Hội nghị do Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan liên quan tổ chức, được kết nối trực tuyến toàn quốc tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương.
Theo chương trình, Hội nghị sẽ nghe báo cáo của Chính phủ về tình hình tổ chức triển khai thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương báo cáo tham luận, phát biểu ý kiến.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, hoàn thiện thể chế phát triển là một trong ba đột phá chiến lược, thể chế là "đột phá của đột phá", là nguồn lực, động lực phát triển. Quốc hội, Chính phủ đã cùng nhau thực hiện chủ trương của Đảng, đã dành nhiều thời gian, nguồn lực cho công tác hoàn thiện thể chế nhưng đến nay thể chế vẫn là "điểm nghẽn của điểm nghẽn".
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV đã thông qua số lượng lớn luật, nghị quyết (18 luật, 4 nghị quyết quy phạm pháp luật và 17 nghị quyết điều hành kinh tế, xã hội) với sự đồng thuận, thống nhất cao của các vị đại biểu Quốc hội. Trong đó, nhiều luật, nghị quyết liên quan đến các lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội, như: Đầu tư; tài chính, ngân sách, thuế; an sinh xã hội; quốc phòng, an ninh.
Các luật, nghị quyết được thông qua đã quán triệt sâu sắc tinh thần đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật theo chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, bảo đảm ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, những điểm nghẽn về thể chế nhằm khơi thông mọi nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Theo Thủ tướng, kết quả đó đã thể hiện quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức liên quan trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, sự tham gia của đồng bào, cử tri, doanh nghiệp; tiếp tục khẳng định sự phối hợp ngày càng hiệu quả, chặt chẽ giữa Quốc hội, Chính phủ.
Thủ tướng nêu rõ: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trân trọng cảm ơn sự phối hợp, hỗ trợ, đồng hành của Quốc hội, của tập thể lãnh đạo Quốc hội trong suốt quá trình xây dựng và thông qua các luật, nghị quyết tại các kỳ họp vừa qua của Quốc hội, nhất là Kỳ họp thứ 8.
Ngay sau Kỳ họp thứ 8, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương triển khai hiệu quả các luật, nghị quyết, bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và thi hành pháp luật, cụ thể là tuyên truyền, phổ biến pháp luật; ban hành kế hoạch; phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết…
Thực tiễn chứng minh việc đưa các chính sách vào cuộc sống và phát huy hiệu quả luôn là thách thức lớn. Do đó, Hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng để đánh giá kết quả xây dựng pháp luật tại Kỳ họp thứ 8, rút kinh nghiệm để làm tốt hơn trong thời gian tới; tập trung quán triệt những điểm mới, nội dung trọng tâm, và nhiệm vụ chủ yếu cần triển khai; chia sẻ, lắng nghe ý kiến về những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc gặp phải trong quá trình triển khai thực hiện các quy định của pháp luật.
Đồng thời, củng cố niềm tin cho người dân, doanh nghiệp vào pháp luật; giúp cán bộ, công chức nắm vững các quy định, tự tin, chủ động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực thi công vụ; đặc biệt là quán triệt tư tưởng đổi mới tư duy xây dựng pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật trong giai đoạn mới với cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước, Nhân dân làm chủ.
Thời gian ít, yêu cầu cao, Thủ tướng đề nghị các đại biểu phát huy trách nhiệm, tập trung trí tuệ, trình bày báo cáo, tham luận ngắn gọn, súc tích; phát biểu ý kiến rõ ý, đi thẳng vào các trọng tâm. Theo đó, đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện yêu cầu "gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả" theo tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đồng thời, phản ánh cụ thể, khách quan công tác chuẩn bị và kế hoạch triển khai, thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, từ đó đề xuất các giải pháp khả thi, thiết thực để đưa các luật, nghị quyết vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng./.