Aa

Quản trị chung cư: Nghề hái ra tiền

Thứ Ba, 16/04/2019 - 06:01

Quỹ bảo trì 2% được coi là một trong những miếng mồi ngon, nên có không ít những người đấu tranh vì muốn tư lợi riêng từ miếng bánh ngọt này.

Nếu như trước kia thành viên của ban quản trị là những người rảnh rỗi, hưu trí, làm vì trách nhiệm và thường được gọi là "vác tù và hàng tổng", thì nay, với quyền năng được nắm giữ số tiền quỹ bảo trì khổng lồ, câu chuyện giành được 1 chân trong ban quản trị đã khiến nhiều người không ngại chấp nhận hao công, tốn sức.

Theo quy định tại Điều 103 Luật Nhà ở 2014, đối với nhà chung cư có từ 20 căn hộ trở lên thì phải thành lập ban quản trị nhà chung cư. Những người trong ban quản trị sẽ đại diện cho cư dân trong việc quản lý, điều hành các hoạt động chung của tòa nhà như thuê mướn dịch vụ bảo vệ, mua sắm, sửa chữa, cho thuê các không gian sinh hoạt chung... Họ có lương, dù khá thấp, được trích từ những khoản đóng góp chung hoặc từ quỹ bảo trì tòa nhà.

Bên cạnh những ban quản trị có tâm, làm vì trách nhiệm và không vụ lợi, thì thực tế, việc làm trưởng ban quản trị chung cư và được nắm giữ quỹ bảo trì 2% là một "miếng mồi ngon". Vì vậy, không khó hiểu khi nhiều thành viên đấu tranh tích cực để giành "miếng mồi" này.

Mới đây, một cuộc họp "đấu tố" ông trưởng ban quản trị của chung cư HUD3 Tower (121 - 123 Tô Hiệu, Hà Đông, Hà Nội), được tổ chức căng thẳng vì ông này bị nghi ngờ "đã có những hành động nhập nhèm trong chi tiêu".

Quỹ bảo trì thành

Quỹ bảo trì thành "miếng mồi ngon" với nhiều người. (Ảnh minh họa)

Theo đó, trong suốt thời gian hoạt động từ tháng 6/2016 - 4/2018, ban quản trị chung cư HUD3 Tower đã không tuân thủ việc sử dụng quỹ bảo trì của tòa nhà, việc bảo trì các thiết bị phần sở hữu chung không theo quy trình bảo trì, kế hoạch bảo trì không được thông qua hàng năm tại hội nghị cư dân.

Ban quản trị đã không bóc tách rõ các phần việc, mập mờ giữa bảo trì và bảo dưỡng để rút tiền bảo trì của cư dân. Những công việc thuộc phần bảo dưỡng thì không được phép sử dụng quỹ bảo trì để chi trả mà dùng từ tiền phí dịch vụ hàng tháng cư dân đóng cho đơn vị vận hành.

Quỹ bảo trì chỉ dùng để thanh toán các khoản thuộc kinh phí bảo trì đã được hội nghị cư dân thông qua hàng năm.

Chính sự khuất tất, không rõ ràng trong các khoản chi tiêu, gây thất thoát tiền quỹ của ban quản trị chung cư HUD3 Tower đã khiến cho cư dân tại đây vô cùng bức xúc.

Chia sẻ với VTC News, chủ đầu tư một dự án tại khu vực Vũ Trọng Phụng (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, thực tế có những cư dân đấu tranh đòi quỹ bảo trì vì... muốn làm trưởng ban quản trị.

Bởi lẽ, khi làm trưởng ban quản trị, anh ta sẽ được nắm giữ quỹ bảo trì. Với những chung cư bình dân thì số tiền này có thể là vài chục tỷ đồng. Nhưng với những chung cư cao cấp có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng.

"Tôi chỉ làm phép tính đơn giản. Nếu số tiền là hàng chục tỷ đồng thì số tiền lãi đã lên tới hàng trăm triệu đồng. Số tiền này không phải ai cũng có thể kiểm tra, nên thu lợi cá nhân rất dễ dàng.

