Aa

Quảng Nam: TX. Điện Bàn tạo “cơ chế mở” giúp chủ đầu tư vượt khó

Chủ Nhật, 24/12/2023 - 14:46

UBND TX. Điện Bàn đã có Công văn thống nhất cho phép triển khai thực hiện trước các bước về giải phóng mặt bằng đối với dự án Khu đô thị Thiên Ân trong thời gian chờ ban hành kế hoạch sử dụng đất năm 2024.

Tuy đã được UBND tỉnh Quảng Nam đồng ý gia hạn tiến độ thực hiện dự án đến tháng 12/2024 (tại Công văn số 967/UBND-KTN ngày 24/2/2023), nhưng 10 tháng qua, công tác giải phóng mặt bằng đối với dự án Khu đô thị Thiên Ân không thể triển khai được vì chưa được bổ sung vào kế hoạch sử dụng đất năm 2023.

Dự án Khu đô thị Thiên Ân không thể triển khai GPMB vì chưa có kế hoạch sử dụng đất năm 2023

Đến nay, dự án đã được UBND TX. Điện Bàn đưa vào danh mục đăng ký kế hoạch sử dụng đất năm 2024 và đã được Thị ủy Điện Bàn thống nhất. Trong thời gian đấy, để tạo điều kiện cho chủ đầu tư triển khai dự án đáp ứng tiến độ đã được gia hạn, UBND TX. Điện Bàn đã đồng ý với chủ trương cho phép triển khai thực hiện trước các bước: xét, thẩm tra nguồn gốc đất, xác định loại đất trước khi thu hồi, công nhận lại diện tích đất ở và xác định tỷ lệ % bồi thường vật kiến trúc tại dự án Khu đô thị Thiên Ân do Chi nhánh Bất động sản Công ty CP Vinaconex 25 tại Quảng Nam làm chủ đầu tư.

Được biết, dự án Khu đô thị Thiên Ân là dự án có phần diện tích ảnh hưởng bị mất hiện trạng nhưng không nằm trong danh sách 23 dự án mất hiện trạng đã được thanh tra, kiểm tra. Theo đó, UBND TX. Điện Bàn thống nhất chủ trương chỉ bồi thường, hỗ trợ đối với những hạng mục còn hiện trạng (phần mất hiện trạng do chủ đầu tư chịu trách nhiệm làm việc với các hộ dân liên quan và phần chi phí này không được đưa vào chi phí giải phóng mặt bằng của dự án). Trường hợp không thể thực hiện theo phương án trên, đề nghị Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã rà soát, tổng hợp, báo cáo UBND thị xã xem xét, chuyển Thanh tra thị xã để tiến hành thanh tra tương tự như 23 dự án trước đây. 

Theo đó, phần diện tích mất hiện trạng tại dự án này thuộc các thửa đất của 5 hộ dân. Theo chủ đầu tư lý giải, do dự án đã kéo dài từ năm 2016 cho đến nay, việc xây dựng và sửa chữa nhà ở không thực hiện được trong khi tất cả các hộ dân tại khu vực này đều thuộc diện khó khăn, nhà cửa đã xây dựng từ lâu, xuống cấp nghiêm trọng, thường xuyên bị ngập úng trong mùa mưa bão. Trong khi đó theo quy hoạch chi tiết, khu vực này thuộc điểm đấu nối hạ tầng kỹ thuật thoát nước mưa và nước thải quan trọng của dự án. Xuất phát từ vấn đề trên, các hộ dân đã đồng thuận nhận trước tiền bồi thường, hỗ trợ và thống nhất bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thi công khớp nối hạ tầng kỹ thuật để thoát nước vào mùa mưa. Do đó, hiện nay trên đất của các hộ dân không còn hiện trạng nhà cửa, vật kiến trúc.

Đại diện chủ đầu tư nhìn nhận việc thỏa thuận với hộ dân chi tiền đền bù và san ủi mặt bằng thi công trước khi Trung tâm phát triển quỹ đất lập và trình thẩm định phương án bồi thường là chưa đúng quy định. Tuy nhiên, do những yếu tố khách quan, khó khăn vướng mắc kéo dài chưa được tháo gỡ, áp lực về chỗ ở của người dân và tiến độ hoàn thành dự án theo quy định nên đã xảy ra tình trạng trên.

Khu đô thị Thiên Ân là dự án mất hiện trạng nhưng không nằm trong danh sách thanh tra

Dự án Khu đô thị Thiên Ân tại phường Điện Nam Đông và phường Điện Nam Trung (TX. Điện Bàn) có quy mô khoảng 19,12ha. Dự án có tiến độ thực hiện từ năm 2016 - 2020 và đã được UBND tỉnh gia hạn thời gian thực hiện đến hết quý IV/2022 thì hoàn thành dự án và nghiệm thu đưa vào sử dụng toàn bộ hạ tầng kỹ thuật.

Đến cuối năm 2022, chủ đầu tư đã được UBND tỉnh giao đất trong 4 đợt với tổng diện tích 12,69/19,12ha. Đối với phần diện tích 6,43ha còn lại của dự án, được chia làm 2 phần, gồm phần diện tích 2,158ha đã có phương án bồi thường hỗ trợ, hiện còn 43 hộ dân chưa đồng ý nhận tiền với các lý do như không thống nhất đơn giá, đề nghị bồi thường theo hình thức đất đổi đất hoặc không thống nhất thu hồi đất, yêu cầu được tái định cư tại khu đất hiện gia đình đang sinh sống; phần diện tích 4,272ha chưa lập phương án thì có 125 hộ dân không đồng ý ký xác nhận hồ sơ đo đạc, không phối hợp trong công tác kiểm kê hoặc không đồng ý vạch ranh giới giải phóng mặt bằng vì ảnh hưởng đến phần đất ở…

Thêm vào đó, các quy định mới về đơn giá bồi thường, hỗ trợ đối với cây trồng hàng năm, hoặc đơn giá bồi thường đất vườn ao thấp hơn so với quy định trước đây cũng gây nhiều trở ngại trong công tác giải phóng mặt bằng, không được sự đồng tình và ủng hộ của người dân.

Chủ đề bạn có thể quan tâm

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top