Rạng sáng ngày 9/12, chúng tôi bắt đầu rời Đà Nẵng đi Trung Mang, xã Ba (huyện Đông Giang, Quảng Nam). Đoàn chúng tôi đi theo đường ĐH1 dẫn vào thôn Điềm (xã Tư, huyện Đông Giang). Khi vừa qua khỏi sân vận động của xã Tư thì rẽ trái, đi qua cây cầu treo với chiều rộng chưa tới 1m để tiến vào rừng trong tiết trời rét buốt, mưa nặng hạt của mùa đông.
“Vàng tặc” làm hàng xóm với chốt bảo vệ rừng!
Đi được khoảng 40 phút thì sau lưng chúng tôi xuất hiện một người đàn ông đi xe máy chở vài can dầu, tiến lên. Đây là người chuyên cung cấp phục vụ cho các bãi khai thác vàng trái phép. Di chuyển tầm 500m, lại xuất hiện thêm một người đàn ông đi xe máy ngược chiều không biển kiểm soát, trên xe chở đầy can rỗng. Khi gặp chúng tôi, người đàn ông này lên giọng hỏi: “Các anh đi đâu vào trong này, vào đây để làm gì”?
Đi xe máy hơn một tiếng rưỡi, sau đó cuốc bộ, vất vả leo đồi, lội suối tầm 20 phút thì chúng tôi cũng đến được rừng phòng hộ tại khu vực Khe Lạnh. Qua quan sát thì rừng tại đây đã bị “vàng tặc” tàn phá từ rất lâu. Nơi đây vẫn còn đấy dấu tích của những lán trại, can dầu rỗng, can đựng hóa chất cyanua, hệ thống ống dẫn và dàn mướp đang ra trái. Xa xa là những cây gỗ lớn bị đốt cháy đen, kế bên là những cây keo nhỏ, cao khoảng 20cm được trồng trên khu vực toàn là sỏi, đá san gạt từ việc khai thác vàng trước đó.
Càng đi sâu vào bên trong, dấu hiệu của sự tàn phá đất rừng phòng hộ để tìm vàng càng bắt đầu hiện rõ. Cạnh ngôi miếu do đội khai thác 2 thuộc Xí nghiệp Liên hiệp lâm nghiệp II lập, “vàng tặc” khai thác để lại những đống đá, sỏi được chất lên cao, kế bên là những hố đất được đào sâu quá đầu người, gần đấy là con suối với 2 dòng nước không thể hòa vào nhau, nửa vàng, nửa đen. Tại hiện trường có rất nhiều mẩu giấy ghi lại tiền chi tiêu như: Ngày 4/6, tiền mua máy bơm nước; ngày 20/5, tiền sửa xe múc; ngày 13/7..., ngoài ra còn có vỏ gói lương khô, chai nhựa đựng nước vứt bừa bãi... Theo quan sát, “vàng tặc” ở đây không đãi vàng kiểu thủ công, không sử dụng các dụng cụ như xẻng, mâm đãi, tấm sắt mà dùng rất nhiều máy móc, công nghệ hiện đại để hành nghề. Điều này, chứng tỏ họ làm việc quy mô, có tổ chức, chứ không phải làm lén lút theo kiểu “đánh nhanh rút gọn” vì sợ kiểm lâm, hay chính quyền địa phương…
Có tận mắt chứng kiến sự tàn phá đất rừng phòng hộ để khai thác vàng tại đây mới thấy được sự ngang nhiên, lộng hành của các đối tượng. Hàng chục xe máy, xe múc qua lại hoạt động công khai trước mặt chốt bảo vệ rừng Khe Lạnh (thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Đông Giang) nhưng không hề thấy có sự kiểm tra, quản lý nào từ chốt bảo vệ này!
Đoàn chúng tôi lội qua khe suối trước mặt ngôi miếu để sang lô 16. Cạnh khe suối có một lán trại lớn, được lát ván kiên cố làm chỗ nằm, bên trong có hơn 20 người. Phía trước lán trại có một con đường mòn nằm sát khe suối, men theo con đường này khoảng 300m, chúng tôi đến một bãi khai thác vàng với 2 lán trại, 1 máy bơm công suất lớn, 1 đầu sàng lọc, 2 xe múc, 2 ống dây phun nước, 1 máng, xẻng, nhiều can nhưạ 30 lít đựng dầu, hoá chất... nằm ngổn ngang.