Ngoài ra, số tiền thu từ rất nhiều dịch vụ khác như: gửi xe, siêu thị,... cũng rất lớn", vị chủ đầu tư này cho hay.

Một dự án khác ở Văn Phú, Hà Đông, cư dân phải chật vật đấu tranh với chính ban quản trị do mình từng tín nhiệm bầu ra. Sau khi ban quản trị được thành lập, phía chủ đầu tư đã bàn giao quỹ bảo trì chung cư và quyền quản trị theo quy định.

Tuy nhiên, sau khi tiếp quản, thay vì bảo vệ quyền lợi, chăm lo cho đời sống người dân, thì ban quản trị tòa nhà lại có nhiều hành động khuất tất khiến hàng trăm cư dân bị mắc kẹt giữa những khó khăn. Đặc biệt, vấn đề quản lý quỹ bảo trì và các nguồn thu khác đang trong tình trạng bất minh.

Vị chủ đầu tư tại dự án Vũ Trọng Phụng nói rằng, nguyên nhân khiến công ty không bàn giao số tiền này vì sợ bị mất. Bởi thành viên trong ban quản trị có thể ôm tiền đi bất cứ lúc nào khi nhà không phải của họ. Ngay cả nhà của họ đi chăng nữa thì giá trị căn hộ còn thấp hơn rất nhiều so với quỹ bảo trì căn hộ.

“Chúng tôi chỉ đồng ý cho ban quản trị nắm giữ quỹ bảo trì khi họ có số tài sản đảm bảo tương đương hoặc lớn hơn quỹ bảo trì mà họ nắm giữ”, vị chủ đầu tư này cho biết.

Một vị chủ đầu tư tại TP.HCM từng thẳng thắn nói: Nhiều người hiện xem việc làm trong ban quản trị chung cư là một nghề, thậm chí là một công việc hết sức béo bở, có rất nhiều quyền lợi.

Từ việc thu tiền giữ xe, phí quản lý, việc cho thuê mặt bằng, cho thuê bảng hiệu quảng cáo trên tòa nhà, dịch vụ internet, cáp truyền hình, chọn công ty quản lý... tất cả đều phải thông qua ban quản trị.

Đặc biệt là khoản tiền khổng lồ, có khi lên tới vài chục, cả trăm tỉ thu được từ phí quản lý chung cư đã làm bùng nổ tranh chấp. Số tiền này chỉ cần đem gửi ngân hàng nào đó ăn chênh lệch lãi suất hoặc được "lót tay" cũng đã rất lớn.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng cho biết, Quỹ bảo trì nhà chung cư có giá trị rất lớn. Với nhà chung cư trên 20 tầng, quỹ bảo trì đã có giá trị khoảng 20 tỷ đồng trở lên. Cá biệt, như quỹ bảo trì chung cư Keangnam lên đến khoảng 160 tỷ đồng, gấp nhiều lần vốn điều lệ của doanh nghiệp trung bình.

Vì vậy, đây là là miếng mồi ngon thu hút một số phần tử xấu trong xã hội tìm cách chui vào Ban quản trị nhà chung cư để trục lợi quỹ bảo trì.

Để quỹ bảo trì không trở thành miếng bánh ngon, ông Châu cho rằng, nên quy định chủ sở hữu nhà chung cư phải đóng kinh phí bảo trì 2% này, trong thời hạn 60 tháng (5 năm, cũng thường là thời điểm kết thúc công tác bảo hành nhà chung cư).

"Đề nghị mức đóng hàng tháng được chia đều trong 60 tháng, làm giảm nhẹ gánh nặng cho chủ sở hữu nhà chung cư và hợp lý hơn" ông Lê Hoàng Châu nêu đề xuất.

Ngoài ra, theo các chuyên gia bất động sản, việc nắm giữa quỹ bảo trì không nên đưa về ban quản trị như hiện nay, mà nên để cơ quan quản lý nắm giữ. Các việc chi tiêu, hạch toán cần được công khai, minh bạch. Chỉ khi quỹ bảo trì không còn là "miếng mồi ngon" thì sẽ không còn những kẻ tư lợi mượn danh đấu tranh vì cư dân.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top