Aa

Quốc hội thông qua Dự án 1 luật sửa 9 luật: Nới lỏng hơn cho thị trường chứng khoán

Thứ Bảy, 30/11/2024 - 07:07

Chiều 29/11, Quốc hội chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật. Đáng chú ý, Luật chính thức cho phép nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp cá nhân được mua, giao dịch, chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Với 445/450 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Đây là tên gọi chính thức của Dự án Luật, sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội xem xét bổ sung nội dung sửa đổi thêm 2 Luật (Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Thuế thu nhập cá nhân), tăng thành 9 luật, thay vì 1 luật sửa 7 luật như trước. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện, dự thảo Luật có 11 điều, bổ sung 2 điều so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội đầu Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Quốc hội thông qua Dự án 1 luật sửa 9 luật: Nới lỏng hơn cho thị trường chứng khoán- Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên họp. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

Đáng chú ý, liên quan đến Luật Chứng khoán (sửa đổi), Luật sửa 9 luật vừa thông qua đã có những quy định nới lỏng hơn cho thị trường.

Cụ thể, Luật bổ sung thêm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là tổ chức, cá nhân nước ngoài. Đồng thời, chính thức cho phép nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp cá nhân được mua, giao dịch, chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ với điều kiện nhất định.

Theo Dự thảo ban đầu của Chính phủ, chỉ cho phép nhà đầu tư tổ chức mua bán, giao dịch TPDN riêng lẻ. Nhà đầu tư chuyên nghiệp cá nhân chỉ được giao dịch TPDN riêng lẻ do tổ chức tín dụng phát hành.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định như dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua là để tránh những tác động lớn đến thị trường, bảo đảm sự công bằng giữa các doanh nghiệp phát hành thuộc các ngành, lĩnh vực khác trên thị trường và tạo văn hóa xếp hạng tín nhiệm giúp thị trường TPDN phát triển công khai, minh bạch hơn.

Một quy định mới có tính chất nới lỏng là đối với chào bán trái phiếu ra công chúng, Luật không bổ sung quy định về điều kiện chào bán trái phiếu ra công chúng phải có tài sản bảo đảm hoặc được bảo lãnh của ngân hàng.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát các văn bản quy định về xếp hạng tín nhiệm để bảo đảm quy định của Luật được thực thi hiệu quả. Bên cạnh đó, cần có giải pháp nâng cao chất lượng của tổ chức xếp hạng tín nhiệm, đẩy mạnh việc áp dụng xếp hạng tín nhiệm để bảo đảm tính công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng TPDN phát hành.

Quốc hội thông qua Dự án 1 luật sửa 9 luật: Nới lỏng hơn cho thị trường chứng khoán- Ảnh 2.

Lãnh đạo Quốc hội bấm nút thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

Luật mới thông qua cũng có một số điểm mới liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công, chi ngân sách Nhà nước.

Cụ thể, đối với Luật quản lý, sử dụng tài sản công, Luật vừa thông qua thu hẹp phạm vi đề xuất sửa đổi nội dung tại khoản 2 Điều 17 về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và các nội dung liên quan đến thẩm quyền phê duyệt đề án sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết. Nội dung này được thể hiện cụ thể tại khoản 1, khoản 7, khoản 8 và khoản 9 Điều 5 dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý. Bổ sung hình thức xử lý tài sản công tại cơ quan nhà nước "chuyển giao về địa phương quản lý".

Luật cũng quy định các nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước được bố trí từ hai nguồn (chi đầu tư công và chi thường xuyên): mua sắm, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp tài sản, trang thiết bị; chi thuê hàng hóa, dịch vụ; sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng và các nhiệm vụ cần thiết khác. Chính phủ quy định chi tiết khoản này.

Đồng thời, giữ nguyên quy định hiện hành tại khoản 10 Điều 8 và thẩm quyền phân bổ nguồn dự phòng và tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước hằng năm theo quy định tại Điều 10, Điều 59 Luật hiện hành đối với chương trình, nhiệm vụ, dự án ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn và bổ sung quy định: "Chính phủ quy định trình tự, thủ tục đầu tư, thực hiện chương trình, nhiệm vụ, dự án đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả, đúng mục đích."

Luật vừa thông qua có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, trừ một số trường hợp đặc biệt. Riêng quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tham gia mua, giao dịch, chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, quy định về vốn chủ sở hữu có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top