Trao đổi với Reatimes, ông Lê Trí Thanh nhấn mạnh, việc ban hành công văn số 3826/UBND-KTN ngày 25/6 để khắc phục các tồn tại, vướng mắc và tăng cường chất lượng trong công tác quy hoạch, đầu tư các khu dân cư, khu đô thị, khu dịch vụ du lịch, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Cũng theo ông Lê Trí Thanh, công tác quy hoạch, đầu tư, phát triển các khu đô thị, khu dân cư, khu dịch vụ du lịch, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh có tầm quan trọng trước mắt và lâu dài đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam. Do đó, các sở, ban, ngành, địa phương trong quá trình tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, triển khai thực hiện các đồ án quy hoạch xây dựng cần có tầm nhìn dài hạn, đảm bảo lợi ích hài hoà của Nhà nước, nhà đầu tư và cộng đồng dân cư, cần lưu ý và thực hiện:
Hỗ trợ kinh phí rà soát, lập quy hoạch chung
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, trong quá trình xây dựng “Cơ chế hỗ trợ phát triển đô thị giai đoạn 2021 - 2025” trình HĐND tỉnh, đối với các đô thị loại 5 trở lên, Sở Xây dựng phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ngành liên quan xem xét quy mô, tính chất của đồ án quy hoạch để đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí tổ chức rà soát, lập quy hoạch chung, quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch phân khu làm cơ sở lập quy hoạch chi tiết. “Việc quy hoạch và triển khai thực hiện các khu đô thị, khu dân cư, khu dịch vụ du lịch, khu công nghiệp, cụm công nghiệp phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với quy định pháp luật về đất đai. Các dự án đã đăng ký kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện, được công bố phải thu hồi đất để thực hiện dự án hoặc phải chuyển mục đích sử dụng đất mà sau 3 năm chưa ban hành quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì địa phương, cơ quan quản lý phải đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất điều chỉnh, hủy bỏ và phải công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ thu hồi đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất đối với phần diện tích ghi trong kế hoạch sử dụng đất theo quy định tại khoản 3 Điều 49 Luật Đất đai”, công văn 3826/UBND-KTN, do ông Lê Trí Thanh ký, ghi rõ.
Công tác lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ, đồ án quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch phải đảm bảo các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành của pháp luật. Trong đó lưu ý, thực hiện đầy đủ công tác lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư liên quan; thực hiện đánh giá môi trường chiến lược; lập, trình ban hành quy định quản lý kèm theo đồ án quy hoạch; dành quỹ đất để bố trí nhà ở xã hội, bãi đỗ xe, chỗ để xe, đất xây dựng công trình công cộng, cây xanh, mặt nước… đảm bảo chỉ tiêu quy định; xác định rõ quy mô dân số, loại hình xây dựng đối với đất công cộng, mật độ xây dựng đối với các loại công trình phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn; quy hoạch cấp dưới phải tuân thủ đúng và phù hợp với quy hoạch cấp trên; bố trí công trình công cộng phải theo từng nhóm nhà ở, đơn vị ở, cấp đô thị; cây xanh, tiểu hoa viên, công viên vừa phải tập trung vừa phải phân tán theo các nhóm nhà ở; tổ chức công bố quy hoạch và triển khai cắm mốc giới quy hoạch ngoài thực địa theo đúng quy định; các trường hợp đề xuất điều chỉnh quy hoạch phải nêu rõ lý do, sự phù hợp với quy định…
Kiểm tra các đồ án quy hoạch dọc hai bên đường Võ Chí Công
UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu kiểm tra, rà soát các đồ án quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch phân khu xây dựng khu vực dọc hai bên đường Võ Chí Công (ngoài phạm vi 100m cây xanh mỗi bên) để ưu tiên bố trí các dự án khu đô thị, khu dân cư, khu thương mại dịch vụ, khu công nghiệp, khu công nghệ cao (hạn chế thấp nhất việc bố trí các dự án xã hội hóa quy mô lớn, chỉ phát triển các dự án xã hội hóa theo chức năng của các khu đô thị phù hợp trong đồ án quy hoạch chi tiết).
