Aa

Quảng Nam tập trung vào 3 mũi nhọn để phục hồi kinh tế đến năm 2023

Thứ Sáu, 13/05/2022 - 06:09

Cũng như nhiều địa phương trong cả nước, tỉnh Quảng Nam đang tích cực triển khai các chương trình, kế hoạch nhằm phục hồi nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng nhanh.

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 đến năm 2023.

Quảng Nam
Quảng Nam lên kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19

Theo đó, tỉnh Quảng Nam sẽ tập trung đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu đô thị; bổ sung quy hoạch và xử lý vướng mắc, khơi thông cho các dự án. Cùng với đó là nhiều chính sách kích cầu du lịch, tạo bệ phóng phát triển nhiều lĩnh vực khác.

Tập trung đẩy mạnh xúc tiến và thu hút đầu tư

Để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, UBND tỉnh Quảng Nam đề ra mục tiêu đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN), khu đô thị; xã hội hóa đầu tư, khai thác, phát huy tối đa tiềm năng Cảng hàng không Chu Lai; đề xuất có cơ chế hoạt động Khu phi thuế quan Tam Quang gắn với Cảng hàng không Chu Lai; bổ sung quy hoạch Trung tâm logistics cảng biển tại Chu Lai và đề xuất xã hội hóa đầu tư, quản lý vận hành luồng cảng Chu Lai mới cho tàu 5 vạn tấn đủ tải vận hành, gắn với cơ chế hoạt động của Khu phi thuế quan Tam Hòa và hệ thống bến nội địa; đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư hạ tầng và nâng tỷ lệ lấp đầy khu, cụm công nghiệp.

Khu kinh tế Chu Lai
Khu kinh tế mở Chu Lai thuộc huyện Núi Thành (Quảng Nam)

Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ triển khai nhanh các dự án, mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tập trung thu hút phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành cơ khí chế tạo, ngành sản xuất và lắp ráp ô tô tại các KCN cơ khí ô tô Trường Hải, công nghiệp phục vụ ngành dệt may tại KCN Tam Thăng hướng tới hình thành KCN hỗ trợ, thu hút ngành công nghiệp công nghệ cao tại KCN công nghệ cao Thăng Bình.

Cùng với đó là thu hút và phát triển công nghiệp kỹ thuật cao, công nghiệp nhẹ, công nghiệp chế biến lương thực ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường tại các KCN Điện Nam - Điện Ngọc. Thu hút và phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp, ngành may mặc, ngành chế biến nông lâm sản, dược liệu gắn với chế biến sâu với công nghệ cao, thân thiện môi trường tại các cụm công nghiệp gắn với quy hoạch phát triển cụm công nghiệp ở vùng phía Tây của tỉnh.

Cũng theo kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 đến năm 2023, đầu tư công chiếm vai trò then chốt trong việc phục hồi kinh tế. Vì vậy, tỉnh Quảng Nam cũng đẩy mạnh đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 với tổng kế hoạch vốn hơn 33.500 tỷ đồng, trong đó năm 2022 là hơn 5.600 tỷ đồng và năm 2023 dự kiến hơn 6.500 tỷ đồng. Tỉnh cũng hỗ trợ đầu tư chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, bao gồm các dự án đã xác định danh mục thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội với tổng vốn giai đoạn 2022 - 2023 là 1.271 tỷ đồng.

Trong đó, sắp xếp, xác định danh mục dự án theo thứ tự ưu tiên đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được phê duyệt, với các tiêu chí: Thứ nhất, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ nhằm kích thích tổng cầu; Thứ hai, thu hút mạnh hơn đầu tư tư nhân theo nguyên tắc đầu tư công tạo “vốn mồi” và lựa chọn các dự án chuẩn bị đầu tư thật sự cấp bách, cần thiết, có tác động trực tiếp đến mục tiêu phục hồi, kích thích tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ưu tiên đầu tư lồng ghép với các dự án, công trình hỗ trợ từ 03 chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Quảng Nam
Vùng Đông Nam tỉnh Quảng Nam

Cùng với đó, phối hợp các cơ quan Trung ương đẩy nhanh tiến độ triển khai 14 dự án quan trọng có ý nghĩa liên vùng từ nguồn ngân sách trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 với tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng như: Dự án Hoàn thiện đường ven biển 129 (đường Võ Chí Công), Đường trục chính Tam Hòa nối từ Quốc lộ 1 đến đường Võ Chí Công và ĐT613B, Đường vành đai phía Bắc tỉnh Quảng Nam, các tuyến đường ngang kết nối vùng Đông và vùng Tây, các tuyến kết nối Quốc lộ 1A với đường Võ Chí Công...