Theo ghi nhận, nơi đây có hàng chục hố sâu cả chục mét trong tổng diện tích hơn 2ha bị đào xới, nhiều gốc gỗ đường kính trên 1m cũng bị múc hạ để nhường chỗ cho việc lấy đất đãi vàng. Khi thấy sự xuất hiện của chúng tôi, các phu vàng liền tắt máy, rời khỏi hiện trường, chạy vào trong lán trại gần đó trú ẩn. Chúng tôi tiến lại khu vực lán trại nơi có 2 phu vàng vừa bỏ chạy để nắm tình hình thì họ cho biết mới được thuê lên đây làm vài ngày nên không biết gì?
Đi sâu vào bên trong là con đường đất đỏ rộng hơn 4m được mở để cho xe ô tô vận chuyển máy móc vào rừng. Men theo con đường đất đỏ này, chúng tôi đi bộ hơn 3km, tiến vào hướng Hang Chuột, nơi thượng nguồn của sông Vàng thì lúc này trời đã ngả bóng về chiều. Khi cách hiện trường khoảng 500m, trước mắt là một đại công trường mà quy mô của nó lớn gấp khoảng 10 lần so với khu vực gần chốt Khe Lạnh. Một khoảng sông dài hơn 2km, rộng chừng 100m bị xới tung cả lên để tìm vàng. Cả khu vực này có 8 lán trại, trong đó có 4 lán trại có người đang ở. Cùng với đó là 5 đầu sàng lọc, 5 máy bơm công suất lớn, 1 xe múc và hàng trăm mét ống dẫn nước, 3 máy phát điện, hàng chục cây gỗ lớn đã bị vàng tặc đốn hạ. Phần lớn số máy móc này được nguỵ trang, phủ cây rừng lên để che giấu, tránh bị phát hiện.
Khi thấy chúng tôi tìm ra được chỗ cất giấu máy móc, một thanh niên từ trong lán trại bước ra, tay cầm một con rựa giấu sau lưng, lăm le mời chúng tôi vào lán ăn cơm. Khi bị từ chối, thanh niên này đáp: “Các anh cứ ra đi, đã có người chờ các anh sẵn ngoài rồi đấy”.
Xung quanh các lán trại có gà, vịt được nuôi thả với số lượng lớn. Cá, lươn được nuôi trong các túi nilong. Tất cả để phục vụ việc khai thác vàng dài ngày. Khi thấy sự xuất hiện của chúng tôi, nhiều người bỏ chạy vào rừng, có người thì đứng từ xa ghi hình, “tác nghiệp” ngược lại. Trong một lán trại gần đó, 2 thanh niên có lẽ chưa kịp “tẩu thoát” nên đành giả vờ nằm ngủ. Sau một hồi gặng hỏi, một thanh niên tên A Rất Hoàng (27 tuổi, trú tại xã Ba) cho biết được thuê vào đây làm với tiền công mỗi ngày là 270 ngàn đồng, còn lại không trả lời thêm gì hết.
Chính quyền không biết hay làm ngơ?
Mang sự việc tìm đến chốt bảo vệ rừng Khe Lạnh để báo cáo lại tình hình ghi nhận được, chốt trưởng A Rất Rưng cho biết khu vực này thuộc địa phận thôn Gadoong, xã Tư. Khi đến nhận nhiệm vụ tại đây thì đã thấy tình trạng như thế. Bản thân và các anh em trong chốt được sếp giao nhiệm vụ đến đây để trồng rừng, còn việc khai thác vàng trái phép kia thì không biết. “Việc này các anh phải đi ra trạm mà hỏi sếp, mình chỉ được giao nhiệm vụ trồng rừng thôi, còn lại không biết gì hết”, anh A Rất Rưng nói khẽ.
Được biết, chốt quản lý bảo vệ rừng tại thôn Gadoong (chốt Khe Lạnh) chính thức đi vào hoạt động kể từ ngày 1/10/2021 theo Quyết định số 61/QĐ-BQL của Ban quản lý bảo vệ rừng phòng hộ huyện Đông Giang. Theo quyết định này, chốt quản lý bảo vệ rừng tại thôn Gadoong có nhiệm vụ: “Trực tiếp tham gia tuần tra truy quét giải quyết các điểm nóng về công tác quản lý, bảo vệ rừng và khai thác khoáng sản trong địa bàn thôn Gadoong, xã Tư theo quy định pháp luật…”.
Tuy nhiên, một trong những nhiệm vụ chính là thế nhưng khi phóng viên hỏi về tình trạng khai thác vàng trái phép cạnh khu vực mình đang chốt giữ thì chốt trưởng lại đáp không biết gì. Phải chăng khi đến nhận nhiệm vụ tại chốt bảo vệ rừng, cán bộ tại chốt này đã quên đi nhiệm vụ được phân công? Đây có phải là sự thiếu trách nhiệm của chốt bảo vệ rừng Khe Lạnh trong công tác bảo vệ rừng hay ở mức độ cao hơn là sự bắt tay ngầm với vàng tặc để rồi làm ngơ cho “vàng tặc” ngang nhiên lộng hành?