“Trường hợp chưa thể hiện tính chất quy hoạch khu dân cư, khu đô thị, khu thương mại dịch vụ, khu công nghiệp, khu công nghệ cao tại khu vực dọc hai bên đường Võ Chí Công thì phải bổ sung, làm rõ trong các đồ án quy hoạch liên quan; kể cả làm rõ chức năng đất hỗn hợp dự kiến sẽ bố trí dân cư, đô thị, thương mại dịch vụ. Đối với các đồ án quy hoạch đã được phê duyệt, nhưng không phù hợp chức năng khu dân cư, khu đô thị, khu thương mại dịch vụ, khu công nghiệp, khu công nghệ cao thì xem xét, đề xuất điều chỉnh cho phù hợp”, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, yêu cầu.
Đối với các đồ án quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị cần xác định rõ khu vực đất hỗn hợp với các chức năng dự kiến sẽ thực hiện sau này để tính toán hệ thống hạ tầng cho phù hợp; khi lập quy hoạch chi tiết phải xác định rõ các chức năng sử dụng đất (không được để đất hỗn hợp). “Trong đồ án quy hoạch chi tiết cần nghiên cứu bố trí vị trí đất tín ngưỡng để xây dựng các nhà thờ tộc họ, đình, miếu phù hợp với phong tục và tập quán của địa phương; đất tôn giáo cho sinh hoạt tôn giáo trên địa bàn (nếu có). Đặc biệt lưu ý việc quy hoạch và triển khai thực tế các khu công viên, tiểu hoa viên, khu sinh hoạt công cộng cho nhân dân tại các khu đô thị, khu dân cư”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, lưu ý.
Đối với khu đô thị, khu dân cư có yêu cầu mỹ thuật, chất lượng cao, tạo điểm nhấn đô thị (đô thị hiện trạng hoặc đô thị theo quy hoạch từ loại 4 trở lên) phải yêu cầu chủ đầu tư tăng mật độ và đa dạng hóa các loại cây xanh, 3 tăng diện tích sinh hoạt công cộng, lót vỉa hè bằng đá, đầu tư hệ thống điện và hạ tầng viễn thông ngầm... hướng tới phát triển đô thị thông minh.
Trường hợp triển khai các dự án đầu tư khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, khu dịch vụ du lịch quy mô lớn cần nghiên cứu kỹ đặc điểm dân cư tại khu vực triển khai dự án để hạn chế thấp nhất việc giải tỏa trắng, di dời dân đến những khu dân cư mới nếu khu vực nghiên cứu dự án có dân cư tập trung đông đúc, hạ tầng tương đối đảm bảo. Các phương án thực hiện liên quan đến khu vực dân cư đang sinh sống phải được lấy ý kiến cộng đồng dân cư, đảm bảo sự đồng thuận cao trong quá trình triển khai dự án; thực hiện theo hướng:
- Ưu tiên khoanh vùng, giữ lại khu vực dân cư tập trung và yêu cầu nhà đầu tư hỗ trợ chỉnh trang hệ thống đường trong khu dân cư này theo tiêu chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu (đối với dự án tại nông thôn) hoặc tiêu chuẩn đường đô thị loại 5 tại khu dân cư (đối với dự án tại đô thị hoặc quy hoạch lên đô thị); cải tạo hệ thống thoát nước, xử lý nước thải khu dân cư và đấu nối vào hệ thống của dự án; khớp nối hạ tầng khu dân cư với hạ tầng đối ngoại bên ngoài (đưa vào hồ sơ yêu cầu để tổ chức đấu thầu hoặc lựa chọn nhà đầu tư). Chỉ di dời khi khu dân cư này không thể tồn tại do thấp trũng, chênh lệch cao trình lớn so với cốt san nền của dự án hoặc bắt buộc phải trở thành khu vực vùng lõi, khu chức năng quan trọng của dự án không thể có phương án quy hoạch khác được.