Đẩy mạnh thu hút đầu tư ngoài Nhà nước; thu hút các nguồn lực xã hội và thực hiện có hiệu quả cơ chế khuyến khích xã hội hóa đầu tư vào các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, môi trường, giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025.

Đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp

Trong lĩnh vực công nghiệp, UBND tỉnh Quảng Nam xác định sẽ đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới đáp ứng nhu cầu mặt bằng sản xuất của doanh nghiệp, tạo điều kiện thu hút các dự án sản xuất lớn. Rà soát, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc của các dự án đầu tư công nghiệp đang triển khai, đảm bảo các dự án đi vào hoạt động đúng tiến độ, tạo ra các giá trị mới góp phần thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp.

Tạo điều kiện, hỗ trợ, hướng dẫn cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục điều chỉnh mục tiêu đầu tư dự án đối với những dự án dừng hoạt động, hoạt động không hiệu quả, không phù hợp với điều kiện sản xuất kinh doanh hiện tại để phục hồi, phát triển sản xuất theo đề xuất của doanh nghiệp.

Nhiều dự án khu đô thị ven sông Cổ Cò được tỉnh Quảng Nam chấp thuận chủ trương đầu tư

Kiến nghị điều chỉnh Quy hoạch chung Khu kinh tế mở Chu Lai để phù hợp với định hướng đầu tư lâu dài. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu thí điểm cơ chế khuyến khích hợp tác liên kết sản xuất theo cụm ngành trọng điểm cơ khí gia công, chế tạo tại Chu Lai với Tập đoàn Thaco làm hạt nhân, hình thành hệ sinh thái gia công, sản xuất cơ khí tại Khu kinh tế mở Chu Lai.

Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thực hiện chuyển đổi số, phát triển sản xuất thông minh... nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng liên kết, hội nhập và phát triển. Ưu tiên thu hút phát triển công nghiệp chế biến theo chiều sâu, triển khai mới dự án công nghiệp chế biến, chế tạo. Quan tâm hỗ trợ phát triển các làng nghề tiểu thủ công nghiệp gắn với phát triển du lịch.

Xử lý vướng mắc và khơi thông các dự án

Có thể thấy, trong thời gian qua, nhiều dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Nam gặp vướng mắc về chính sách, nguồn lực đất đai… Vì vậy, tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục triển khai thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong giải quyết hồ sơ, thủ tục đầu tư, đất đai, quy hoạch, xây dựng, giải phóng mặt bằng; đẩy nhanh tiến độ xem xét, giải quyết hồ sơ, khắc phục tình trạng chậm trễ, tồn đọng.

UBND tỉnh Quảng Nam sẽ tạo quỹ đất sạch, khơi thông nguồn lực đất đai để phát triển các dự án.

Bên cạnh đó, xử lý tháo gỡ vướng mắc để sớm đưa các dự án vào hoạt động, tạo quỹ đất sạch, khơi thông nguồn lực đất đai, đặc biệt là các dự án lớn như: Khu đô thị mới đã được phê duyệt, các dự án du lịch quốc tế nghỉ dưỡng cao cấp… Ưu tiên đầu tư các dự án công nghệ tiên tiến, hiện đại, công nghệ cao, thân thiện môi trường, sử dụng ít diện tích đất, giải quyết nhiều lao động, thu ngân sách nhiều nhất.

Ngoài ra, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm. Tập trung nguồn vốn để ưu tiên đầu tư các dự án trọng điểm của tỉnh, vùng động lực, có tính đột phá và lan tỏa; tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng nhóm các dự án giao thông liên kết trong khu kinh tế, KCN, đô thị du lịch ven biển, ven sông, nhóm dự án ô tô và cơ khí đa dụng, nhóm các KCN và KCN công nghệ cao, nhóm dự án công nghiệp và dịch vụ hàng không, nhóm cảng biển và logistics Chu Lai và nhóm dự án nông nghiệp hàng hóa an toàn nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.