Ông Vũ Đức Thịnh, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Đông Giang, cho biết khu vực đối diện với chốt Khe Lạnh, nơi đã bị “vàng tặc” tàn phá và rời đi, thuộc sự quản lý của Ban. Khu vực này Ban quản lý nhận bàn giao lại từ UBND huyện, trước đó khu vực này đã bị cày xới, phá nát rồi bị bỏ như vậy. Đối với khu vực đang khai thác vàng trái phép gần với chốt bảo vệ rừng Khe Lạnh thì “vàng tặc” đang hoạt động tại vùng giáp ranh với đất rừng phòng hộ do Ban quản lý. Còn với khu vực hoạt động ở vị trí hướng vào Hang Chuột (khu vực khai thác vàng quy mô lớn nhất - PV) thì đất này là đất rừng phòng hộ, trước kia bị người dân lấn chiếm trái phép để trồng keo và đã bị UBND huyện thu hồi, hiện đang được UBND huyện quản lý, chưa bàn giao qua cho Ban. Ông Thịnh cũng thừa nhận, “vàng tặc” hoạt động tại vùng giáp ranh với đất do Ban quản lý, nhiều khi múc lấn chiếm qua đất của Ban nhưng đơn vị không kịp thời xử lý được vì lực lượng mỏng và những đối tượng này rất tinh vi, hay hoạt động vào ban đêm, thường lẩn trốn vào rừng mỗi khi có đoàn đến kiểm tra?!
Được biết, tình trạng khai thác vàng hoạt động tại khu vực rừng phòng hộ (thuộc xã Tư) đã được Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Đông Giang báo cáo lên UBND huyện. Tại báo cáo số 41/BC-BQL ngày 5/8/2021, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Đông Giang cho biết ngày 3 và ngày 4/8/2021, lực lượng bảo vệ rừng tuần tra, kiểm tra việc khai thác lâm khoáng sản trái phép trên địa bàn xã Tư thì phát hiện dấu hiệu đào đãi vàng thủ công. Tại hiện trường, tổ công tác không phát hiện người, chỉ phát hiện 1 máy phát điện, 200m dây điện, 300m dây ống nước, 2 lán trại... Tổ công tác đã phá hủy toàn bộ và không thu giữ bất cứ vật dụng gì. Việc tại hiện trường (giáp với thửa đất số 30) còn 1 xe múc, 1 dàn máng xối, 1 máy nổ hiệu Đông Phong, hơn 200m dây dẫn nước, Ban quản lý không có chức năng xử lý. Để tránh việc tái lấn chiếm đất lâm nghiệp cũng như việc khai thác lâm khoáng sản trái phép trên địa bàn, Ban quản lý kính báo cáo UBND huyện và chỉ đạo các ngành chức năng liên quan cử lực lượng tham gia đẩy đuổi các đối tượng vi phạm ra khỏi hiện trường.
Liên hệ với ông Avô Tô Phương, Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, ông Phương cho biết, mới nghe thông tin xã báo và đang cho các ngành xử lý. Cũng cùng chung câu trả lời trên, ông Coor Le, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Giang cho biết, đây là lần đầu tiên phòng tiếp nhận thông tin về vàng tặc tại xã Tư, phòng sẽ cử người phối hợp với xã đi kiểm tra thông tin.
Thật lạ khi tình trạng vàng tặc lộng hành tại rừng phòng hộ trên địa bàn xã Tư diễn ra đã từ lâu, bên cạnh đó Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Đông Giang đã có báo cáo gửi UBND huyện, đề nghị huyện chỉ đạo các ngành cử lực lượng tham gia truy quét nhưng khi được hỏi thì lãnh đạo huyện và phòng chức năng đều cho biết chỉ mới nắm tình hình và sẽ cho lực lượng kiểm tra!
Thật khó để chấp nhận việc “vàng tặc” ngang nhiên hoạt động ngay gần với chốt bảo vệ rừng trong suốt thời gian dài, tàn phá môi trường, gây biết bao hệ lụy, nhưng Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Đông Giang, chính quyền huyện Đông Giang vẫn làm ngơ, để cho các đối tượng thỏa sức phá nát rừng phòng hộ đầu nguồn? Trách nhiệm này cần được lãnh đạo tỉnh Quảng Nam kiểm tra, làm rõ, xử lý nghiêm để bảo vệ tài nguyên, thiên nhiên, tránh thất thu ngân sách Nhà nước từ hoạt động khai thác trái phép khoáng sản trên địa bàn…
Reatimes sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này trong các bài viết tiếp theo./.