- Thực hiện giải tỏa các hộ dân sống phân tán trong vùng dự án để di dời bố trí tại tuyến đường vành đai xây mới bao quanh khu dân cư hiện hữu hoặc tuyến đường kết nối khu vực quy hoạch mới với khu vực dân cư sinh sống ổn định hoặc tuyến đường mở mới vào khu dân cư để người dân được sống tập trung với nhau. Chỉ di dời dân sống phân tán về các khu dân cư xây dựng mới ngoài địa bàn trong trường hợp tại khu vực dự án không có khu dân cư sống tập trung ổn định.
- Trong quy hoạch chỉnh trang khu dân cư hiện hữu giữ lại này, xây dựng quy chế quản lý quy hoạch theo hướng tạo điều kiện để phát triển du lịch cộng đồng, homestay, khách sạn, nhà hàng, căn hộ cho thuê tương ứng với quá trình hình thành và phát triển của dự án.
- Khi xác định phạm vi triển khai dự án đầu tư mới khu đô thị, khu dân cư, khu dịch vụ du lịch, khu công nghiệp cần nghiên cứu đặc điểm của các khu dân cư hiện hữu chịu tác động thế nào khi dự án được đầu tư xây dựng. Trường hợp có nguy cơ bị tác động tiêu cực do chênh lệch cao trình, hệ thống tiêu thoát nước, hệ thống giao thông đối ngoại... phải tính toán phương án giải quyết ngay từ đầu đồng thời với quá trình chuẩn bị triển khai các dự án nêu trên.
- Các địa phương cần ưu tiên tổ chức lập quy hoạch chi tiết 1/500 và ban hành kèm theo quy chế quản lý đối với các khu vực chỉnh trang đô thị đã được xác định trong các quy hoạch chung, quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch phân khu, làm cơ sở để quản lý chỉnh trang đô thị, đầu tư xây dựng đúng quy hoạch, giảm thiểu tối đa việc phát triển tự phát của người dân.
- UBND các huyện, thị xã, thành phố, Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai rà soát, đánh giá nhu cầu giải phóng mặt bằng, tái định cư các dự án trên địa bàn để chủ động lập quy hoạch, xây dựng kế hoạch, đề xuất các nguồn vốn để triển khai đầu tư xây dựng các khu dân cư, chủ động chuẩn bị quỹ đất để kịp thời bố trí tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng.
Phát triển đô thị ở vùng Đông
Đường Võ Chí Công là tuyến giao thông huyết mạch khu vực phía Đông, kết nối liên vùng Đà Nẵng, Quảng Nam, có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và được quản lý, khai thác như là một tuyến đường bộ cao tốc ở phía Đông; do đó, khi lập quy hoạch các khu đô thị, khu dân cư, khu dịch vụ du lịch, khu công nghiệp… nếu gần tuyến đường này thì phải quy hoạch, xây dựng hệ thống đường gom để đảm bảo đấu nối tại các vị trí đúng theo quy hoạch, đảm bảo an toàn giao thông.
Theo ông Lê Trí Thanh, đối với các khu vực định hướng hình thành đô thị mới, khu vực trọng điểm phát triển đô thị vùng Đông của tỉnh và địa bàn Khu kinh tế mở Chu Lai phải ưu tiên triển khai các dự án khu đô thị, khu dân cư có quy mô lớn đảm bảo phát triển đồng bộ, đầy đủ các hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu phục vụ nhu cầu cuộc sống của nhân dân (trừ các khu vực dự án xen kẹp giữa các khu dân cư hiện trạng, khớp nối hạ tầng kỹ thuật đồng bộ để chỉnh trang, phát triển đô thị). Hạn chế tối đa việc chia nhỏ dự án (trừ trường hợp dự án có diện tích lớn được phân kỳ đầu tư phù hợp) và phải có một hoặc một số công trình kiến trúc tạo điểm nhấn cho đô thị tương ứng với quy mô dự án.
Trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt đề cương nhiệm vụ lập quy hoạch chi tiết xây dựng khu dân cư, khu đô thị phải quy định cụ thể việc quy hoạch, đầu tư xây dựng nhà ở trên các lô đất có mặt tiền tiếp giáp dọc theo tuyến đường chính, trục cảnh quan theo quy hoạch và đảm bảo tổng diện tích đất bắt buộc xây dựng nhà ở hoặc nhà ở kết hợp thương mại (shophouse) không dưới 20% tổng diện tích đất ở khai thác trong dự án.
Trường hợp triển khai các dự án đầu tư khu công nghiệp, cụm công nghiệp cần đánh giá kỹ đặc điểm dân cư khu vực dự án để khoanh vùng, sắp xếp dân cư phù hợp. Nếu khu công nghiệp, cụm công nghiệp có bố trí các loại hình hoạt động có tiếng ồn, mùi, khí thải phải yêu cầu chủ đầu tư khu công nghiệp, cụm công nghiệp trồng cây xanh cách ly (tán rộng, chiều cao) với khu dân cư từ 30 - 50m. Nếu phải giải tỏa dân cư thì ưu tiên bố trí chung với khu ở công nhân, khu nhà ở xã hội tại địa điểm phù hợp (trong trường hợp không có khu vực dân cư tập trung để bố trí xen cư).
Đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phía Đông đường Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi yêu cầu hướng tới áp dụng các tiêu chí của khu công nghiệp sinh thái, hình thành các Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ theo quy định tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế; tăng mật độ cây xanh tập trung, cây xanh phân tán trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp và trong khuôn viên từng nhà máy, cơ sở sản xuất.
Loại bỏ tên gọi: Khu tái định cư
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu sử dụng tên gọi khu đô thị, khu dân cư trong quá trình lập quy hoạch, không sử dụng tên gọi khu tái định cư. “Chức năng tái định cư được xác định cụ thể trong đồ án quy hoạch chi tiết các khu dân cư, khu đô thị như: đất ở khai thác, đất ở tái định cư, đất xây dựng nhà ở xã hội, đất chỉnh trang...”, ông Lê Trí Thanh, nhấn mạnh. Ngoài nhu cầu ưu tiên tái định cư tại chỗ cho dự án, các khu dân cư, khu đô thị xây dựng mới phải xác định thêm quỹ đất tái định cư không thấp hơn 5% trên tổng diện tích đất ở của dự án để bàn giao lại cho địa phương phục vụ công tác bồi thường, tái định cư cho các dự án đầu tư công có nhu cầu tái định cư trên địa bàn (đây cũng là quỹ đất dự trữ cho nhu cầu phát triển của dân cư tại chỗ). Khu vực bố trí tái định cư phải ở các vị trí thuận lợi, tạo sự đồng thuận của nhân dân trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng theo đúng quy định của pháp luật.
Đối với quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, Chủ tịch UBD tỉnh Quảng Nam yêu cầu cần xác định rõ quy mô, vị trí trong đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị theo đúng quy định của Luật Nhà ở năm 2014, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP (đây cũng là quỹ đất dự trữ cho nhu cầu tái định cư hoặc phát triển dân cư trong tương lai).
Chủ đầu tư chịu trách nhiệm xây dựng nhà ở xã hội đồng bộ trong toàn bộ dự án theo quy hoạch chi tiết được duyệt; trừ trường hợp bàn giao quỹ đất này cho cơ quan Nhà nước đầu tư. Cơ quan quản lý Nhà nước phải có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra chủ đầu tư hoàn thành việc xây dựng nhà ở xã hội trước khi xem xét, nghiệm thu, đánh giá hoàn thành dự án. “Không áp dụng hình thức nộp tiền để xây dựng nhà ở xã hội tại vị trí khác ngoài dự án trừ trường hợp dự án có yêu cầu thẩm mỹ cao, chất lượng hạ tầng kỹ thuật - hạ tầng xã hội hiện đại, tạo bộ mặt cảnh quan đô thị phải được sự đồng ý của Thường trực Tỉnh ủy”, ông Lê Trí Thanh, yêu cầu.
