đất nước của ta cơ mà.

Tiền làm đường là ứng trước, là đi vay, nhưng cuối cùng cũng chính là ta phải trả, hàng ngày, theo thời hạn. Trả cả gốc lẫn lãi, thậm chí lãi khủng. Nhưng đường ta mà giờ ta không muốn bước nữa. Đủ các cách tránh né, đi tắt. Nếu bắt buộc phải đi, thì nhẹ là không hài lòng, là lẩm bẩm tức giận vì cảm giác bị ép, bị lột tiền. Nặng hơn thì tìm cách làm nó tắc, gom tiền lẻ để trả, cho tiền vào chai, vào bọc gói kín. Phản ứng tiêu cực thì quay ngang xe, đỗ giữa đường để phản ứng. Những hành động ấy đã xảy ra sau nhiều những đề nghị, kiến nghị. Mà khổ, đến nước này thì…

Không thể phủ nhận BOT trong những năm qua đã góp phần làm nên diện mạo hiện đại của giao thông Việt Nam. Nhiều dự án BOT đã mang đến những thuận tiện, mở mang và phát triển kinh tế và xã hội nhiều vùng đất, được rất nhiều người hoan nghênh và biết ơn.

Nhưng rõ ràng BOT đã có chuyện tiêu cực rất lớn, thậm chí là tham nhũng, là lợi ích nhóm, là vi phạm nghiêm trọng pháp luật… Thanh tra Chính phủ và một số cơ quan chức năng, các cá nhân có trọng trách, những nhà chuyên môn, các nhà khoa học, nhà kinh tế… đã chỉ ra một phần, ở một số dự án cụ thể. Báo chí và người dân đã phản ánh rất đa chiều, khá chi tiết và cả tổng thể nhiều dự án của hệ thống BOT cả nước rồi.

BOT liên quan đến sinh kế của rất nhiều người dân, liên quan đến rất nhiều lĩnh vực của đời sống và xã hội. Nói thẳng ra là việc xử lý BOT, vào thời điểm này, đã liên quan đến vấn đề đại tồn vong!

Như vậy, rất cần một cuộc “đại xử lý” kịp thời, không thể chậm trễ, một cuộc tổng thanh kiểm tra, đánh giá và dọn dẹp đến nơi đến chốn. Những cái bắt tay đen, những liên minh ma quỷ, những mưu đồ hắc ám phải bị phơi ra trước ánh sáng và bị trừng trị thích đáng.

Có như thế mới mang lại được lòng tin. Có như thế, chúng ta mới thấy con đường ấy thật là của ta và ta sẵn sàng đóng góp vào để đi qua. Ta sẽ lấy lại tư thế “Ngẩng đầu lên: Trong sáng tuyệt trần” và tâm thế “Đường ta đó, tự do cuồn cuộn” như trong bài thơ “Ta đi tới” để mà đi tới những cái đích đã nhắm đến…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top