Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh vừa ký, ban hành kế hoạch công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, căn cứ Quyết định số 72/QĐ-TTg ngày 17/1/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh tổ chức hội nghị công bố vào lúc 9 giờ ngày 16/3 tại hội trường số 1, UBND tỉnh.
Nội dung sẽ công bố Quyết định số 72 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các sơ đồ, bản đồ, cơ sở dữ liệu về quy Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Video trình chiếu giới thiệu Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trưng bày các sơ đồ, bản đồ quy hoạch liên quan cũng như trao giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư.
Hội nghị tổ chức theo đúng quy định tại Điều 40 Luật Quy hoạch năm 2017 và quy định tại Điều 5 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ. Đồng thời, thực hiện công bố đúng, đầy đủ các nội dung cơ bản, cốt lõi của Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, để các cơ quan, đơn vị, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân biết triển khai thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch.
"Hội nghị là diễn đàn quan trọng để giao lưu, gặp gỡ và lan tỏa thông tin về tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư của tỉnh Quảng Nam đến với cộng đồng các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp, các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, các tỉnh trong khu vực, trong và ngoài nước. Qua đó, thu hút các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, góp phần khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân", ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 17/1, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, phạm vi, ranh giới quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính phần lãnh thổ đất liền tỉnh Quảng Nam và vùng không gian biển được xác định theo Luật biển Việt Nam năm 2012 (10.574,86km2).
Quy hoạch xác định rõ quan điểm không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế; phát triển kinh tế với tư duy kinh tế xanh, hài hòa với tự nhiên, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp nhằm giảm thiểu chất thải phát sinh, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
Quy hoạch tỉnh Quảng Nam hướng đến mục tiêu phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030; là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên; có mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại; phát triển hàng không, cảng biển, dịch vụ logistics, du lịch, công nghiệp cơ khí ô tô, cơ khí chế tạo, điện khí mang tầm khu vực; tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt hơn 8%/năm; Khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 9 khoảng 9-9,5%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 37,5-37,8%; khu vực dịch vụ chiếm khoảng 36-37,0%; thuế trừ trợ cấp sản phẩm chiếm khoảng 16,2-17,0%. GRDP bình quân đầu người đạt trên 7.500 USD; thu hút hơn 15 triệu lượt khách du lịch…
Đầu tư Cảng hàng không Chu Lai đạt tiêu chuẩn cảng hàng không quốc tế với quy mô cấp 4F. Cảng biển Quảng Nam đạt tiêu chuẩn loại I tiếp nhận tàu đến 50.000DWT. 100% các trục giao thông quốc lộ, tỉnh lộ và các trục giao thông quan trọng kết nối các khu chức năng, các vùng sản xuất tập trung được nâng cấp, mở rộng theo quy hoạch.
Tầm nhìn đến năm 2050 Quảng Nam phát triển toàn diện, hiện đại và bền vững, mang đậm bản chất văn hóa đặc trưng con người xứ Quảng; là trung tâm du lịch quốc tế quan trọng trên cơ sở phát huy tối đa giá trị các di sản văn hóa thế giới và khu dự trữ sinh quyển thế giới…
Đáng chú ý, về phương án tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, Quảng Nam sẽ đầu tư phát triển theo mô hình cấu trúc không gian "hai vùng, hai cụm động lực, ba hành lang phát triển", phát huy tiềm năng và lợi thế địa kinh tế - văn hoá - chính trị để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo đó, hai vùng bao gồm vùng Đông (gồm các huyện, thị xã, thành phố đồng bằng ven biển) và vùng Tây (gồm các huyện miền núi). Hai cụm động lực gồm Cụm: Điện Bàn - Hội An - Đại Lộc và Cụm: Tam Kỳ - Núi Thành - Phú Ninh.