Đối với các dự án trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Quảng Nam sẽ giải quyết các khó khăn, vướng mắc để tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai các dự án trọng điểm đảm bảo tiến độ. Đặc biệt là các dự án hạ tầng du lịch, công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao,... Tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ đầu tư và ưu đãi đầu tư cho các doanh nghiệp theo các chương trình, chính sách ưu đãi của Chính phủ và của tỉnh.

Mục đích đề ra các mục tiêu này nhằm phục hồi kinh tế nhanh, bền vững trên cơ sở bảo đảm phát triển ổn định kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt từ 7,5 - 8%/năm.

Thông qua đó, tiết kiệm các nguồn chi, tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh khôi phục dần và đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh; huy động và triển khai thực hiện nguồn vốn đầu tư toàn xã hội./.                           

Xúc tiến du lịch, tạo sự sôi động cho Năm Du lịch Quốc gia 2022

Theo kế hoạch, tỉnh Quảng Nam xem Năm Du lịch Quốc gia 2022 và lộ trình mở cửa lại du lịch là cơ hội để kích cầu du lịch, lấy lại đà tăng trưởng. Các hoạt động quảng bá, xúc tiến, thu hút, hỗ trợ nhà đầu tư du lịch, nhất là các nhà đầu tư chiến lược triển khai các dự án du lịch được thực hiện…

Quảng Nam sẽ đẩy mạnh triển khai chương trình liên kết hành động với các tỉnh, thành phố nhằm xây dựng kế hoạch, phương án mở cửa đón khách theo lộ trình phù hợp, khôi phục và phát triển du lịch như liên kết 4 địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình; liên kết giữa TP. Hà Nội, TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế)…

Du lịch Quảng Nam sẽ được khai thác ở nhiều mảng trong đó có du lịch sinh thái.

Tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch; kích cầu du lịch, đẩy mạnh truyền thông với thông điệp “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh”, “Người Quảng Nam đi du lịch Quảng Nam”. Tập trung trọng tâm quảng bá, xúc tiến du lịch thị trường nội địa và các thị trường mở cửa đón khách quốc tế theo chủ trương của Chính phủ. Khuyến khích doanh nghiệp du lịch xây dựng các gói sản phẩm du lịch mới với các gói ưu đãi, khuyến mãi nhưng vẫn cam kết về chất lượng, trong đó tập trung vào sản phẩm du lịch biển đảo, golf, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, nông nghiệp, trải nghiệm. Nâng cấp các sản phẩm du lịch, dịch vụ hiện có; phát triển đa dạng sản phẩm đáp ứng xu hướng mới của thị trường.

Trong đó, xem bảo đảm ổn định chính trị - xã hội là nhiệm vụ xuyên suốt và trọng yếu, tiêm vắc-xin đủ liều là điều kiện tiên quyết, y tế là then chốt, tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là đột phá, phát triển kinh tế là nền tảng.

Mới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam phối hợp với VNPT Quảng Nam xây dựng “Hệ thống phần mềm du lịch thông minh tỉnh Quảng Nam” với các phân hệ chính bao gồm: Cổng thông tin du lịch; ứng dụng Mobile Du lịch thông minh (2 phiên bản trên IOS và Android); bản đồ số du lịch (dịch vụ bản đồ nền số và các API liên quan đến dịch vụ bản đồ nền); hệ thống chatbox, hệ thống tự tạo tour, lên lịch trình tham quan cho du khách; hệ thống phân tích, đánh giá, phản hồi mạng xã hội về du lịch Quảng Nam; thực hiện số hóa dữ liệu ngành, xây dựng các video và các tính năng tương tác trực quan 3D, AR, VR...

Theo đó, việc triển khai “Hệ thống phần mềm du lịch thông minh tỉnh Quảng Nam” nhằm góp phần nâng cao hiệu quả cho công tác quản lý Nhà nước, quảng bá hình ảnh du lịch cho các doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở kinh doanh du lịch dịch vụ trên địa bàn tỉnh và du khách. Cụ thể, phần mềm sẽ chính thức bấm nút khai trương tại sự kiện Festival Nghề truyền thống vùng miền lần thứ nhất - Quảng Nam 2022 vào ngày 19/5/2022, tại website: https://quangnamtourism.com.vn và app Quang Nam Tourism (trên App Store và CH Play).

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top