Các địa phương triển khai các dự án khu dân cư, khu đô thị đã thực hiện nộp tiền thay cho quỹ đất nhà ở xã hội phải khẩn trương xác định vị trí xây dựng nhà ở xã hội để đầu tư từ nguồn vốn các nhà đầu tư đã nộp ngân sách. Các khu vực xây dựng nhà ở xã hội phải phù hợp với quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch xây dựng nông thôn mới; nhưng đầu tư hạ tầng từng bước để giảm giá thành làm căn cứ để giảm giá bán, cho thuê nhà ở xã hội.
Khuyến khích các địa phương, các chủ đầu tư dự án tại các khu vực không bắt buộc bố trí nhà ở xã hội theo quy định vẫn xem xét quy hoạch, bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội với quy mô phù hợp để phục vụ cho các đối tượng xã hội tại địa phương; đồng thời, đây là quỹ đất dự trữ cho nhu cầu tái định cư các dự án trên địa bàn.
Quỹ đất các công trình trong danh mục xã hội hóa phải được thể hiện rõ trong đồ án quy hoạch chi tiết (1/500) và phải được giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng đồng bộ với dự án, được bàn giao lại cho địa phương để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện.
Ủy quyền cấp huyện phê duyệt, công bố quy hoạch
UBND tỉnh Quảng Nam giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh hoặc tham mưu UBND tỉnh ủy quyền các địa phương lập, thẩm định, phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh, hủy bỏ, công bố quy hoạch (hình thức, phương pháp phải cụ thể, rõ ràng, thuận lợi trong việc tiếp cận thông tin của cán bộ và nhân dân).
Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương, đơn vị thực hiện điều chỉnh quy hoạch phân lô đối với các lô đất ở (không ảnh hưởng đến cơ cấu đất cây xanh, công cộng, thương mại dịch vụ...) để thuận lợi trong việc bố trí tái định cư. Ưu tiên hoán đổi linh hoạt vị trí giữa đất ở khai thác thương mại và đất ở tái định cư, đảm bảo quỹ đất tái định cư không được giảm so với quy hoạch đã duyệt. Cho phép chủ động điều chỉnh trong quá trình triển khai thực hiện dự án; sau khi dự án hoàn thành, sẽ được cập nhật trên bản vẽ hoàn công và xác định lại nghĩa vụ tài chính, thanh quyết toán theo đúng quy định (báo cáo UBND tỉnh trước ngày 20/7/2021).
Đối với các đồ án quy hoạch đã được phê duyệt trước đây, hiện nay không có tính khả thi hoặc không phù hợp để triển khai thực hiện, phải tổ chức đánh giá, rà soát để thực hiện điều chỉnh kịp thời (hủy bỏ, điều chỉnh cục bộ, điều chỉnh tổng thể); đảm bảo không làm cản trở quá trình phát triển.
Việc điều chỉnh các lô đất phải đảm bảo phù hợp với các điều kiện điều chỉnh quy hoạch theo quy định của pháp luật. Đối với các khu vực quy hoạch mới, quy định cụ thể việc cho phép hợp thửa trong trường hợp cần thiết để đảm bảo công năng, nhu cầu sử dụng đất và phù hợp với tính chất, cơ cấu, hệ số sử dụng đất...; các khu vực đất ở có diện tích lớn hoặc nếu có nhu cầu hợp thửa để xây dựng khách sạn, chung cư, trung tâm thương mại thì chỉ xem xét, giải quyết tại các vị trí phù hợp và phải chuyển đổi cho phù hợp với mục đích sử dụng đất, trên cơ sở tính toán cân đối, đảm bảo các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội như: đường giao thông, hệ thống thoát nước, bãi đỗ xe, các khu công cộng, dịch vụ...
Việc cho phép tách thửa, hợp thửa phải tính toán đến các hạ tầng, tiện ích đi kèm, không làm ảnh hưởng đến hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực. Đối với khu vực chỉnh trang trong các đồ án quy hoạch khu dân cư, khu đô thị; cho phép tách thửa phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật và Quyết định số 15/2020/QĐ-UBND ngày 05/11/2020 của UBND tỉnh ban hành Quy định hạn mức giao đất, hạn mức công nhận quyền sử dụng đất và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với các loại đất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Quy định cụ thể, chặt chẽ quá trình tham gia của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc theo dõi, quản lý chất lượng công trình xây dựng khu đô thị, khu dân cư, nhất là các hạng mục công trình ngầm đối với một số công đoạn cần thiết để đảm bảo chất lượng trong quá trình bàn giao - tiếp nhận và quản lý sau này; trong đó ưu tiên phân cấp, ủy quyền cho UBND cấp huyện thực hiện, trừ trường hợp các đô thị hiện đại, tiêu chuẩn mỹ thuật, chất lượng cao thì Sở Xây dựng chủ trì hoặc tham gia quá trình nghiệm thu.
Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nhà ở thương mại giá rẻ
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu tham mưu, đề xuất cơ chế cho phép mua nhà ở xã hội đối với các hộ dân đã thực tế làm nhà và sinh sống ổn định trên đất không phải là đất ở (không thuộc đối tượng phải bồi thường khi thu hồi đất) nhưng đó là nhà ở duy nhất của họ để tạo điều kiện ổn định đời sống nhân dân, thuận lợi trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng triển khai các dự án.
Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở để bán cho người dân có hộ khẩu thường trú tại địa phương với cơ chế phù hợp (nhà ở thương mại giá rẻ). Đề xuất làm thí điểm để rút kinh nghiệm. Nghiên cứu các quy định hiện hành của pháp luật để hướng dẫn các địa phương trong quá trình xây dựng quy chế quản lý trật tự đô thị trên địa bàn, quy định quản lý quy hoạch xây dựng theo đồ án quy hoạch được duyệt... quy định rõ việc không cho phép các cơ sở, xưởng sản xuất gây tiếng ồn, mùi, bụi độc hại và có nguy cơ gây hỏa hoạn cao, không được hoạt động sản xuất trong các khu dân cư, khu đô thị gây ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân (có thể cho phép gia công, lắp ráp một số công đoạn thành phẩm); tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.
Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai chịu trách nhiệm rà soát, đánh giá những khu dịch vụ du lịch có quy mô lớn, có tính chất hoạt động như khu đô thị để phối hợp với Sở Xây dựng báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh sang khu đô thị du lịch, phù hợp quy định hiện hành pháp luật. “Sở Xây dựng phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai rà soát, đánh giá những khu dịch vụ du lịch có quy mô lớn, có tính chất hoạt động như khu đô thị cần thiết phải điều chỉnh sang khu đô thị du lịch và xác định rõ những công trình công cộng dùng chung cho cộng đồng để tham mưu UBND tỉnh giải quyết phù hợp quy định pháp luật”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, chỉ đạo.
Tính toán, quy hoạch hạ tầng thoát nước mặt đồng bộ
Trong quá trình lập đồ án Quy hoạch xây dựng vùng Đông của tỉnh Quảng Nam, cần tính toán, quy hoạch hạ tầng thoát nước mặt đồng bộ, thống nhất trong toàn khu vực vùng Đông để làm căn cứ nghiên cứu, lập các đồ án quy hoạch xây dựng liên quan và thuận lợi trong việc thực hiện các dự án thoát nước, chống ngập trên địa bàn. Quy định cụ thể việc quản lý, đầu tư, khớp nối đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhất là hệ thống giao thông chính và thoát nước giữa khu vực chỉnh trang hiện trạng với khu vực đầu tư xây dựng mới (hoặc khu vực có quy hoạch mới nhưng không giải phóng mặt bằng được phải điều chỉnh thành chỉnh trang hiện trạng). Hướng dẫn các địa phương thực hiện công tác cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định hiện hành của pháp luật; trong đó lưu ý làm rõ việc cấp giấy phép xây dựng tại các khu vực dân cư hiện trạng, khu vực chỉnh trang đô thị, khu vực phát triển dự án.